Châu Âu lo ngại Trung Quốc thâu tóm cảng biển

Giới chuyên gia và nhà chức trách các nước cảnh báo nguy cơ Trung Quốc ồ ạt đầu tư xây dựng, thâu tóm cảng biển ở châu Âu nhằm phục vụ mục đích quân sự.

Trung Quốc hiện sở hữu 35% cổ phần cảng Euromax ở Hà Lan - Ảnh: Chụp màn hình Flickr

Trong khuôn khổ chiến lược Vành đai và Con đường, những công ty nhà nước chuyên về xây dựng cảng biển của Trung Quốc như Cosco và Thương cảng (CMPH) ồ ạt đổ tiền mua cổ phần hoặc thuê dài hạn nhằm vào các cảng có vị trí chiến lược ở nước ngoài. Theo tờ South China Morning Post, Bắc Kinh bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực cảng biển ở châu Âu kể từ khi Cosco được trao quyền vận hành cảng container tại TP.Piraeus ở Hy Lạp vào năm 2008 trong bối cảnh nước này đang chìm trong khủng hoảng nợ công. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã sở hữu 35% cổ phần cảng Euromax ở Hà Lan, 20% tại cảng Antwerp (Bỉ) và đang xây dựng cảng mới ở Hamburg (Đức).

“Giới chức từ các quốc gia EU ngày càng lo ngại Trung Quốc có thể lợi dụng hoạt động đầu tư, xây dựng cảng để gây ảnh hưởng lên từng thành viên”, chuyên gia Frans-Paul van der Putten thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Hà Lan nhận định. Hiện EU đang thảo luận về khung pháp lý chung nhằm tăng cường quản lý và kiểm soát nguồn đầu tư nước ngoài. Riêng ở Ý, Chánh văn phòng nội các Giancarlo Giorgetti nhấn mạnh chính phủ hoan nghênh đầu tư Trung Quốc, nhưng khẳng định không có chuyện Bắc Kinh có thể thâu tóm tài sản quốc gia.

Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc các công ty Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào cảng Trieste. “Chúng tôi sẽ đảm bảo Trung Quốc đóng vai trò xây dựng và chỉ nắm giữ một số ít cổ phần, chứ không thâu tóm, có quyền vận hành cả cảng như ở Piraeus (Hy Lạp) và Hambantota tại Sri Lanka”, ông Zeno D’Agostino, Chủ tịch Công ty nhà nước vận hành cảng Trieste, nói với tờ Asia Times.

Đáng chú ý, trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, chính quyền Trung Quốc đã đặt mục tiêu kết hợp các ngành công nghiệp quốc phòng và dân sự, theo tờ China Daily. Điều này đồng nghĩa tận dụng công nghệ, cơ sở hạt tầng dân sự vào mục đích quân sự. Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc phòng tiên tiến Mỹ cảnh báo Trung Quốc đầu tư xây dựng, thâu tóm cảng biển ở nước ngoài nhằm mục đích gia tăng sức ảnh hưởng chính trị và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự lẫn dân sự, từ đó đẩy mạnh sự hiện diện hải quân ở vùng biển xa. Tương tự, trong một hội thảo tại Đại học Haifa (Israel), cựu Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Gary Roughead nhận định: “Các công ty Trung Quốc vận hành cảng ở châu Âu có thể theo dõi hoạt động tàu dân sự lẫn quân sự Mỹ hoạt động trong khu vực”. Cũng tại hội thảo, cựu Phó tư lệnh hải quân Israel Shaul Chorev cảnh báo: “Trung Quốc vận hành cảng và kiểm soát các phương tiện thông tin liên lạc, điều này trái ngược với lợi ích của nước sở tại. Chính phủ cần phải thiết lập cơ chế pháp lý giải quyết vấn đề này”.

Đức là quốc gia đầu tiên ở EU có biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát hoạt động đầu tư ồ ạt của Trung Quốc. Hồi tháng 7.2018, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel ngăn chặn tập đoàn Trung Quốc Yantai Taihai mua cổ phần nhằm thâu tóm Công ty Leifeld Metal Spinning, chuyên sản xuất thiết bị dùng trong ngành năng lượng và hàng không, vì “lý do an ninh”. Cũng trong cùng tháng, Berlin ban hành quy định cho phép chính phủ có quyền can thiệp, kiểm tra và ngăn chặn nếu cá nhân/công ty nước ngoài đầu tư, mua trên 15% cổ phần công ty Đức, theo tờ DW.

Phúc Duy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/chau-au-lo-ngai-trung-quoc-thau-tom-cang-bien-1011758.html