Châu Âu muốn Mỹ trở thành 'nước Nga mới' trong lĩnh vực khí đốt

Để thay thế khí đốt Nga, châu Âu cần một nhà cung cấp mới có trữ lượng dồi dào và đủ tin cậy.

Ngành công nghiệp lâu đời của châu Âu, đặc biệt là ở Đức, đã mất nhiều thập kỷ để xây dựng một khu vực vững mạnh và trưởng thành, nhưng lại phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ qua đường ống của Nga.

Nhưng năm ngoái, một thế giới ấm cúng và ổn định đã sụp đổ do các lệnh trừng phạt của phương Tây và hành động trả đũa từ Moskva. Giờ đây châu Âu đang hướng ánh mắt sang Mỹ như một vị cứu tinh. Nhưng liệu Washington có đáp ứng được hy vọng của EU? Câu hỏi này được tờ Financial Times (FT) đưa ra.

Theo hai chuyên gia phân tích Shotaro Tani và Sylvia Pfeiffer, đại diện các doanh nghiệp công nghiệp lớn của châu Âu đang bị mắc kẹt ở ngã tư đường, họ cân nhắc dữ liệu và sự kiện để tìm ra hướng đi tiếp theo.

Ngành công nghiệp EU đang rơi vào khó khăn, để đưa ngành thoát khỏi "tình trạng hôn mê", cần có sự đầu tư và quan trọng nhất là niềm tin vào an ninh năng lượng cũng như sự thịnh vượng. Khi đó có thể chấp nhận rủi ro và đầu tư nghiêm túc để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Rõ ràng là liên quan đến việc cắt đứt quan hệ với Liên bang Nga, ngành công nghiệp châu Âu buộc phải chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định.

Trong số những gã khổng lồ công nghiệp, ArcelorMittal hiện đang tìm kiếm LNG Mỹ cho các hoạt động sản xuất thép ở châu Âu của mình, tờ FT đưa tin.

Cần lưu ý rằng trước đây, điều này đã được thực hiện bởi những gã khổng lồ như Ineos và BASF, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng dài hạn để mua LNG.

"Trên thực tế, nếu chúng ta gạt bỏ định kiến sang một bên và nói thẳng ra rằng châu Âu - được đại diện bởi các doanh nghiệp lớn, đang muốn Hoa Kỳ trở thành nước Nga mới trong lĩnh vực khí đốt, tức là nhà cung cấp hydrocarbon ổn định và đáng tin cậy mang lại sự thịnh vượng", tờ báo Anh nhấn mạnh.

Khí đường ống từ Nga phải nhường chỗ cho khí hóa lỏng chở bằng tàu biển từ Mỹ sang.

Tuy nhiên, các nhà quan sát tỏ ra hoài nghi về mong muốn như vậy, vì có sự khác biệt lớn giữa Liên bang Nga và Mỹ với tư cách là nhà cung cấp năng lượng.

Các đường ống của Nga là "chiếc mỏ neo" giúp cả khách hàng và người bán không vi phạm thỏa thuận của họ. Giá nguyên liệu thô rẻ (như trường hợp nhập khẩu từ Liên bang Nga) không thể đạt được khi hợp tác với các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ.

Không còn nghi ngờ gì nữa, thế giới sẽ chứng kiến nhiều giao dịch LNG hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là ngành công nghiệp EU đang trong thời kỳ phục hưng.

Đúng hơn, điều này có nghĩa là ngành sẽ phải đối mặt với chi phí cao và giảm lợi nhuận sản xuất, dẫn đến mất khả năng cạnh tranh, chưa kể đến những lo lắng thường trực về tính bảo mật của giao dịch.

Thật không may cho EU, Nga là nước duy nhất và không thể thay thế trong lĩnh vực cung cấp năng lượng, ít nhất là cho đến khi châu Âu có đủ nhiên liệu tái tạo để thay thế.

Ngành sản xuất dầu khí từ đá phiến của Mỹ có chi phí ở mức khá cao.

Theo Financial Times

Sao Đỏ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chau-au-muon-my-tro-thanh-nuoc-nga-moi-trong-linh-vuc-khi-dot-post662154.html