Châu Âu phản đối Mỹ can thiệp dự án năng lượng với Nga

Sau khi Thượng viện Mỹ thông qua lệnh trừng phạt liên quan đến dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) đưa khí đốt từ Nga sang Đức, phía Nga đã cho đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế. Đây cũng là ví dụ cho thấy, châu Âu muốn độc lập hơn khỏi các ảnh hưởng của Mỹ trong vấn đề năng lượng.

Các tàu của Allseas đang đặt phần đường ống ngoài khơi Đan Mạch

Các tàu của Allseas đang đặt phần đường ống ngoài khơi Đan Mạch

“Sự can thiệp của nước ngoài”

Hôm 18/12, Thượng viện Mỹ dễ dàng thông qua một dự luật chính sách quốc phòng, trong đó có áp đặt trừng phạt với các công ty xây dựng đường ống dẫn dầu từ Nga sang Đức trong dự án Nord Stream.

Lệnh trừng phạt yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ phải ban hành một báo cáo trong vòng 60 ngày về những con tàu tham gia vào việc đặt đường ống cho dự án Nord Stream 2 và TurkStream - một đường ống khác từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng đề ra biện pháp phong tỏa tài sản và thu hồi visa Mỹ của các nhà thầu.

Thượng nghị sĩ Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói rằng lệnh trừng phạt này sẽ ngăn cản việc hoàn thành dự án và là công cụ quan trọng để “ngăn ảnh hưởng xấu của Nga”, “bảo vệ sự thống nhất của lĩnh vực năng lượng châu Âu”.

Dự án Nord Stream 2 do Tập đoàn Dầu khí nhà nước Nga Gazprom đứng đầu, cho phép Nga dẫn dầu khí qua biển Baltic đưa sang Đức mà không cần đi qua Ba Lan và Ukraine. Đường ống dài 1.230km, trị giá 9,5 tỷ USD, công suất 55 tỷ mét khối mỗi năm và sẽ tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên mà Nga bán cho Đức.

Những người ủng hộ đường ống cho rằng, đây sẽ là nguồn năng lượng rẻ và đáng tin cậy. Song những người phản đối đường ống cho rằng, nó sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga về mặt năng lượng.

Được hỏi về lệnh trừng phạt liệu có ảnh hưởng không, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng TASS: “Những lệnh trừng phạt như vậy là sự vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế, là ví dụ tiêu biểu cho sự cạnh tranh không lành mạnh và lan tỏa sự áp đảo nhân tạo của họ lên thị trường châu Âu, áp đặt các sản phẩm đắt đỏ hơn và không cạnh tranh cho người tiêu dùng châu Âu - cụ thể là khí đốt tự nhiên đắt hơn”.

Ngoại trưởng Đức Heiko Mass đã phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ bằng những ngôn từ khá quyết liệt. Ông Heiko Mass viết trên Twitter: “Chính sách năng lượng của châu Âu được quyết định ở châu Âu, không phải ở Mỹ. Chúng tôi phản đối sự can thiệp của nước ngoài”.

Ủy ban châu Âu cũng đã lên tiếng chỉ trích dự luật trừng phạt của Mỹ. Cao ủy Thương mại châu Âu Phil Hogan nói, EU “phản đối việc áp đặt trừng phạt với bất kỳ công ty nào của EU đang kinh doanh hợp pháp”. Ông nhấn mạnh: “Mục tiêu của Ủy ban châu Âu luôn là bảo đảm để Nord Stream hoạt động theo cách rất minh bạch và không bị phân biệt đối xử, với mức độ giám sát thích hợp”.

Cạnh tranh ảnh hưởng

Từ bên kia đại dương, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện giờ cũng như chính quyền tiền nhiệm Barack Obama đều phản đối đường ống do lo ngại nó sẽ làm tăng ảnh hưởng chính trị của Nga ở châu Âu. Chưa kể, Ukraine - đồng minh của Mỹ, một nước trung chuyển quan trọng với khí đốt Nga, cũng có nguy cơ mất ảnh hưởng và thiệt hại hàng tỷ USD tiền phí trung chuyển nếu đường ống xây xong.

Ngoài ý nghĩa chính trị, về kinh tế, dự án Nord Stream 2 sẽ là nguồn cung cấp khí đốt quan trọng cho thị trường châu Âu. Điều này có thể khiến các công ty Mỹ khó khăn hơn trong việc tìm chỗ đứng lớn hơn trong việc bán khí hóa lỏng cho châu Âu bằng tàu biển.

Phòng Thương mại Đức - Nga (AHK) cho rằng, đường ống rất quan trọng với an ninh năng lượng của châu Âu nói chung và kêu gọi các biện pháp trừng phạt trả đũa nếu Mỹ thông qua dự luật. “Châu Âu nên đáp trả những lệnh trừng phạt làm tổn hại đến châu Âu bằng các biện pháp phản đòn” - Chủ tịch AHK Matthias Schepp nói.

Ông cảnh báo, lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến các công ty châu Âu nhiều hơn là công ty Nga. Một nửa dự án do Gazprom bỏ vốn, nửa còn lại do các đối tác châu Âu, gồm có các Công ty Wintershall và Uninper của Đức, Shell của Anh và Hà Lan, Engie của Pháp và OMV của Áo.

Khoảng 350 nhà thầu tham gia vào việc xây dựng đường ống, trong đó một trong những nhà thầu lớn có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt là công ty đặt đường ống Allseas của Thụy Sĩ - nhà thầu mà Gazprom đã thuê để xây phần đường ống ngoài khơi.

Theo Bloomberg, Mỹ đã thừa nhận rằng họ không thể ngăn chặn việc hoàn thành đường ống Nord Stream 2. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ giấu tên nói rằng, lệnh trừng phạt nói trên là quá muộn để có tác động, và thay vào đó Mỹ sẽ cố gắng trừng phạt các dự án năng lượng khác của Nga.

Bloomberg bình luận: “Việc thừa nhận này là sự nhượng bộ hiếm hoi về một vấn đề là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Trump, và nhấn mạnh rằng các đồng minh châu Âu của Mỹ như Đức đã kiên quyến chống lại sức ép của Mỹ đòi bỏ đường ống. Nó cũng cho thấy, Mỹ đã cố gắng ngăn chặn Nga mở rộng sức mạnh trong các vấn đề từ năng lượng tới Ukraine và việc can thiệp bầu cử”.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg, điều phối viên chính sách xuyên Đại Tây Dương của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, đây là một dự án thương mại, nhưng có ý nghĩa địa chính trị quan trọng. “Tôi chờ đợi rằng lệnh trừng phạt - nếu ông Donald Trump có ký lệnh, thì cũng không có tác động lớn đến dự án”.

Bloomberd dẫn nguồn Cơ quan Hợp tác Điều hành Năng lượng châu Âu, số liệu năm 2017 cho thấy, có 14 nước châu Âu mua hơn 50% khí đốt họ sử dụng từ Nga, trong đó có Phần Lan, Latvia, Belarus, Moldova và một số nước Đông Âu cũ mua từ 75 - 100%, Đức, Pháp, Áo, Italia mua từ 25 - 49%.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/chau-au-phan-doi-my-can-thiep-du-an-nang-luong-voi-nga-4053795-b.html