Châu Âu sẽ có 'quân đội thực sự' mà không phụ thuộc vào Mỹ

Lần đầu tiên kể từ khi ý tưởng thành lập một 'quân đội châu Âu thực sự' được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra hồi năm ngoái, ngày 7-11, giờ Paris, Bộ trưởng Quốc phòng 9 nước trong Liên minh các lực lượng quân sự châu Âu (gồm Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) tiến hành cuộc họp đầu tiên tại thủ đô Paris của Pháp. Cũng tại cuộc họp này, Phần Lan chính thức được kết nạp trở thành thành viên thứ 10 của liên minh quân sự này.

Cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Quốc phòng 10 quốc gia tham gia Sáng kiến can thiệp chung châu Âu (IEI) xác định rõ “các ưu tiên” về khu vực địa lý, nguy cơ… để quân đội các nước trên phối hợp trong những trường hợp cần can thiệp nhanh, cũng như đối phó với thảm họa thiên nhiên hay sơ tán dân cư. Một quan chức của quân đội Pháp cho biết, trong môi trường nhiều đe dọa và biến động về địa chính trị cũng như biến đổi khí hậu như hiện nay, sự ra đời của liên minh các lực lượng quân sự này nhằm đưa ra thông điệp “châu Âu đã sẵn sàng, châu Âu có đủ năng lực”. Quan chức này cũng nhấn mạnh, IEI "không mâu thuẫn hoặc phá vỡ các nỗ lực phòng thủ truyền thống” của Liên minh châu Âu (EU) cũng như của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà ngược lại, cải thiện khả năng tương tác giữa các nước tham gia.

Quân đội Phần Lan chính thức tham gia Liên minh các lực lượng quân sự châu Âu. Ảnh: euractiv.fr

Cuộc họp trên là một nỗ lực nhằm cụ thể hóa IEI của Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra hồi năm ngoái trong bài phát biểu tại Trường Đại học Sorbone. IEI được cho là có lợi thế khi mang lại cho các nước châu Âu một khuôn khổ hợp tác mang tính linh hoạt, khác biệt với các cơ chế đã có, vốn đòi hỏi phải có sự thống nhất tuyệt đối của toàn bộ các thành viên châu Âu.

Trước đó, phát biểu trên Đài Phát thanh Europe 1 ngày 6-11, Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu cần có khả năng tự vệ tốt hơn để không phải phụ thuộc vào Mỹ. Nhà lãnh đạo Pháp cảnh báo sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và dân tộc sẽ đe dọa hòa bình mong manh của châu lục này. Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh, EU đã trải qua 70 năm hòa bình và thịnh vượng nhưng “thời kỳ vàng” này có thể sẽ không kéo dài. Hòa bình tại EU hiện đang bấp bênh khi khối này nhiều lần đối mặt với các cuộc tấn công và can thiệp, đặc biệt trên không gian mạng trong thời gian qua. Lời kêu gọi của ông Emmanuel Macron có phần cấp bách hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh với lý do Moscow vi phạm thỏa thuận. Ông Macron cho rằng, quyết định của Tổng thống Donald Trump làm chao đảo châu Âu và nạn nhân chính của quyết định này sẽ là châu Âu và an ninh của châu lục này. Ông Macron nhấn mạnh, EU sẽ không tự bảo vệ được trừ khi khối này quyết định có một "quân đội châu Âu thực sự".

Nhận định về tuyên bố của Tổng thống Macron, Giáo sư Bruno Alomar tại Trường Chiến tranh Pháp cho rằng, tầm nhìn của ông Macron về lực lượng phòng thủ châu Âu vẫn còn khá xa vời. “Ý tưởng tạo ra một nền văn hóa chiến lược chung không phải là tồi. Tuy nhiên, có một khoảng cách lớn về tiềm lực và khả năng quốc phòng giữa các nước châu Âu và thực tế là có những bất đồng rất sâu sắc giữa các quốc gia trong liên minh”, Giáo sư Bruno Alomar lưu ý.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của Tổng thống Emmanuel Macron lại được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hưởng ứng. Ông Jean-Claude Juncker cho rằng, nhiều khả năng quân đội châu Âu sẽ sớm ra đời. Hiện EU có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng của liên minh từ năm 2021, phân bổ khoảng 13 tỷ euro trong vòng 7 năm để nghiên cứu và phát triển các thiết bị quân sự mới. Đây là con số đáng kể nếu so sánh với khoảng 600 triệu euro trong ngân sách hiện tại của EU dành cho quốc phòng.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chau-au-se-co-quan-doi-thuc-su-ma-khong-phu-thuoc-vao-my-554004