Châu Âu: Tình trạng buôn người và sở hữu nô lệ vẫn phức tạp

Mặc cho cả thế giới kiên quyết xóa bỏ tình trạng sở hữu nô lệ, tại châu Âu, điển hình là Romania, tình trạng buôn bán người để làm nô lệ tình dục vẫn tồn tại. Tại các khu ngoại ô của Bucharest - thủ đô của Romania, không khó để chúng ta bắt gặp những câu chuyện thương tâm về vấn nạn này.

Mihaela, người từng 3 lần bị bán đi khắp các nước ở châu Âu để mại dâm trái ý muốn, chia sẻ: “Vào mỗi buổi sáng và buổi trưa tôi sẽ có 15 khách. Từ buổi chiều cho đến tận sáng hôm sau, họ sẽ mang đến cho tôi tiếp 20 người khách nữa”. Khi vừa bước sang tuổi 16, Mihaela bị bán đi lần đầu tiên và phải lưu lạc từ khắp Romania đến Hungary, Áo, Thụy Sĩ dưới sự quản lý chặt chẽ của những kẻ buôn người có vũ trang.

Về những gì xảy ra sau đó, Mihaela tiếp tục kể lại: “Tôi đã từng có người yêu và anh ấy là một thành viên trong băng mafia buôn người. Anh ấy bảo rằng chúng tôi có thể kiếm được rất nhiều tiền ở nước ngoài và muốn cùng tôi xây dựng gia đình”. Song, những tưởng sẽ có thể thoát khỏi địa ngục nơi cô đang sống, Mihaela không ngờ rằng mình lại bị lừa vào đường dây buôn người lần thứ hai.

Mihaela đang sống tại nhà trú ẩn dành cho những nạn nhân buôn người tại Romania.

Tiếp đến năm 2014, cứ ngỡ rằng định mệnh đưa đẩy cho Mihaela gặp được một phụ nữ tốt bụng tại nhà ga Bucharest, người có thể giúp cô thoát khỏi cảnh nô lệ mại dâm, Mihaela lại tiếp tục rơi vào một đường dây buôn người khác. Đó là lần thứ 3. Cuối cùng, một khách hàng cảm thấy cắn rứt về tội lỗi của mình đã giúp cô trốn thoát.

Đến năm 2017, Mihaela đồng ý công khai danh tính khi kể về câu chuyện của chính mình với mong muốn giúp đỡ những người phụ nữ khác không phải rơi vào tình cảnh đau đớn tương tự. Mihaela hiện đang sống cùng với cô con gái nhỏ - con của kẻ buôn người cuối cùng - tại nơi ẩn náu khẩn cấp duy nhất dành cho nạn nhân buôn người của Romania.

Monica Boseff, Giám đốc điều hành Quỹ Open Door tại Romania, thành lập nhà trú ẩn này tại thủ đô Bucharest. Nơi đây sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn và hoạt động với mục đích nâng cao lòng tự tôn của phụ nữ. Với sự góp sức của các tình nguyện viên đến từ khắp Brazil, Mỹ và Hà Lan, nhà trú ẩn chỉ đủ chỗ cho 18 phụ nữ, sau 4 năm đã giúp đỡ cho tổng cộng 200 trường hợp.

Đặc biệt, mặc cho bao khổ sở mà những người phụ nữ tại đây phải chịu, đàn ông cũng có thể được làm việc tại ngôi nhà này. Bởi một lẽ đơn giản, tổ chức mong muốn những phụ nữ đáng thương kia có thể tìm lại niềm tin đối với đàn ông. Những kẻ buôn người hết sức ranh ma trong cách thức hoạt động để dụ dỗ những phụ nữ mồ côi như Mihaela.

Boseff giải thích: “Bọn chúng lợi dụng những nhu cầu xúc cảm cơ bản của con người, như mong muốn được quan tâm và được ai đó yêu thương, chăm sóc. Đó là lý do bọn chúng thường nhắm vào những người yếu thế, những người không nhận được đầy đủ tình yêu thương từ gia đình”.

Điển hình, tại một ngôi làng phía đông ở Nicoresti (Romania), những kẻ buôn người thường xuyên hứa hẹn tình cảm hoặc tiền bạc để dụ dỗ những cô gái nhẹ dạ bước vào đường dây của mình. Briton Claire Melinte, người sáng lập trung tâm cộng đồng dành cho trẻ em tại Nicoresti, cho biết mỗi tháng có ít nhất 1 cô gái rơi vào tay những tên ma cô. Những tên này giả vờ ngon ngọt để trở thành bạn trai của những cô gái nhẹ dạ.

Đặc biệt, những tên ma cô buôn người thường lái những chiếc xe bóng loáng đến ngôi làng nghèo khổ, nơi mà người dân chỉ biết đến xe ngựa và xe bò. Chúng dụ dỗ các cô gái bằng vẻ ngoài hào nhoáng. Valentin Preda đã từng vận chuyển 15 cô gái sang Italia trong suốt 5 năm và hiện đang phải thụ án 5 năm tù giam tại một nhà lao gần Bucharest là một kẻ như thế.

Những tên buôn người thường lái chiếc xe bóng loáng đến ngôi làng, nơi mà người dân chỉ biết đến xe ngựa và xe bò.

Theo báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ thì mặc cho những nỗ lực đáng ghi nhận của Romania trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người, có vẻ như nước này vẫn chưa hoàn thành được những yêu cầu tối thiểu. Tuy nhiên, Adrian Petrescu - Quyền giám đốc Cục Chống nạn buôn người Romania, khẳng định tình trạng buôn người tại nước này đã được cải thiện rõ rệt với trung bình hơn 500 trường hợp bị truy tố mỗi năm.

Bên cạnh đó, cho rằng đây không chỉ là vấn đề của riêng Romania, Adrian nhận định: “Vấn nạn này cũng gây ảnh hưởng tại những quốc gia khác, những nơi có nhu cầu sử dụng lao động rẻ hoặc hoạt động kinh doanh dịch vụ tình dục hoặc chăn dắt ăn xin”. Tuy vậy, các số liệu thống kê của Anh kết luận Romania vẫn là quốc gia có nhiều người bị bán sang nước này nhất với ước tính cho thấy có đến khoảng 10.000 đến 13.000 nạn nhân Romania.

Có thể nói, mặc cho những nỗ lực của chính phủ các quốc gia trên thế giới và các tổ chức hoạt động tình nguyện phi chính phủ, tình trạng buôn người và sở hữu nô lệ vẫn rất phức tạp ở châu Âu. Tuy nhiên, cho đến nay quá trình đấu tranh chống lại tội phạm buôn người đã mang lại những kết quả nhất định. Những nạn nhân như Mihalea nay đã có thể nghĩ về một tương lai tươi sáng.

Mihalea tâm sự: “Tương lai, tôi muốn có một gia đình, một người chồng tốt, một người cha cho con gái tôi và tương lai, tôi muốn được sống như những gì tôi mơ ước”.

Duy Minh (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/chau-au-tinh-trang-buon-nguoi-va-so-huu-no-le-van-phuc-tap-509393/