Cháu nội vua Mèo chỉ loạt điểm sai của Hà Giang

Cháu nội vua Mèo chỉ ra những bằng chứng cho thấy UBND tỉnh Hà Giang và huyện Đồng Văn đã nhận thức sai về dinh thự họ Vương.

Làm sai?

Ngày 19/9, trao đổi với Đất Việt, ông Vương Duy Bảo, nguyên Cục phó Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình cho biết, cho đến nay gia đình ông vẫn chưa được hướng dẫn gì về việc làm sổ đỏ dinh thự họ Vương.

Trước đó, ngày 31/8, Bộ VH-TT-DL đã có báo cáo gửi Thủ tướng, trong đó đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục xử lý việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích dinh thự họ Vương theo quy định của pháp luật sau khi tỉnh Hà Giang đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng cấp cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn.

Theo ông Bảo, vấn đề trên vẫn phải đợi Thủ tướng chỉ đạo. Tuy nhiên, điều ông trăn trở là thái độ ứng xử của UBND tỉnh Hà Giang với di tích dinh thự họ Vương. Ông đã cất công tìm kiếm nhiều văn bản của UBND tỉnh Hà Giang liên quan đến khu dinh thự họ Vương và phát hiện ra rằng tỉnh đã có nhiều sai sót trong nhận thức và quản lý dinh thự họ Vương, coi dinh thự là tài sản của địa phương để tự định đoạt mà không quan tâm đến nguyện vọng của con cháu họ Vương - chủ sở hữu hợp pháp khu dinh thự này.

Đi sâu phân tích cụ thể, cháu nội vua Mèo cho biết, qua báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang và Bộ VH-TT-DL gửi Thủ tướng chưa chỉ rõ nhận thức của Hà Giang đối với di tích quốc gia dinh thự họ Vương. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Bộ VH-TT-DL, thành viên Chính phủ, được Nhà nước giao cho quản lý các di tích, di sản trên toàn quốc.

"Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lẽ ra Bộ VH-TT-DL phải chỉ ra cho Hà Giang cách ứng xử, quản lý đối với di tích này thế nào. Tuy nhiên, vì Bộ chưa chỉ ra được nên Hà Giang làm sai hoặc cố tình làm sai", ông Vương Duy Bảo nhấn mạnh.

Lần tìm được nhiều văn bản quản lý của Hà Giang liên quan đến dinh thự họ Vương, ông Bảo chỉ ra một loạt sai sót của UBND tỉnh cũng như UBND huyện Đồng Văn.

Dinh thự họ Vương

Trước hết, vào năm 2003, UBND tỉnh Hà Giang có Quyết định 2570 ngày 24/9/2003 thành lập Ban chỉ đạo điều hành thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ di tích khu nhà dòng họ Vương. Ông Vương Duy Bảo, khi ấy là Phó Ban quản lý làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam cũng là thành viên trong Ban chỉ đạo điều hành.

Tuy nhiên, ông Bảo lại không hề nhận được quyết định nói trên và chưa được dự buổi họp nào của Ban chỉ đạo điều hành để tham gia đóng góp ý kiến việc trung tu.

Cũng trong quyết định này, UBND tỉnh Hà Giang đã ghi rõ, sau khi tu bổ, tôn tạo xong giao cho Sở VHTT quản lý và khai thác khu di tích.

"Dinh thự không phải nhà vô chủ mà UBND tỉnh Hà Giang tự định đoạt như vậy", ông Bảo bức xúc nói.

Năm 2006, UBND tỉnh Hà Giang ra Quyết định 3316 ngày 11/12/2006 về việc quản lý di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh đã giao cho UBND huyện Đồng Văn trực tiếp quản lý di tích dinh thự họ Vương.

Theo ông Bảo, việc giao cho huyện Đồng Văn quản lý di tích nói trên đã tước bỏ hoàn toàn quyền sở hữu, quyền định đoạt của gia đình họ Vương đối với dinh thự.

"Căn cứ quyết định không đủ cơ sở pháp lý. Bản chất Luật Di sản văn hóa không quốc hữu hóa, không chuyển mục đích sử dụng mà công nhận đây là một di sản, Nhà nước và người dân phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy chứ không phải tước quyền của người dân.

Chưa kể, tỉnh phân cấp, giao cho huyện, với chức năng nhiệm vụ của mình liệu UBND huyện Đồng Văn có đủ năng lực để quản lý di tích cấp quốc gia không?", ông Vương Duy Bảo đặt câu hỏi.

Năm 2007, UBND huyện Đồng Văn ra Quyết định 443 ngày 3/5/2007 ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ, bảo quản , khai thác giá trị khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà họ Vương. Ông Vương Duy Bảo tiếp tục chỉ ra các sai sót ngay trong căn cứ ban hành quyết định của UBND huyện Đồng Văn cũng như nội dung văn bản.

Một trong những căn cứ để UBND huyện Đồng Văn ra Quyết định 443 là Quyết định 937 ngày 23/7/1993 của Bộ trưởng Bộ VHTT công nhận "khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là di tích lịch sử văn hóa".

Nhưng nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở chỉ rõ, di tích lịch sử văn hóa là danh từ chung, trong đó gồm nhiều thành phần: di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích danh thắng, di tích kiến trúc nghệ thuật.

"Không thể lấy khái niệm chung đi vào cái cụ thể như UBND huyện Đồng Văn làm được. Văn bản quản lý nhà nước không thể sai ấu trĩ như thế được", ông nói.

Chưa kể, trong Quy chế ban hành kèm Quyết định 443 đưa ra hàng loạt thông tin mang tính tiểu sử, lý lịch về dinh thự họ Vương, mà theo ông Bảo, "trong văn bản quản lý nhà nước, không ai đưa những thông tin kiểu đó".

Nhìn vào các văn bản của UBND tỉnh Hà Giang đến UBND huyện Đồng Văn, ông Vương Duy Bảo cho rằng, chúng đều cho thấy tỉnh và huyện đều mặc nhiên coi dinh thự họ Vương là nhà của tỉnh, của huyện rồi tự định đoạt, tự phát bán vé thu tiền...

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chau-noi-vua-meo-chi-loat-diem-sai-cua-ha-giang-3365812/