Châu Phi đối mặt với hệ quả trầm trọng của biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) vừa được tổ chức ở Madrid, Tây Ban Nha, những hệ quả do biến đổi khí hậu gây ra đối với các nước châu Phi đã được nhắc tới.

Thác Victoria từng là một trong những ngọn thác hùng vĩ và nổi tiếng nhất thế giới. Giờ nhiều phần của ngọn thác thu nhỏ lại thành suối, thảm thực vật trở nên trơ trụi, khô cằn. (Nguồn: CNN)

Cao 107 m và rộng tới 1,8 km, thác Victoria nằm giữa Zimbabwe và Zambia từng là một trong những ngọn thác hùng vĩ và nổi tiếng nhất thế giới. Tuy vậy, do tác động của những đợt hạn hán kéo dài hàng năm trời, nhiều phần của ngọn thác bị thu nhỏ lại thành những dòng suối. Những thảm thực vật trước đây từng rất tươi tốt giờ trở nên trơ trụi và khô cằn.

Hình ảnh thác nước khô nứt nẻ có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tàn phá của những đợt hạn hán gần đây. Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất, Chương trình Lương thực Thế giới tuyên bố rằng, hơn 7 triệu người dân Zimbabwe hiện đang phải trải qua nạn đói triền miên, chưa kể đến 45 triệu người dân khu vực Nam Phi có nguy cơ lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Trong khi những đại biểu tham dự Hội nghị COP25 đã thất bại trong việc tìm kiếm một kế hoạch thực tiễn nhằm cắt giảm lượng khí thải toàn cầu, châu Phi chính là một ví dụ rõ ràng nhất cho chúng ta thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đã thực sự bắt đầu và những quốc gia ít phải chịu trách nhiệm nhất cho khủng hoảng khí hậu lại đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng nhất.

Nkosi Nyathi, 16 tuổi là một nhà hoạt động môi trường đến từ khu vực thác Victoria. (Nguồn: CNN)

Tham dự Hội nghị COP25, Nkosi Nyathi, 16 tuổi, một nhà hoạt động môi trường đến từ khu vực thác Victoria chia sẻ: “Tương lai vẫn nằm phía trước chúng ta. Nhưng tương lai của chúng ta sẽ thế nào đây? Chỉ trong 10 hay 15 năm tới, nó sẽ ảnh hưởng đến chúng ta rất nhiều".

Chuyến đi của Nyathi đến Madrid là một phần trong sáng kiến của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhằm tập hợp tiếng nói của nhiều người trẻ vào cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu. “Tiếng nói của những người trẻ tuổi như chúng tôi cần phải được xem xét trong quá trình đưa ra quyết định Công ước khí hậu. Còn giới trẻ chúng ta cần phải nhận thức rằng biến đổi khí hậu sẻ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”, Nyathi nói. Nhưng Nyathi cũng biết rằng, những nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải toàn cầu không thể chỉ đến từ Zimbabwe. Chính các nước công nghiệp mới tạo ra được sự khác biệt.

Theo Francois Engelbrecht, một nhà khoa học tại Viện Biến đổi Toàn cầu (Global Change Institute), Đại học Witwatersrand và là tác giả chính của Báo cáo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, toàn bộ châu Phi chỉ đóng góp khoảng 1% lượng khí thải gây ra biến đổi khí hậu.

“Tôi nghĩ rằng người dân châu Phi hiểu rất rõ tính cấp thiết của việc ngăn chặn biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu”, nhà khoa học Engelbrecht nói. “Khu vực phía Nam châu Phi vốn dĩ đã rất nắng nóng và khô cằn. Tuy vậy, trong tương lai, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khu vực này sẽ chứng kiến nền nhiệt tăng cao kỷ lục”.

Một trong những người cảm nhận rõ nhất hệ quả của biến đổi khí hậu là Felistus Ncube, một nông dân sống tại phía Tây Zimbabwe. Bà cho hay: “Trước đây, khi tôi còn là một đứa trẻ, mọi người có thể dựa vào những cơn mưa để trồng ngô và cao lương. Nhưng hiện tại đã khác. Lượng mưa đã giảm sút rất nhiều và những cơn mưa đến rất muộn”. Dù nhận được trợ cấp, bà Ncube và 2 đứa cháu của mình cũng chỉ có thể ăn một bữa mỗi ngày. Cha mẹ của 2 đứa bé đã đến Nam Phi kiếm sống do việc làm nông nghiệp tại quê nhà không thể nuôi sống họ.

Không chỉ vậy, nền kinh tế Zimbabwe hiện đang trong tình cảnh rất khó khăn do lạm phát phi mã và những cải cách chính trị thất bại. Vì lý do đó, cuộc sống của người dân trở nên khổ sở hơn bao giờ hết. Bà Hilal Elver, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền được đảm bảo về Thực phẩm (Right to food), đã gọi cơn khủng hoảng này là “nạn đói nhân tạo”.

Felistus Ncube cùng nhiều người khác hiện đang phải xếp hàng nhận thực phẩm cứu trợ. (Nguồn: CNN)

Theo các nhà khoa học, nếu lượng khí thải toàn cầu không được cắt giảm đáng kể, khu vực phía Nam châu Phi sẽ tiến tới điểm giới hạn không thể phục hồi.

Nhà khoa học Englebrecht cho biết: “Theo như tốc độ hiện tại, với lượng khí thải nhà kính tiếp tục tăng lên trong bầu khí quyển, khu vực phía Nam châu Phi sau 5 thập kỷ nữa sẽ hoàn toàn khác xa so với hiện tại".

Những sự kiện thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày một thường xuyên hơn: hạn hán và sóng nhiệt sẽ tiếp tục hoành hành; những cơn bão sẽ trở nên ngày một mạnh hơn (mạnh hơn cả cơn bão Idai đã từng đổ bộ vào Mozambique và Zimbabwe hồi tháng 3 năm nay) và tình trạng thiếu nước trở nên khốc liệt. Năm ngoài, thành phố Cape Town (Nam Phi) gần như cạn kiệt nước sinh hoạt.

Các chuyên gia khí hậu cho rằng, thế hệ sau chúng ta sẽ bắt đầu cảm nhận những hệ quả khủng khiếp của khí thái toàn cầu giống như những gì đang xảy ra tại khu vực phía Nam châu Phi.

Còn đối với Nyathi, tác động của biến đổi khí hậu đã đến hồi báo động. Và sự bất bình đẳng trong cuộc khủng hoảng khí hậu này cũng rất rõ ràng. Anh nói: “Thông điệp ở đây rất đơn giản: Tất cả chúng ta đều là con người, chúng ta hít thở chung một bầu không khí. Một số quốc gia đang gây ô nhiễm và chúng tôi đang phải gánh chịu hậu quả".

(theo CNN)

Châu Khánh Tâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chau-phi-doi-mat-voi-he-qua-tram-trong-cua-bien-doi-khi-hau-106349.html