Châu Phi: Khi Trung Quốc thất bại, Ấn Độ ra tay

Trong bối cảnh mô hình phát triển của Trung Quốc tại châu Phi đang chứng tỏ những thất bại, chuyến thăm châu lục này của Thủ tướng Ấn Độ vừa qua đã nêu bật tầm quan trọng ngày càng gia tăng của châu Phi trong chính sách đối ngoại chung của Ấn Độ.

Hợp tác Ấn Độ – châu Phi: mối quan hệ độc đáo khuyến khích thương mại mở và tự do.

Mô hình Trung Quốc và hệ quả

Cách đây gần một thập kỷ, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất châu Phi. Năm ngoái, thương mại hai chiều đạt tới 170 tỷ USD - gấp 4 lần so với quan hệ thương mại Mỹ-châu Phi. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ tăng trưởng mạnh về thương mại, tài chính và đầu tư, sự can dự mạnh mẽ của Trung Quốc vào châu Phi đang làm hỏng các triển vọng phát triển tại châu lục này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất chú trọng đến việc biến Trung Quốc thành mô hình kinh tế và chính trị cho các nước đang phát triển, với hy vọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các nhà máy sản xuất tại châu Phi sẽ thúc đẩy công nghiệp hóa và phát triển cho châu lục này. Tuy nhiên, để sản xuất có hiệu quả và phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng cần đảm bảo chất lượng cao và công năng tối ưu. Thực tế lại cho thấy quá nửa số dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang thi công tại đây là yếu kém, không những không là động cơ thúc đẩy phát triển, mà còn để lại một gánh nợ lớn cho nền kinh tế nước sở tại. Ví dụ như dự án đường sắt tại Kenya được xây dựng và dùng vốn vay từ Trung Quốc hoàn thành năm 2017, tốn kém tới 3,2 tỷ USD. Thay vì nâng cấp tuyến dường sắt có sẵn, Chính phủ Keynia lại chi nhiều gấp 3 lần tiền để Trung Quốc xây dựng tuyến đường mới. Các dự án như vậy đã làm tăng nợ công tại châu Phi.

Các nước châu Phi hy vọng đầu tư từ Trung Quốc sẽ tạo ra việc làm và tiền cho ngân sách để họ giảm bớt gánh nặng khủng hoảng nợ công, nhưng thực tế là triển vọng này khá mong manh. Đa phần các nhà sản xuất Trung Quốc chủ yếu ở tại Trung Quốc, tận dụng lợi thế của tự động hóa sản xuất để giảm bớt chi phí sản xuất. Còn những ông chủ sản xuất muốn thuê nhân công lại chọn lao động từ các nước tại Nam hoặc Đông Nam Á, thay vì người bản địa ở châu lục Đen.

Nói tóm lại, mô hình phát triển của Trung Quốc đang thất bại tại châu Phi. Các nhà lãnh đạo châu Phi cần đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Thay vì sống theo các "giấc mơ" của Tập Cận Bình về một mô hình phát triển kiểu Trung Quốc, họ cần tạo ra con đường phát triển mới.

Và Ấn Độ thế chỗ

Chuyến công du vừa qua của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Rwanda, Uganda và Nam Phi cho thấy tầm quan trọng của châu Phi đối với Ấn Độ đang ngày càng tăng lên. Đây là chuyến công du thứ ba của ông Modi đến châu Phi. Năm 2015, ông đã thăm Seychelles và Mauritius, sau đó thăm Mozambique, Nam Phi, Tanzania và Kenya vào năm 2016. Chuyến công du lần này cùng với các sáng kiến trước đó, như hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Ấn Độ-châu Phi lần thứ 3 năm 2015 và việc ra mắt Hành lang phát triển Á-Phi, cho thấy Ấn Độ đặt ưu tiên cao đối với châu Phi.

Chuyến công du lần này đã nêu bật tầm quan trọng ngày càng gia tăng của châu Phi trong chính sách đối ngoại chung của Ấn Độ. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Uganda, Thủ tướng Modi đưa ra những nguyên tắc trong chính sách của Ấn Độ đối với châu Phi, nhấn mạnh mong muốn xây dựng quan hệ đối tác phát triển với châu Phi: “Một quan hệ độc đáo, khuyến khích thương mại tự do và mở, trao quyền cho người dân, nâng cao an ninh của nhau và khuyến khích cải cách trật tự toàn cầu”. Chuyến công du cũng giúp nâng cao hợp tác kinh doanh giữa Ấn Độ và các nước châu Phi và giúp nâng cao sự hiểu biết về các mối quan ngại cũng như các ưu tiên của nhau. Để duy trì thiện chí chung ở châu Phi, Ấn Độ nên đảm bảo thực hiện sớm nhất các cam kết đã đưa ra trong chuyến công du này.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chau-phi-khi-trung-quoc-that-bai-an-do-ra-tay.aspx