Châu Phi: Nhân rộng mô hình giáo dục Hàn Quốc

Trong một báo cáo chung của Ủy ban Liên minh châu Phi và Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD), các quốc gia châu Phi được khuyến khích nhân rộng mô hình GD của Hàn Quốc.

Đại học châu Phi ở Zimbabwe đã đào tạo hơn 4.000 sinh viên đến từ 23 quốc gia của châu lục.

Đại học châu Phi ở Zimbabwe đã đào tạo hơn 4.000 sinh viên đến từ 23 quốc gia của châu lục.

Mục đích nhằm mở ra cơ hội việc làm cho nhiều người, đồng thời phát triển thêm lao động có trình độ, tay nghề cao. Báo cáo này đặt trọng tâm đến sự phát triển năng động của châu Phi năm 2021, trong đó tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số.

Các công cụ kỹ thuật số chuyển đổi

Báo cáo trên lưu ý GD ĐH ở Hàn Quốc đã đạt được khả năng tiếp cận gần như phổ cập đối với các nhóm tuổi liên quan. Theo bộ dữ liệu từ Viện Thống kê UNESCO, tỷ lệ số dân theo học ĐH (GER) của Hàn Quốc ở mức 96% vào năm 2018 so với 9% ở châu Phi cận Sahara.

Theo báo cáo trên, nếu châu Phi vùng cận Sahara cố gắng đạt được tiến bộ về GD ĐH với tỷ lệ tương tự như Hàn Quốc thì GER của khu vực này sẽ đạt ở mức 34%. “Số lượng người châu Phi từ 15 - 29 tuổi có trình độ ĐH sẽ tăng từ 77 triệu người vào năm 2020 lên 233 triệu người vào năm 2040, như vậy là tăng khoảng 73%” – báo cáo được chuẩn bị dưới sự giám sát của Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mhamat và Tổng Thư ký OECD Angel Gurria.

Các tác giả của báo cáo lập luận, GD ĐH của Hàn Quốc sẽ là một mô hình lý tưởng cho châu Phi vì khả năng chuyển đổi công nghệ kỹ thuật số thành công cụ đổi mới và tạo việc làm mạnh mẽ: “Để kích hoạt tạo việc làm trên quy mô lớn, chúng ta cần mang các giải pháp kỹ thuật số đến các nền kinh tế phi kỹ thuật số ở châu lục này”.

Là một phần của kế hoạch 4 điểm về tạo việc làm thông qua GD ĐH, ông Mahamat và ông Gurria cho biết, 2 cơ quan của họ đã xác định công nghệ kỹ thuật số là một cách để giải quyết tình trạng thất nghiệp sau ĐH. Để đạt được điều này, các trường ĐH châu Phi sẽ được khuyến khích không chỉ GD và đào tạo SV cho khu vực chính thức, mà còn chuẩn bị cho những SV tốt nghiệp tự mình tạo việc làm hay tự mình kinh doanh. Báo cáo cho biết, nền kinh tế phi chính thức này sẽ tiếp tục là hình thức việc làm chiếm ưu thế nhất ở châu Phi vào năm 2040 và sau đó.

Châu Phi thiếu lao động tay nghề cao.

Cần phải cải cách chương trình học

Trong tương lai, công nghệ kỹ thuật số dự kiến sẽ cung cấp nhiều công việc mới, bao gồm tạo ra các nhà phân tích dữ liệu, lập trình viên, chuyên gia bảo mật kỹ thuật số, nhà tiếp thị kỹ thuật số, nhà thiết kế, nhà tiếp thị truyền thông xã hội, nhà phát triển thực tế ảo và nhiều công việc khác. Những công việc này dự kiến sẽ thu hút hầu hết số lượng SV tốt nghiệp ĐH ngày càng tăng.

Tuy nhiên, theo báo cáo, những công việc như vậy chỉ có người đảm nhận khi các trường ĐH cải cách chương trình GD theo gương các mô hình học thuật đã được thử nghiệm như ở Hàn Quốc. Ví dụ, hiện tại hầu hết các trường ĐH châu Phi vẫn đang bỡ ngỡ khi nói đến trí tuệ nhân tạo, một trong những công nghệ đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cho rằng các trường ĐH của Hàn Quốc cung cấp kỹ năng kỹ thuật số cho hầu hết SV của mình, liệu các trường ĐH châu Phi có thể làm được như vậy nếu có được các khoản phí đầu tư thích hợp và cải cách chương trình giảng dạy? Và một câu hỏi nữa sẽ là: Các quốc gia châu Phi có ý chí chính trị để thực hiện một dự án như vậy? Nếu không có những cam kết như vậy, thành công sẽ khó xảy ra.

Báo cáo trên ghi nhận ví dụ về chương trình thạc sĩ châu Phi về trí thông minh của máy móc được bắt đầu ở Kigali, Rwanda, năm 2018 nhằm đào tạo các nhà nghiên cứu và kỹ sư châu Phi sử dụng trí thông minh nhân tạo để cải thiện cuộc sống của người dân châu Phi. “Tuy nhiên, nếu chương trình không có sự hỗ trợ của Facebook và Google, nó sẽ không thể hoạt động được, mặc dù nó có SV từ nhiều quốc gia châu Phi” – báo cáo nhấn mạnh.

Đến nay, không có chính sách thích hợp nào để chuẩn bị cho người lao động châu Phi tham gia chuyển đổi kỹ thuật số và hầu hết người lao động tiềm năng ở châu lục này đều ở bên ngoài hệ thống GD ĐH.

Thậm chí ở Bắc Phi, nơi có tỷ lệ người nhập học tại các trường ĐH trung bình ở mức khoảng 32%, báo cáo lập luận rằng việc chống lại sự thay đổi vẫn là rào cản chính để mở rộng tiếp cận kỹ thuật số vì chỉ có 20,7% nam giới và 10,2% nữ giới đăng ký học khoa học, công nghệ, kỹ sư hay các lĩnh vực liên quan tới toán học.

Ngoài ra, theo một báo cáo của Viện Brookings, nhiều nền kinh tế châu Phi bắt đầu có mức tăng trưởng đầu tiên từ năm 2016. Trong đó 2 nền kinh tế lớn nhất châu lục là Angola, Nam Phi đã có được sự tăng trưởng bền vững của mình, những quốc gia khác như Ethiopia, Rwanda và Tanzania có mức tăng trưởng kinh tế khoảng 6%... Trong bối cảnh này nhu cầu về người lao động tay nghề cao của họ ngày càng tăng lên nhưng GD trong nước chưa thể đáp ứng.

Dù được coi là một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu nhất khu vực Đông Bắc Á trong những năm 60 của thế kỷ 20, sau 40 năm, Hàn Quốc đã có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, khoa học, công nghệ. Xứ sở kim chi này đã trở thành “hình mẫu” về phát triển kinh tế năng động bậc nhất khu vực. Thành công này có sự đóng góp không nhỏ của chính sách đầu tư GD. Hàn Quốc tập trung vào việc đào tạo và phát triển nhân lực gắn với nhu cầu của thị trường. Quốc gia châu Á này dành 20% chi tiêu của chính phủ cho GD, đa dạng mô hình đào tạo, nội dung GD tập trung vào phát triết khoa học công nghệ…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/chau-phi-nhan-rong-mo-hinh-giao-duc-han-quoc-1jVRSj8MR.html