Châu Phi và 'bài toán khó' thoát nghèo

Lao động giá rẻ tại các nhà máy Trung Quốc ở Châu Phi có giúp người dân lục địa đen thoát nghèo?

Zhang Huarong đưa tay ra khỏi cửa sổ văn phòng và chỉ vào khối một ô vuông màu xám nằm trong khuôn viên Cty giày quốc tế Huajian, ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. "Đó là nơi tôi đã sống trong 6 tháng qua khi tôi đến Châu Phi" ông Zhang nói với CNN. "Tôi 60 tuổi. Ở Trung Quốc, tôi là người giàu có, nhà tôi ở Đông Quan thậm chí còn có hồ bơi. Nhưng tôi đã chọn đến đây và sống một cuộc sống rất khó khăn", ông Zhang kể.

Công nhân làm việc tại Cty giày quốc tế Huajian, ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Ảnh: CNN

Trung Quốc có đang giúp Châu Phi thoát nghèo?

Năm 2011, ông trùm dệt may đến từ tỉnh Giang Tây trở thành một trong những doanh nhân Trung Quốc đầu tiên chú ý đến lời kêu gọi mở các nhà máy tại Ethiopia của Thủ tướng Meles Zenawi.

Trong 3 tháng qua, Cty Huajian sản xuất giày dép cho những tập đoàn khổng lồ như Nine West, Guess trước khi nó đóng cửa. Ông lâu nay vẫn tự hào là một nhà sản xuất thế kỷ XXI với mục tiêu tạo ra hơn 100.000 việc làm ở những vùng nghèo nhất Châu Phi. Rwanda là mục tiêu tiếp theo của Cty Huajian. "Ở Trung Quốc, không ai muốn làm giày nữa", ông Zhang nói. Ethiopia là một trong những nước nghèo nhất Châu Phi, nhưng điều đó đang thay đổi. Trong giai đoạn 2006-2016, nền kinh tế Ethiopia tăng trưởng 10% mỗi năm, đưa nước này trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Phi. Và với 100 triệu người, 70% trong số đó dưới 30 tuổi, Ethiopia cũng có dân số lớn thứ hai lục địa. Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 16,8%, việc làm là yêu cầu cấp bách đối với nước này.

Các doanh nhân như ông Zhang được xem là tấm vé đưa đất nước thoát nghèo. Cty Huajian sử dụng 7.500 công nhân địa phương tại hai nhà máy lớn ở Addis Ababa. "Miễn là họ có các kỹ năng và được đào tạo phù hợp, người Châu Phi cũng giống như người Châu Á và Châu Âu", ông Zhang nói. Là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất của Trung Quốc ở Ethiopia, Cty Huajian đã thu hút sự chú ý.

Tuy nhiên, báo cáo năm ngoái về điều kiện làm việc kém tại nhà máy ở Quảng Đông và tiền lương dưới mức tối thiểu ở Addis Ababa khiến nhiều người nhíu mày. Hồi tháng 3, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói với các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Phi (AU) ở Addis Ababa rằng các nhà đầu tư Trung Quốc "không mang lại việc làm đáng kể tại địa phương". Trước đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và cựu Tổng thống Barack Obama, cũng có nhận định tương tự.

Arkebe Oqubay, một quan chức cấp cao của chính phủ Ethiopia và là kiến trúc sư của nhiều chiến lược công nghiệp hóa của Ethiopia cho biết: "Trung Quốc là một nền kinh tế đang phát triển, và nó sẽ là nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. "Chúng tôi là người châu Phi và chúng tôi đang được hưởng lợi từ Trung Quốc. Chúng ta không cần chứng cứ".

89% nhân viên là người Châu Phi

"Khi đến đây, tôi không có bất kỳ cơ hội nào vì vậy tôi đã làm công việc này", Emaway Gashaw, 18 tuổi, đến từ Jimma, ở miền tây Ethiopia cho biết. Emaway là một thợ xử lý da tại Khu công nghiệp nhẹ quốc tế Huajian, rộng 1,5 triệu m2 gồm cả nhà ở, bệnh viện và trường học tại chỗ, sử dụng khoảng 100.000 công nhân, và trong vòng 10 năm qua đã tạo ra doanh thu 4 tỷ USD.

Từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày, Emaway là một công nhân của dây chuyền lắp ráp bên trong một nhà kho sáng rực rỡ trông giống như một nhà chứa máy bay khổng lồ. Nhưng tiền lương của cô quá thấp. "Tôi được trả 1.200 birr (44 USD) mỗi tháng có làm thêm giờ. Sau khi trả tiền thuê nhà và ăn uống, tôi không còn gì. Anh họ của tôi phải hỗ trợ thêm", cô nói.

Getachew Tilanun, 20 tuổi, đến từ một gia đình nông dân trồng ngô ở Welega. Sau khi làm việc tại nhà máy trong 2 năm, anh được thăng chức hai lần và bây giờ kiếm được 2.500 birr (khoảng 90 USD) mỗi tháng. Không giống như 90% các quốc gia thành viên Tổ chức Lao động Quốc tế, Ethiopia không có mức lương tối thiểu. Chuẩn nghèo quốc tế là khoảng 57 USD/tháng. "Để có mức tiền lương này, trách nhiệm của tôi rất nặng nề", anh nói, giải thích rằng mình giám sát 100 công nhân làm việc tại 11 dây chuyền. Công việc rất khổ, nhưng Getachew không có lựa chọn nào khác. "Ngay cả cha tôi cũng không thích làm nông dân", Getachew nói. "Đó là công việc của những người không được giáo dục".

Chỉ có 1% trong số 4.000 công nhân tại Cty là người Trung Quốc, theo lời của Bonn Liang, một người quản lý được điều đến từ Trung Quốc cách đây 1 năm. "Nhưng trong tương lai, tất cả chúng tôi sẽ quay lại Trung Quốc", ông nói thêm. Điều này cũng xảy ra tại nhà máy dược phẩm Liên doang Trung Quốc-Ethiop ở Dukem, phía nam Addis. Nhà máy có 177 nhân viên, nhưng chỉ có 1 người Trung Quốc. Nhà máy sử dụng dược sĩ, kỹ sư và thợ điện Ethiopia, những người đã được gửi đến đào tạo tại Trung Quốc.

Một báo cáo đột phá của McKinsey hồi năm ngoái, khảo sát hơn 1.000 Cty Trung Quốc trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất, thương mại, bất động sản và dịch vụ tại 8 quốc gia Châu Phi, bao gồm cả Ethiopia, cho thấy trung bình 89% nhân viên là người Châu Phi. Hàng triệu việc làm cho người Châu Phi đã được tạo ra.

Mối quan hệ lâu đời

Mối quan hệ Trung Quốc-Châu Phi là chủ đề của báo giới trong thập kỷ qua, nhưng mối quan hệ này đã bắt nguồn từ giữa thế kỷ XX khi Bắc Kinh bắt đầu kết bạn với các nước mới giành độc lập. Vào năm 1968, Trung Quốc - khi đó vẫn là một quốc gia nghèo - đã chi khoảng 3 tỷ USD để xây dựng tuyến đường sắt Tanzam, nối Zambia với cảng Dar es Salaam ở Tanzania. Vài thập niên sau, kinh tế Trung Quốc bùng nổ. "Các nhà lãnh đạo Châu Phi thấy Trung Quốc, từ một nền kinh tế khó khăn với dân số nghèo, đa số là nông thôn, không được giáo dục, đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đó là bằng chứng cho thấy, phép mầu hoàn toàn có thể xảy ra", Solange Chatelard, một nghiên cứu sinh tại Đại học Libre de Bruxelles, Bỉ, nhận định.

Vào cuối những năm 1990, khi Châu Phi không mấy mặn mà với phương Tây, đó chính xác là lúc Trung Quốc trở lại. Ở Châu Phi, Bắc kinh đã nhìn thấy cơ hội phát triển ngoại giao và thương mại.

Mức lương vẫn quá thấp

Hiện nay, không chỉ có người Trung Quốc đang đánh thức khẩu hiệu "Made in Ethiopia". Tại thị trấn Hawassa, một khu công nghiệp khổng lồ được khánh thành vào năm 2016. "Gã khổng lồ" quần áo của Mỹ PVH, có thương hiệu nổi tiếng như Calvin Klein, Tommy Hilfiger, và H&M, chiếm một phần của không gian 400.000 m2 tại đây.

Hawassa là một trong 30 khu công nghiệp của Ethiopia sẽ mở cửa vào năm 2020. Chủ yếu là do Trung Quốc xây dựng, những "khu vực xuất sắc" này phản ánh mô hình Khu Kinh tế đặc biệt đã biến Thâm Quyến thành nhà máy sản xuất trong một thế hệ. Như vậy, Ethiopia có thể được gọi là "Trung Quốc của Châu Phi", và có một số tương đồng không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các khu công nghiệp như vậy chỉ có thể tạo ra công ăn việc mà không đem đến thu nhập cao hơn cho người dân. Cả Hawassa và Huajian đều phải vật lộn với một lực lượng lao động có mức lương thấp. "Các công nhân ở đây vẫn chỉ được trả lương chưa bằng 1/3 ở Trung Quốc", ông Zhang nói. Ayele Gelan, một nhà kinh tế Ethiopia tại Viện nghiên cứu khoa học Kuwait, cho biết lương trả bởi Huajian không phải là bất thường, mà do Ethiopia có một mức lương tối thiểu "quá thấp" đối với một nước đang phát triển trong cùng khu vực.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_194637_chau-phi-va-bai-toan-kho-thoat-ngheo.aspx