Châu Thành phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), huyện Châu Thành quy hoạch chi tiết các vùng, sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện địa phương…

Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp nên việc phát triển nền NNƯDCNC được huyện Châu Thành xem là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Thời gian qua, huyện đã tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nông nghiệp. Huyện Châu Thành đã tiến hành quy hoạch và triển khai thực hiện các vùng và sản phẩm, dịch vụ NNƯDCNC trên các lĩnh vực, như: lúa, gạo, xã hội hóa giống lúa, chăn nuôi, thủy sản, rau màu, nấm dược liệu, hoa - cây kiểng, cây ăn trái…

Huyện từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển hệ thống trạm bơm điện đảm bảo việc tưới tiêu trong sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, nâng diện tích sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao. Áp dụng hiệu quả các chương trình quản lý dịch hại, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kéo giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận... Từ năm 2012 đến nay, diện tích sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn” toàn huyện đạt trên 43.443ha (bình quân gần 5.500ha/năm). Ngoài ra, huyện có 17 cơ sở và 27 tổ, đội sản xuất - kinh doanh lúa giống có nhãn hiệu hàng hóa, với tổng diện tích sản xuất giống chiếm trên 7,8% tổng diện tích xuống giống toàn huyện.

Khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học -kỹ thuật vào sản xuất

Huyện Châu Thành đã triển khai thực hiện 43 mô hình sản xuất NNƯDCNC ở các lĩnh vực. Năm 2019, huyện thực hiện 12 mô hình sản xuất, với tổng kinh phí 600 triệu đồng từ nguồn xây dựng nông thôn mới của tỉnh (12 xã với 12 mô hình, mỗi mô hình 50 triệu đồng). Trong đó, huyện đang triển khai thực hiện 2 mô hình sản xuất NNƯDCNC phục vụ xây dựng nông thôn mới (nguồn vốn của tỉnh), gồm: mô hình nhân rộng trồng rau thủy canh trong nhà màng (xã Vĩnh Nhuận) và mô hình sản xuất cây, con giống các loại trong nhà màng theo hướng công nghệ cao (xã Bình Thạnh), với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Các mô hình sản xuất thí điểm từng bước được nhân rộng, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân.

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về sản xuất nông nghiệp; phát huy thế mạnh, thúc đẩy hợp tác, liên kết, tổ chức lại sản xuất. Huyện Châu Thành từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, với từng vùng, từng địa phương và thích ứng biến đổi khí hậu. Đến nay, toàn huyện có gần 934ha đất trồng lúa kém hiệu quả đuợc chuyển sang trồng màu và gần 310ha đất trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng cây ăn trái, gồm: xoài, quýt, cam, chuối, chanh, ổi… Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã xuất hiện một số mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả kinh tế cao đang được địa phương duy trì và nhân rộng trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Cù Minh Trọng nhấn mạnh, thời gian tới, huyện sẽ tập trung rà soát quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Đặc biệt, quy hoạch vùng sản xuất rau màu an toàn xã Bình Thạnh; phát triển vùng sản xuất rau màu theo hướng an toàn gắn với chuyển đổi cây trồng; mở rộng diện tích nấm ăn, nấm dược liệu; vùng nuôi thủy sản, sản xuất giống thủy sản và vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Huyện Châu Thành sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và chất lượng hàng hóa nông sản. Từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương, có tính cạnh tranh cao và tiềm năng phát triển, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Ngành nông nghiệp huyện phối hợp các ngành chuyên môn sớm chuyển giao những công nghệ giống cây, con, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản; khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nhau và với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, để nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng bền vững…

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/chau-thanh-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-a256315.html