Chawl: Những căn nhà tập thể giá rẻ góp phần xây dựng nên 'siêu đô thị' Mumbai

Trong hơn một thế kỷ, các khu chawl ở Mumbai đã đóng vai trò là một trong những hình thức nhà ở giá rẻ quan trọng nhất của thành phố, là một nét văn hóa rất riêng đã góp phần xây dựng nên 'siêu đô thị' Mumbai ngày nay.

Một khu chawl tại Mumbai (Ấn Độ).

Gắn liền với sự phát triển của thành phố

Tại Ấn Độ, "chawl" là từ để gọi những tòa nhà lớn được chia thành nhiều căn hộ (phòng đơn hoặc phòng đôi), tương tự như những tòa nhà chung cư hay nhà tập thể. Đây là hình thức nhà ở giá rẻ rất phổ biến ở miền tây Ấn Độ, chất lượng thấp và phổ biến với những người lao động nghèo.

Trong một thành phố được bao bọc bởi 3 mặt nước và đất đai khan hiếm, những khu phức hợp khổng lồ này thường được xây dựng từ 3 tầng trở lên để tiết kiệm đất.

Trong hơn 1 thế kỷ, các khu chawl ở Mumbai đã đóng vai trò là một trong những dạng nhà ở giá rẻ quan trọng nhất của thành phố. Trước khi những tòa nhà lớn được xây dựng trong thời kỳ bùng nổ công nghiệp ở Mumbai từ những năm 1850 đến nửa đầu thế kỷ XX, những khu chawl từng là nơi ở của công nhân đến từ các cảng rộng lớn và các nhà máy dệt ở nơi lúc đó được gọi là Bombay.

Trước khi Bombay trở thành bến cảng thương mại và hải quân Anh quan trọng, khu vực này là nơi sinh sống của các cộng đồng ngư dân nhỏ.

Sự chuyển đổi được thúc đẩy một phần bởi các sự kiện ở Bắc Mỹ, khi ngành sản xuất dệt may Ấn Độ bùng nổ thúc đẩy nhu cầu cấp thiết về nhà ở giá rẻ và kết quả là sự hình thành các khu chawl tại Mumbai.

Chawl là nơi đã giúp thế hệ công nhân thu nhập thấp có một nơi cư ngụ tại "thành phố trong mơ" của Ấn Độ. Thường được xây dựng xung quanh sân trung tâm, các chawl thường được chia thành các phòng đơn và đôi trên cùng một tầng, mỗi tầng có phòng tắm chung, phù hợp cho các công nhân ở chung với nhau.

Sự phát triển của các khu chawl ở Mumbai kể một câu chuyện có đường nét chung ở nhiều siêu đô thị. Tương tự các tòa nhà mọc lên trong thời kỳ Raj của Anh, thời điểm mà các công việc mới ở thành thị thu hút hàng nghìn người dân rời khỏi vùng nông thôn, sự phát triển của chawl tương đương với việc mở rộng thành phố Mumbai.

Cấu trúc một tòa chawl cơ bản.

Kiến trúc đặc trưng

Về mặt kiến trúc, mặc dù hầu hết công trình chawl đều được xây dựng đơn giản nhưng chu đáo. Những ngôi nhà đầu tiên gần bến tàu của thành phố có mái dốc để chống lại những cơn mưa gió mùa làm ngập thành phố từ tháng 6 đến tháng 10. Mái hiên giúp bảo vệ nội thất khỏi mưa nắng đồng thời đảm bảo thông gió tốt trong mùa hè ẩm ướt.

Những khu chawl trước đây được xây bằng gỗ, đá và gạch đã giúp tạo ra kết cấu thoáng khí hơn cho mỗi tòa nhà. Cư dân cũng điều chỉnh các thói quen khác từ kiến trúc cũ, bù đắp cho sự thiếu vắng không gian mở hoặc mái che đáng kể của những ngôi nhà Konkan truyền thống bằng cách sử dụng sân, ban công và hiên cho các hoạt động hàng ngày.

Những tòa chawl sau này đã mất đi nhiều thuộc tính này. Đến những năm 1920, chúng ngày càng được xây dựng theo kiểu giống với những ngôi nhà bậc thang nơi sinh sống của các công nhân công nghiệp Anh, mặc dù với mật độ cao hơn nhiều.

Thay vì tập trung vào những khoảng sân giống với những ngôi nhà truyền thống ở vùng nông thôn Ấn Độ, những ngôi nhà chawl sau này xếp thành những dãy phòng một mặt với những ngôi nhà sát vách tương tự các tòa nhà trước đó ở các thành phố công nghiệp của nước Anh.

Các khu chawl tại Mumbai là minh chứng rõ nét nhất cho sự thay đổi về cả vị thế kinh tế lẫn sự phát triển của thành phố, là kiến trúc đặc trưng đi qua năm tháng của một thành phố ven biển tới "siêu đô thị" như ngày nay.

Nét văn hóa riêng tại Mumbai

Không chỉ gắn liền với quá trình phát triển của Mumbai, các khu chawl với mật độ dày đặc còn có rất nhiều lợi ích cho thành phố.

Xét về mặt cộng đồng, các khu chawl đông đúc đã giúp tạo ra tình bạn thân thiết và tinh thần cộng đồng giữa các hộ gia đình. Những mối liên kết cộng đồng này đã giúp biến các khu chawl thành những nơi có nhiều sự giao thoa văn hóa, là những không gian bao trọn cả sự công cộng lẫn riêng tư.

Sự đoàn kết mà chawl tạo ra đặc biệt hữu ích cho những người cần giúp đỡ trong việc chăm sóc trẻ em hoặc tạo cơ hội giao tiếp xã hội cho những người lớn tuổi.

Lấy ví dụ, khu chawl BDD ở trung tâm Mumbai nằm giữa các tòa nhà chọc trời Prabhadevi và Lower Parel. Được chính quyền thành phố xây dựng cách đây khoảng 1 thế kỷ, khu vực này là nơi sinh sống của một số lượng lớn tín đồ Phật giáo của BR Ambedkar, một biểu tượng về ý thức đẳng cấp và đấu tranh ở Ấn Độ. Mặc dù vậy, khu vực này không đồng nhất về mặt tôn giáo hoặc chính trị. Ở đây cũng có đại diện là cộng đồng Maratha, những người đến từ Maharashtra.

Những ngôi nhà chật chội cũng khuyến khích người dân ở bên ngoài càng nhiều càng tốt, dù là ở nơi làm việc hay đi xem phim. Sự phát triển của nền văn hóa đam mê điện ảnh đã giúp Bollywood ở Mumbai trở thành trung tâm của ngành công nghiệp điện ảnh được xem nhiều nhất trên thế giới.

Ông Rupali Gupte, giáo sư tại Trường Kiến trúc & Môi trường Mumbai, cho biết: “Bởi vì những ngôi nhà quá nhỏ nên rạp chiếu phim và quán ăn giá cả phải chăng trở nên thực sự quan trọng".

Bên trong một căn hộ chawl.

Qua thời hoàng kim, tới thời điểm cần thay thế

Chawl ở Mumbai đã qua thời hoàng kim từ lâu. Với sự biến mất của phần lớn ngành công nghiệp đã giúp hình thành các khu dân cư, các tòa nhà chawl cũng dần xuống cấp, cũ nát và kém an toàn.

Thêm vào đó, các căn hộ chawl hiện đang được cho thuê với giá do nhà nước ấn định - thường chỉ bằng giá địa phương tương đương 1 USD/tháng cho mỗi căn ở các khu vực - nhưng chawls lại đang được xây dựng tại một số khu vực bất động sản có giá nhất ở Ấn Độ.

Do đó, việc cơ cấu lại và tái phát triển các khu chawl là điều không thể tránh khỏi.

Một kế hoạch hiện đang được tiến hành để thay thế các khu chawl bằng các tòa nhà dân cư chọc trời, một dự án (sau khi đề xuất tái phát triển khu ổ chuột Dharavi) có lẽ là dự án được gọi là dự án đổi mới đô thị đầy tham vọng nhất ở Ấn Độ hiện nay.

Kế hoạch chi tiết của chính phủ cho khu vực này là tạm thời tái định cư cho cư dân ở nơi khác, trong khi xây dựng nhà ở giá rẻ trên phần lớn diện tích đất, đồng thời ủy quyền cho các nhà xây dựng tư nhân. Nhiều dự án xây dựng các tòa tháp cao 40 tầng và tăng gần gấp 3 lần diện tích các căn hộ chawl thành chung cư đã được phê duyệt hoặc đang được xem xét.

Tuy nhiên, tình trạng chậm trễ trong xây dựng tại Mumbai, chưa kể tới chi phí bảo trì đáng kể bị cho là sẽ tạo ra rủi ro cho việc di dời dân cư tại đây.

Quỳnh Anh

Theo Bloomberg

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chawl-nhung-can-nha-tap-the-gia-re-gop-phan-xay-dung-nen-sieu-do-thi-mumbai-20180504224291178.htm