Cháy chợ Gạo Hưng Yên: Đối tượng gây hỏa hoạn có thể bị án 12 năm tù

'Đối với trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân vụ cháy từ đâu. Từ đó sẽ xác định cá nhân nào đã vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy, cụ thể ở mức thiệt hại từ 1,5 tỷ trở lên mức hình phạt có thể lên tới 12 năm tù' - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết mức độ khởi tố đối với đối tượng gây ra vụ cháy chợ Gạo ở Hưng Yên.

Khoảng 20h30 ngày 25.7, chợ Gạo (phường An Tảo, TP Hưng Yên) xảy ra cháy lớn

Mức án 12 năm tù được căn cứ theo Điều 313, Bộ luật Hình sự 2015. Bên cạnh đó, người gây ra thiệt hại phải chịu thêm trách nhiệm dân sự - bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra đối với các nạn nhân.

Luật sư Cường nhấn mạnh, “điều quan trọng là phải xác định rõ cháy từ chợ hay là cháy từ nhà máy sản xuất nhựa. Trường hợp cháy từ nhà máy nhựa, đương nhiên trách nhiệm bồi thường thiệt hại và các trách nhiệm pháp lý có liên quan sẽ bắt nguồn từ người chủ của doanh nghiệp. Còn nếu cháy từ chợ, người đứng đầu Ban Quản lý chợ Gạo phải chịu trách nhiệm”.

Trong trường hợp cả hai đơn vị này đều đã thực hiện đầy đủ các cam kết về phòng cháy chữa cháy nhưng vì vô ý mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, dẫu có vô ý hay cố ý thì họ vẫn bị khởi tố theo Điều 180 của Bộ luật Hình sự với tội “gây thiệt hại lớn đối với tài sản của người khác”. Mức hình phạt ở khung nội dung này cao nhất có thể lên tới 2 năm tù và cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra đối với các nạn nhân.

“Người gây ra thiệt hại phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra, cả vật chất và phi vật chất. Về vật chất, đó là những thiệt hại khi hàng hóa, tài sản bị cháy hoặc giảm tính năng sử dụng. Còn về phi vật chất, đó là những thiệt hại về cơ hội kinh doanh, những đơn hàng, những hợp đồng có thể triển khai nhưng do vì cháy mà không triển khai được. Bên cạnh đó là những thiệt hại liên quan đến việc thu nhập bị giảm sút, hoặc là những thiệt hại liên quan đến sức khỏe, tính mạng. Tất cả những điều này đã được quy định tại Bộ luật Dân sự", luật sư Cường khẳng định.

Đối với việc xác định mức độ thiệt hại mà đối tượng gây ra, phải dựa trên cơ sở kê khai của các tiểu thương cũng như tài liệu cơ quan công an xác minh thu thập được. Trên cơ sở đó, sẽ xác định được thiệt hại thực tế là bao nhiêu.

Tuy nhiên, hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường cũng như các quy định về thanh toán. Trong trường hợp không thỏa thuận được mức bồi thường, cũng như phương thức thanh toán thiệt hại thì nạn nhân - những tiểu thương ở chợ này - có quyền khởi kiện đến TAND tỉnh Hưng Yên để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Trong trường hợp cả hai đơn vị trên đều mua bảo hiểm cháy nổ, và việc xảy ra hỏa hoạn là do nguyên nhân khách quan, không có lỗi của chủ cơ sở phòng cháy chữa cháy hoặc người dân thì cơ quan bảo hiểm sẽ phải chi trả toàn bộ thiệt hại xảy ra đối với các nạn nhân.

Trường Hùng - Đặng Đạt

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/chay-cho-gao-hung-yen-doi-tuong-gay-hoa-hoan-co-the-bi-an-12-nam-tu-621370.ldo