Cháy chung cư Carina 13 người tử vong: Chưa thể khởi tố vụ án

Theo luật sư, để khởi tố vụ án, xử lý nghiêm những cá nhân liên quan thì trước hết cần tìm ra nguyên nhân phát sinh cháy nổ và lý do hệ thống PCCC lại không hoạt động.

Vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina rạng sáng 23/3 khiến 13 người chết, nhiều người bị thương đã đặt ra vấn đề tại sao vụ cháy gây hậu quả lớn và đặc biệt nghiêm trọng như vậy nhưng vẫn chưa được khởi tố điều tra để làm rõ.

Trả lời vấn đề trên, chiều ngày 25/3, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Để có căn cứ khởi tố vụ án hình sự, cần xác định vụ việc phải có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 là: “Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội..”.

Theo thông tin ban đầu, vụ cháy xuất phát từ tầng hầm chung cư. Ảnh: Dân trí

Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ như tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Hoặc người phạm tội tự thú.

Xác định vụ cháy có dấu hiệu tội phạm hay không thì các Cơ quan tố tụng trước tiên phải làm rõ nguyên nhân phát sinh cháy nổ và lý do hệ thống PCCC tại sao lại không hoạt động để dẫn tới thiệt hại. Đây là yếu tố quyết định để xác định có hành vi vi phạm pháp luật hay không để khởi tố vụ án hình sự. Việc giám định tìm nguyên nhân cháy nổ và hệ thống PCCC không hoạt động là rất phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cá nhân, tổ chức.

Khi có kết luận sơ bộ ban đầu của Cơ quan chuyên môn về nguyên nhân cháy nổ, cũng như hệ thống PCCC không hoạt động khi có sự cố thì mới có cơ sở để xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không.

Luật sư Thơm cũng phân tích thêm, trước đó, theo điều tra ban đầu của cơ quan điều tra, nguyên nhân phát cháy từ một phương tiện dưới tầng hầm (có thể là một chiếc xe). Từ chiếc xe này đã cháy lan sang các phương tiện khác và cháy sang các khu chung cư phía trên. Như vậy, cần phải xác định nguyên nhân cháy nổ từ phương tiện này là hành vi có chủ ý hay không.

Nếu qua việc giám định phương tiện xe máy có dấu vết của vật liệu nổ gây ra thì đây được xác định là hành vi cố ý. Theo quy định của pháp luật, người nào gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về Tội giết người và Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ xe máy thường do chập điện, va chạm mạnh, nổ bình xăng và sự cố do kỹ thuật khác. Có 2 yếu tố để xảy ra một vụ cháy xe là rò xăng và tia lửa (có thể là tia lửa do điện, tĩnh điện, tàn lửa hay ma sát tạo ra...) để châm ngòi cho vụ cháy. Ngoài ra yếu tố hiển nhiên nữa là oxy trong không khí (bộ phận bị cháy phải là bộ phận hở, tiếp xúc với không khí).

Theo luật sư Thơm, nếu có căn cứ xác định, phương tiện xe máy tự bốc cháy rồi lan sang các phương tiện khác gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề về người và tài sản thì có thể được coi là rủi ro khách quan và cũng khó có thể quy trách nhiệm chủ phương tiện. Bởi lẽ việc xe máy tự cháy nổ có rất nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng khi xác định được nguyên nhân vụ cháy do bất cẩn, hậu quả thiệt hại do yếu kém về quản lý, hệ thống thiết bị không đúng chuẩn, kém chất lượng hay do thiết kế tòa nhà sai thì nghĩa vụ bồi thường về tính mạng, sức khỏe lẫn thiệt hại vật chất thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư tòa nhà và đơn vị quản lý.

"Nếu vụ án được khởi tố và có khởi tố bị can thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự trong vụ án hình sự được đặt ra. Các cơ quan tố tụng xử lý phần hình sự sẽ giải quyết luôn phần bồi thường dân sự ngay trong vụ án này", luật sư Công nói.

Ngoài ra, các luật sư cũng cho rằng chính quyền địa phương cũng có một phần trách nhiệm liên quan khi trong việc quản lý hành chính có việc kiểm tra an toàn chung cư.

Rạng sáng ngày 23/3 vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư Carina Plaza, phường 16, quận 8, TP.HCM. Ít nhất 13 người thiệt mạng, hơn 90 người phải nhập viện.

Lúc 9h cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp khẩn. Tại buổi họp báo thông tin về vụ cháy, nói về nguyên nhân vụ cháy Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho biết: Nguyên nhân cháy xuất phát từ tầng hầm, từ 1 cái xe, có thể là từ hệ thống điện của xe.

Theo ông Minh, vụ cháy đã gây ra hậu quả quá lớn. Theo báo cáo nhanh ban đầu: Hệ thống ngăn cháy không đóng, dẫn tới hệ thống thang thoát hiểm, lối thang bộ, bị hiệu ứng lò cao, khiến khí độc và hơi nóng bốc lên đến tận tầng 14. Lực lượng PCCC tại hiện trường lúc đó vẫn cảm nhận được sức nóng và khí độc ở tầng 14 xuất phát từ khí độc cháy xe từ tầng hầm bốc lên. Ngoài ra, cửa chạy ra lối thoát hiểm của các tầng bị chặn lại khiến khí độc thông vào các tầng không có lối thoát.

Ông Minh cũng cho biết thêm khi kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một số các tầng, khi hệ thống điện bị cắt, hệ thống điện báo lối thoát hiểm cũng bị ngắt nốt.

“Có thể do bình điện lưu không đủ 24h để hệ thống này phát sáng. Hệ thống dữ liệu không đủ để kết luận xem hệ thống báo lối thoát hiểm phát sáng được bao lâu, có đúng quy chuẩn hay không…”- ông Minh nói.

Kiều Trang (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/chay-chung-cu-carina-13-nguoi-tu-vong-chua-the-khoi-to-hinh-su-a223715.html