Cháy 'chuồng cọp': Không chỉ còn là cảnh báo

Cháy 'chuồng cọp', ý chỉ các khu tập thể cũ người dân tự ý cơi nới thêm, vốn không phải câu chuyện mới, dù báo chí đã đề cập đến nhiều lần và dẫu người đọc không muốn đọc nữa, thì vẫn cứ phải nói. Bởi dù đã tuyên truyền, đã nhắc nhở, đã cảnh báo hàng trăm lần, mà đâu vẫn hoàn đấy. Ý thức người dân chưa biến chuyển được bao nhiêu, trong khi đó, hậu quả mà các vụ cháy nổ xảy ra tại các nhà xây 'chuồng cọp' ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.

Mối nguy hiểm thường trực

Vào khoảng 16h ngày 18/9, tại “chuồng cọp” thuộc một căn hộ tại khu tập thể Kim Liên, trên phố Hoàng Tích Trí, Đống Đa, Hà Nội bất ngờ bốc cháy khiến nhiều người hoảng loạn tháo chạy. Cụ thể, vào thời gian trên ngọn lửa bùng cháy tại khu “chuồng cọp” cơi nới căn hộ tầng 4 trong dãy khu tập thể cũ Kim Liên sau đó lan nhanh và bốc thành đám cháy lớn. Đến gần 17h, đám cháy cơ bản được dập tắt. Mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng bên trong các căn hộ, hầu như các tài sản, vật dụng hàng ngày đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

Theo những người dân xung quanh, vào thời điểm xảy ra cháy rất may căn hộ trên không có người, khi người lớn đi làm và trẻ em đi học.Tuy nhiên đám cháy xảy ra khiến nhiều người trong những căn hộ bên cạnh hoảng loạn tháo chạy xuống tầng 1 kèm thêm vào giờ tan tầm nên đã gây ách tắc cục bộ cả khu tập thể Kim Liên. Đây không phải lần đầu tiên cháy nổ xảy ra tại các khu tập thể cơi nới thêm “chuồng cọp”. Thậm chí trước đó, nhiều vụ cháy nổ còn gây thiệt hại về người. Nhiều người hẳn vẫn chưa quên, trong năm 2017, tại Hà Nội đã xảy ra 2 vụ cháy nhà liên khiến 6 người thiệt mạng. Họ đã có thể được cứu sống, nếu lối thoát hiểm không bị chính chủ nhân bịt kín.

Vụ cháy diễn ra tại khu tập thể Kim Liên mới đây (ảnh VOV)

Vụ cháy diễn ra tại khu tập thể Kim Liên mới đây (ảnh VOV)

Vụ thứ nhất xảy ra tại căn nhà ba tầng ở phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bốn người trong gia đình dù phát hiện cháy nhưng không thể thoát ra ngoài do mặt tiền tầng hai và tầng ba không có lối thoát hiểm. Các cửa sổ được hàn song sắt kiên cố, lối lên tầng tum cũng bị khóa chặt. Dù hàng xóm đã nỗ lực phá cửa chính để cứu các nạn nhân nhưng bất thành. Khi lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đến ứng cứu thì cả bốn người đã tử vong vì ngạt khói.

Vụ thứ hai là cháy lớn xảy ra tại căn nhà bốn tầng ở phố Vọng (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thời điểm lửa bùng phát ở tầng một, trong nhà này có bốn người nhưng chỉ có duy nhất một người kịp thoát ra ngoài theo lối cửa chính. Ba nạn nhân còn lại mắc kẹt ở tầng ba. Các tầng hai, ba, bốn của căn nhà này đều bị bịt kín bởi các thanh sắt được hàn kiên cố. Khi cứu nạn, cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phải tiếp cận tầng ba bằng thang, dùng kìm thủy lực cắt các song sắt. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ giải cứu được một nạn nhân, hai người còn lại đã không thể thoát nạn vì ngạt khói.

Ba vụ việc kể trên chỉ là số ít trong những tai nạn cháy nổ diễn ra tại khu nhà tập thể cơi nới “chuồng cọp”. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng dường như những người dân vẫn chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng có thể xảy ra. Đáng nói là, tại những khu tập thể cũ ở Hà Nội, những căn hộ bị biến thành “lồng chim” hay “chuồng cọp” ngày càng nhiều. Nếu trước đây đơn thuần là những tấm sắt hàn để tạo khoảng không lấn ra bên ngoài thì nay nhiều “lồng chim, chuồng cọp” đã được biến tướng thành những không gian “cứng”, thậm chí là bê tông kiên cố, bất chấp kết cấu, tuổi thọ tòa nhà.

Ghi nhận tại một số khu tập thể như Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Kim Liên (Đống Đa), Bách Khoa (Hai Bà Trưng), gần 100% tập thể đều có phần diện tích tăng thêm. Bà Nguyễn Thị Phương, trú tại khu tập thể Nghĩa Tân cho biết, nhà trước đây diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 35m2. Đến nay nhà bà đã có 6 nhân khẩu, bắt buộc phải cơi nới mới ở được. “Diện tích hiện nay đã lên 45m2, ở đây hộ nào cũng làm mới đủ diện tích sinh hoạt”, bà Hoa khẳng định. Thậm chí tại khu tập thể ở Bách Khoa, có những “chuồng cọp” đã được đổ nền, xây dựng bằng gạch, bê tông kiên cố.

Không chỉ là “căn bệnh” cố hữu ở các khu tập thể cũ, thói quen cơi nới, bịt kín ban công đã lan ra cả những khu đô thị mới, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, mất an toàn phòng cháy chữa cháy. Theo quan sát của phóng viên, thậm chí một số căn hộ tại các chung cư mới đã bị quây kín bởi các thanh sắt, thậm chí có căn hộ còn bị bịt bằng kính. Toàn bộ khoảng trống dành cho việc thoát hiểm khi xảy ra sự cố là khu vực lan can đều bị bịt kín, nếu có xảy ra sự cố, lực lượng chức năng sẽ khó tiếp cận được các căn hộ để xử lý sự cố và giải cứu nạn nhân.

Tạo cơ hội sống cho chính mình

Dù vậy khi được hỏi ý kiến nhiều người dân sống tại các ngôi nhà này đều tỏ ra khá thờ ơ. Một cư dân sống tại khu tập thể C3, Nghĩa Tân (Cầu Giấy) chia sẻ: “Theo dõi những thông tin về vụ cháy gần đây tôi cũng nhận thấy việc hàn chuồng cọp là không nên. Thế nhưng làm chuồng cọp cũng vừa giúp căn nhà tăng diện tích sử dụng cũng như chống trộm do đó dù biết làm sai nhưng nhiều gia đình như chúng tôi vẫn phải làm”. Cùng ý kiến, bà Bình một hộ dân khác có nhà quây kiểu “chuồng cọp” trên đường Trần Cung chia sẻ: “Nếu không quây lên thì ở phố nhà này dễ dàng trèo sang nhà kia…”.

Trước những tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong phòng chống cháy nổ, lực lượng Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội cũng đã nhiều lần rà soát lập danh sách, tiến hành kiểm tra cụ thể và có các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở người dân khắc phục. Qua kiểm tra, nhận thấy phần lớn các căn hộ tại các khu tập thể đều diễn ra tình trạng chủ hộ tự ý cơi nới thêm các “chuồng cọp” để mở rộng diện tích sử dụng và chống trộm. Tuy nhiên, việc lấn chiếm khoảng không để làm “chuồng cọp” sẽ vô tình kéo nhà gần sát với đường dây điện, thậm chí có những hộ gia đình còn làm “chuồng cọp” qua cả hệ thống dây dẫn điện, hoặc đè lên hệ thống điện.

Trong khi đó, chưa nói đến các công năng sử dụng trước đây của nhà tập thể giới hạn về thiết bị, nay theo nhu cầu phát triển gia tăng nhiều đồ đạc, thiết bị điện. Việc cải tạo thiếu đồng bộ đã tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Khi đã cháy nổ lại không có lối thoát nạn, do “chuồng cọp” bịt kín, cầu thang và hành lang chật hẹp, bố trí thiếu thuận tiện cho việc thoát nạn nên rất nguy hiểm.

Thiết nghĩ, việc quan trọng nhất đảm bảo an toàn cho người dân tránh xảy ra hỏa hoạn và đầu tiên phải xuất phát từ ý thức của người dân. Thế nhưng có một sự thật là, hầu hết người dân đều thờ ơ với an toàn phòng cháy chữa cháy, không tự trang bị bình chữa cháy xách tay cho gia đình. Suy nghĩ chủ quan với phòng cháy chữa cháy là “căn bệnh” chung của nhiều người dân. Đã có nhiều bài học đau xót về về việc bất cẩn trong sinh hoạt gây cháy khiến cả gia đình tử vong, song những hậu quả đó chưa được người dân xem như bài học để tự nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Đăng Tuấn - Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, cho biết, thực tế khi kiểm tra, cán bộ phòng cháy chữa cháy cũng đã tuyên truyền nhắc nhở nhưng sau đó bà con thực hiện hay không thì rất khó kiểm soát, trong khi việc xử lý về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy tại nhà dân thì chưa có chế tài. “Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy xảy ra, Đội chữa cháy chuyên nghiệp quận Bắc Từ Liêm cũng đã chủ động tuyên truyền thường xuyên, liên tục, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn cho tổ trưởng, bảo vệ dân phố, đồng thời đến từng hộ dân trong khu tập thể rà soát, hướng dẫn các biện pháp phòng cháy chữa cháy”, ông Bùi Đăng Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cũng khuyến cáo người dân không nên hàn các khung sắt kiên cố ở khu vực ban công, mặt tiền nhà. Bởi việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong cả trường hợp thoát hiểm cũng như công tác cứu hộ khi xảy ra hỏa hoạn. Đồng thời, các gia đình nên lắp đặt các thiết bị báo cháy trong nhà để phát hiện vụ cháy sớm nhất, hoặc các nhà dân liền kề nên bàn bạc với nhau để tạo ra các lối thoát hiểm thông thoáng ở ban công từ nhà này sang nhà khác, đề phòng trường hợp xảy ra hỏa hoạn, có thể trợ giúp nhau.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chay-chuong-cop-khong-chi-con-la-canh-bao-96680.html