Chạy đua 9 giờ cứu sống bệnh nhi bị sùi van tim

Mắc bệnh sùi van tim động mạch chủ, chạy nhiều bệnh viện nhưng đều bị lắc đầu vì không thể cứu, bé Nguyễn Quang Vinh đã được hồi sinh nhờ bàn tay kỳ diệu của các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ đồng hồ, cứu sống bệnh nhi bị sùi van tim động mạch chủ.

Vô vọng vì bị bệnh viện trả về

Những ngày cuối năm 2018, khi Nguyễn Quang Vinh (sinh năm 2010, quê Phú Thọ) háo hức đón tuổi mới thì bất ngờ rơi vào trận sốt dài ba tuần liên tiếp không tìm ra nguyên nhân. Sau khi nằm từ viện này sang viện khác, Vinh được chẩn đoán bị sùi van tim van động mạch chủ gây ra tình trạng hở van động mạch chủ nặng.

Lúc này, cơ thể Vinh đã rơi vào trạng thái suy kiệt, suy tim nặng phải thở máy. Toàn bộ van tim bị tổn thương và các vi khuẩn đã ăn hết van động mạch chủ.

Tiếp nhận cháu bé trong tình trạng bị các bệnh viện trả về, TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, anh và các đồng nghiệp vô cùng thương cháu bé nhưng đầy nỗi băn khoăn khi sự sống của cháu chỉ tính bằng giờ.

Vinh mắc bệnh hiếm, do vi khuẩn đi vào máu đọng lại ở van động mạch chủ, ăn thủng những lá van tạo thành cục sùi lớn trong lòng động mạch chủ, gây hở van chủ cấp tính và rất nặng, nguy cơ phù phổi cấp liên tục xuất hiện. “Trường hợp này bắt buộc phải mổ xử lý nhưng cuộc mổ nguy cơ cao vì trẻ mới 10 tuổi và vật liệu sử dụng thay thế van động mạch chủ cho cháu hạn chế. Động mạch chủ của cháu bé bị nhiễm khuẩn gây ổ áp xe, đe dọa tính mạng cháu bé thay van sinh học cơ học cho cháu”, BS Trường nói.

Cậu bé này may mắn vào viện đúng lúc có bác sĩ Shunji Sano của Đại học California tại San Francisco sang làm việc. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ với phần hy vọng rất mong manh. Điều thách thức với các bác sĩ tại đây là chưa từng có kinh nghiệm xử lý những trường hợp như vậy. “Chúng tôi không biết ngoài nhiễm khuẩn van tim, các cơ quan khác xung quanh có bị tổn thương không”.

BS Nguyễn Lý Thịnh Trường chia sẻ về ca bệnh đặc biệt.

Ngay chiều 9-11-2018, sau nửa ngày nhập viện, Vinh được đẩy vào phòng mổ vì tình trạng nguy cấp của phù phổi và suy tim. BS Trường cho hay, ban đầu kíp mổ nghĩ tới sửa van tim bằng cách sử dụng màng tim tự thân theo phương pháp Ozaki. “Nhưng khi mở ra, động mạch chủ phía trên có khối phình to. Những sùi đó không chỉ ăn lá van mà ăn cả vào thành động mạch chủ dẫn tới bào mòn thành động mạch chủ. Bệnh nhi có thể tử vong bất kỳ lúc nào vì thành động mạch chủ rất mỏng và dễ rách. Đó là thách thức cho phẫu thuật vì ngoài xử lý van tim, phải tái tạo lại động mạch chủ”, BS Trường kể.

Vậy là phương pháp Ozaki không thể sử dụng được. Cả ê-kíp mổ rơi vào trạng thái bị động và hoang mang. Van bị ăn mòn bởi vi khuẩn, những khối sùi di động theo dòng máu không thể dùng màng tim tự thân. BS Trường kể lại giây phút cân não “chúng tôi phải tạm dừng ca mổ, gọi điện cho các đơn vị cung cấp van tim để cung cấp khẩn cấp. 30 phút sau, van tim được chuyển đến với size nhỏ nhất phù hợp cơ thể cháu bé. Sau khi cắt bỏ toàn bộ khối phình thì nhét vừa van tim”.

Vinh được hồi sinh đầy kỳ diệu bởi sự táo bạo của ê-kíp bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch và chuyên gia nước ngoài sau chín giờ đồng hồ chạy đua trong phòng mổ, từ 3 giờ chiều đến 12 giờ đêm. Sau một ngày thở máy hồi sức, bệnh nhi có thể rút ống khí quản đã được xuất viện ngày 3-1-2019 – trước sinh nhật Vinh một ngày.

BS Trường nói, hiện tại cháu bé khỏe mạnh, không thấy dấu hiệu tái nhiễm trùng trở lại. “Đây là trường hợp nặng phức tạp nhất về bệnh lý van tim ở độ tuổi 10 tuổi. Sau khi vượt qua được ca nặng này, chúng tôi đã có kinh nghiệm để chuẩn bị mọi thứ cho những ca mổ bệnh lý này tới đây. Hy vọng cháu bé sống khỏe mạnh đến khi lớn lên, cân nặng thay đổi sẽ phải thay van tim khác phù hợp”.

Tỷ lệ tử vong sau mổ tim giảm, tiến ngang tầm thế giới

Trong năm 2018, Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã mổ thêm cho ba trường hợp nữa hở van động mạch chủ nặng và sử dụng phương pháp Ozaki để phẫu thuật cho bệnh nhi. BS Trường cho biết, đây là thành quả của việc hợp tác giữa Trung tâm Tim mạch với Bệnh viện California, San Francisco.

“Năm 2018, tỷ lệ tử vong giảm xuống rõ rệt. Nếu như năm 2017 tỷ lệ này là 4% thì nay chỉ còn 3% ca tử vong sau phẫu thuật tim, tiệm cận với tỷ lệ của các trung tâm tim mạch thế giới và khu vực”, BS Trường tự hào nói.

Về mổ thường quy hẹp khí quản kèm theo các bệnh lý tim bẩm sinh, đạt tỷ lệ sống sót trên 85%. Tỷ lệ tử vong chủ yếu rơi vào tổn thương khó, đặc biệt trong thời kỳ sơ sinh.

Là địa chỉ đỏ tin cậy của các bệnh nhi mắc tim, năm 2018, các bác sĩ tại đây mổ hơn 1.000 ca tim hở và 500 ca tim kín. Trong đó, có khoảng 20% bệnh nhân sơ sinh. Số bệnh nhân nặng và phức tạp từ trung bình trở lên chiếm 50%.

BS Trường cho hay, so với nguồn lực của Trung tâm Tim mạch, những con số trên là con số mổ tim khiến nhiều trung tâm tim mạch trên thế giới phải kinh ngạc, mặc dù Trung tâm còn nhiều hạn chế về nguồn lực và cơ sở vật chất. Nếu được đầu tư và trang bị tốt hơn nữa, giảm được tỷ lệ bệnh nhân nhiễm trùng thì chắc chắn kết quả điều trị tại trung tâm sẽ ngang tầm khu vực và có thể trở thành Trung tâm Tim mạch hàng đầu dành cho bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh.

Vì thế, Trung tâm Tim mạch đặt ra mục tiêu, 1-2 năm tới sẽ giảm tỷ lệ tử vong phẫu thuật thường quy tim phức tạp tiến ngang tầm khu vực và trên thế giới. “Mục tiêu chúng tôi phấn đấu thành trung tâm hàng đầu điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh. Với nguồn nhân lực gồm nhiều y bác sĩ trẻ và ham học hỏi, tôi tin trung tâm có khả năng hiện thực hóa điều này nếu được đầu tư xứng đáng”, BS Trường tự tin nói.

BS Trường khuyến cáo, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt kéo dài trên 5 ngày, gia đình nên đưa đến viện theo dõi phát hiện nguyên nhân. Với các cháu nếu có biểu hiện chậm tăng cân, vận động nhanh bị yếu sức; hoặc khi nằm ngủ hay nghỉ ngơi vã mồ hôi nhiều nên cho đi khám tầm soát liệu có bệnh lý tim bẩm sinh phòng tránh biến chứng.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/39051102-chay-dua-9-gio-cuu-song-benh-nhi-bi-sui-van-tim.html