Chạy đua đổi luồng tuyến sang cao tốc

Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông dần nối thông giúp các nhà xe rút ngắn đáng kể thời gian, tiết kiệm chi phí và an toàn hơn. Đây là những lợi ích rõ ràng khiến các nhà xe dần chuyển lộ trình sang chạy trên cao tốc thay cho quốc lộ.

Xếp hàng chờ đổi luồng tuyến

Đến nay, từ TP.HCM, các đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo - Cam Lâm - Nha Trang đã được nối thông, thời gian đi 370km chỉ mất trên dưới 5 giờ so với khoảng 10 giờ đi trên quốc lộ 1 (450km).

Nhờ di chuyển trên cao tốc Mai Sơn - QL45, xe khách không phải đi qua các khu vực đông dân cư với đặc thù giao thông hỗn hợp nên đảm bảo an toàn hơn.Ảnh: Tạ Hải.

Ông Lý Tấn Minh, Giám đốc điều hành nhà xe Anh Khôi (chạy tuyến Phan Rang – TP.HCM) cho biết, sau khi tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông xe, hơn 1 tháng qua, ông mất nhiều thời gian đi đăng ký, nhưng gần 10 xe giường nằm của ông chưa được bổ sung lộ trình đi cao tốc. Lý do vì có rất nhiều nhà xe đổ dồn đăng ký lộ trình này nên khâu xét duyệt, cấp phép quá tải, phải xếp hàng.

"Tôi chọn đăng ký lộ trình cao tốc là vì thời gian xe chạy nhanh hơn, bớt chi phí xăng dầu. Phí cao tốc cũng là vấn đề, nhưng hiện nay phần lớn tuyến này chưa thu", ông Minh cho hay.

Ông Dương Văn Tú, Giám đốc điều hành nhà xe Tuấn Tú (chạy cùng tuyến) cho biết: "Chúng tôi đã đăng ký phù hiệu một số xe đi cao tốc. Hằng ngày, nhà xe có 4 chuyến chạy tuyến Phan Rang đi TP.HCM và ngược lại".

Ông Trần Minh Từ, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận cho biết, rất ủng hộ nhà xe lựa chọn thêm lộ trình mới đi cao tốc thay vì đi quốc lộ 1 như trước: "Nhà xe nào có nhu cầu đăng ký chỉ cần làm văn bản đề xuất, thủ tục rất nhanh chóng. Hiện mỗi nhà xe chạy tuyến Phan Rang – TP.HCM ở Bến xe Phan Rang đã có hơn 50% đầu xe đăng ký lộ trình cao tốc", ông Từ thông tin.

Đi cao tốc vẫn không tăng giá vé

Tại Bình Thuận, ngay sau khi cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết thông xe, các nhà xe như: Trung Nga, Tâm Hạnh, Kumho, Cao Lâm… đã mở tuyến đi cao tốc song song với quốc lộ 1. Các nhà xe đã đăng ký các khung giờ xe xuất phát để khách lựa chọn. Do cao tốc chưa thu phí nên nhà xe không tăng giá vé.

Lựa chọn luồng tuyến là quyền của mỗi doanh nghiệp vận tải. Tôi ủng hộ doanh nghiệp đổi lộ trình từ tuyến cũ sang cao tốc, đồng thời đề nghị cơ quan quản lý khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp đăng ký nhanh.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Ông Lê Bảy, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, hai nhà xe lớn ở Phan Thiết là Trung Nga đã đăng ký 8/11 xe, Cao Lâm đăng ký 5/8 xe lộ trình đi cao tốc. "Hành khách có nhu cầu, nhà xe cũng hưởng lợi nên đây sẽ là xu thế chung thời gian tới", ông Bảy nói.

Ông Trần Bá Hải, Giám đốc Công ty Vận tải hành khách Bá Hải, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, đơn vị có 15 đầu xe khách chạy tuyến đường dài TP.HCM và các tỉnh miền Đông. Đến nay, các xe đã chuyển hết sang chạy cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

"Tuy nhiên, khi lên cao tốc, không thể bắt khách dọc đường. Nếu tại các điểm dừng nghỉ mà làm được điểm trung chuyển thì rất thuận lợi cho hành khách và cả nhà xe", ông Hải nói.

Ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines cho biết, hiện nay hầu hết các tuyến Phương Trang đều đi trên cao tốc. Cụ thể, với những tuyến thuộc khu vực miền Tây, FUTA Bus Lines đi tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuyến thuộc khu vực miền Trung đi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo…

Tiết kiệm thời gian, chi phí

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Vân Anh cho biết, hiện nay nhà xe có 16 xe khách, 24 xe giường nằm tuyến Thanh Hóa – Hà Nội và ngược lại, tần suất 42 chuyến/ngày. Tất cả xe của nhà xe hiện đã chuyển lộ trình từ quốc lộ 1 sang các tuyến cao tốc Quốc lộ 45 – Mai Sơn, Mai Sơn – Cao Bồ, Cao Bồ - Pháp Vân. Nhờ đó, mỗi chuyến tiết kiệm được 20 phút, tiết kiệm nhiên liệu.

Cũng theo ông Dũng, nhờ di chuyển trên cao tốc, xe khách không phải đi qua các khu vực đông dân cư với đặc thù giao thông hỗn hợp nên đảm bảo an toàn hơn.

Tương tự, ông Nguyễn Đàm Văn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Văn Minh cho biết, ngay khi các tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu được đưa vào khai thác, công ty đã xin thay đổi lộ trình. Tuy nhiên đến nay mới được chấp thuận cho thay đổi lộ trình từ quốc lộ 1 vào cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45. Với lộ trình mới, mỗi chuyến tiết kiệm đến 30 phút so với đi quốc lộ.

Tại Bến xe Miền Đông (mới) ở TP.HCM có 7 đơn vị (chiếm 17%) chạy lộ trình cao tốc. Lãnh đạo bến xe cho rằng, các doanh nghiệp chưa đăng ký được lộ trình cao tốc là do hành trình chưa được công bố. Đơn vị đã có văn bản gửi Sở GTVT đề nghị công bố danh mục các tuyến đường được phép đăng ký tại Bến xe Miền Đông mới theo lộ trình đường cao tốc với tổng cộng 371 tuyến.

Khách chọn cao tốc, nhà xe đua phục vụ

Tại phía Bắc, từ khi có cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, hầu hết xe cá nhân, xe khách từ Quảng Ninh qua Hải Phòng đến Hà Nội và ngược lại đều lưu thông bằng đường cao tốc bởi thời gian di chuyển rút ngắn xuống còn một nửa so với đi quốc lộ 5A.

Tại các bến xe trên địa bàn Hải Phòng, các nhà xe đã chuyển qua các tuyến cao tốc, ít sử dụng tuyến đường bộ truyền thống như trước đó.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho biết: "Hiện nay, hành khách lựa chọn nhà xe đi cao tốc đã trở thành xu thế chung. Do đó, nhà xe cũng thay đổi theo".

Ông Lưu An, đại diện Ban quản lý Bến xe Thượng Lý xác nhận, tại Hải Phòng, các nhà xe chủ yếu lựa chọn di chuyển trên đường cao tốc do thời gian di chuyển ngắn hơn, dù phải trả phí.

Ông Phan Thế Hùng, Trưởng ban Quản lý bến xe khách Thái Bình cũng cho biết, hiện nay 100% các xe đăng ký đi từ Bến xe Thái Bình đến các bến trên địa bàn Hà Nội đều đi cao tốc. "Doanh nghiệp vận tải chọn đi cao tốc là tất yếu. Tuy nhiên, còn một điểm vướng là khi đi vào cao tốc, nhà xe khó trả hoặc đón khách giữa tuyến do các nút giao, trạm dừng nghỉ chưa đáp ứng được đòi hỏi này", ông Hùng nói.

Cần ngăn chặn tình trạng đón, trả khách tùy tiện

Ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Vận tải Futa - Hà Sơn cho biết, Nội Bài – Lào Cai là tuyến đường đi qua khu vực đông dân cư ở nhiều tỉnh, nhu cầu đi lại rất lớn. Trong khi đó, để di chuyển ra các bến xe ở địa phương mất nhiều thời gian nên thường xuyên xảy ra tình trạng người dân xé rào, leo bộ lên cao tốc để đón xe. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra.

Tương tự, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang cũng là một trong những tuyến đường thu hút đông đảo xe khách lưu thông. Tuy nhiên, thời gian qua phát sinh tình trạng người dân chọn đón xe bất cứ chỗ nào, thậm chí tự ý phá rào cao tốc để đón cho tiện.

Trong khi đó, ở phía Nam, dọc tuyến TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ khoảng 130km, gần đây cũng xuất hiện tình trạng người dân trèo lan can vào cao tốc để đón xe khách. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất khu vực trạm dừng nghỉ thuộc xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) và cầu vượt số 9, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Nhóm phóng viên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chay-dua-doi-luong-tuyen-sang-cao-toc-192240521001123421.htm