Chạy đua giành đất với biển

Bờ biển tỉnh Thừa Thiên - Huế mới thực hiện được khoảng 40% đê kè và cần thêm 1.000 tỉ đồng để hoàn tất

Giữa tháng 10 âm lịch, thời tiết ấm áp nhưng biển ở thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn động dữ dội bởi thủy triều dâng cao làm cho bờ biển ở đây sạt lở nghiêm trọng hơn.

Sạt lở ở bờ biển xã Phú Hải, huyện Phú Vang ngày càng trầm trọng

Khắp nơi sạt lở

Ông Mai Văn Dương, một người dân thôn Cự Lại Đông, không khỏi xót xa khi bãi biển quê hương mình ngày càng bị xâm thực mạnh. Trên bãi cát nằm sát mép nước biển giờ đây là những cái giếng nhô lên khá cao, nằm trơ trọi. Ông Dương nói rằng khu vực này trước kia là dân làng ở, họ đào giếng lấy nước uống. Nhưng biển xâm thực, người dân dời đi sâu vào làng, bãi cát bị nước biển "ăn" sâu xuống, lộ ra những cái giếng bi.

Ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Phú Hải, cho biết khu vực bờ biển này bị sạt lở từ lâu và ngày càng trầm trọng. Vào đợt lũ từ 13 đến 16-11, bờ biển tại đây bị sạt lở với chiều dài khoảng 1 km, ăn sâu vào bờ từ 5-7 m có nơi hơn 7 m.

Ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cũng cho hay toàn tuyến bờ biển dài khoảng 4,3 km ở đây đã bị sạt lở và biển đã "ăn" sâu vào đất liền tầm 600 m trong khoảng 20 năm trở lại đây. Gần 140 hộ dân mất chỗ ở, phải di dời tái định cư vì biển sạt lở, xâm thực mạnh.

Tương tự, bờ biển khu vực Phong Hải, Điền Hòa, huyện Phong Điền sạt lở với chiều dài khoảng 1,5 km. Tại thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương (TP Huế) với chiều dài khoảng 600 m, ăn sâu vào bờ từ 3-5 m và đoạn tiếp giáp gần chân kè giao thông đi lên phía Bắc với chiều dài 150 m, ăn sâu vào bờ từ 3-5 m có nơi hơn 5 m.

Còn tại khu vực xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), bờ biển sạt lở dài khoảng 0,5 km, ăn sâu vào bờ từ 5-7 m có nơi hơn 7 m. Đặc biệt, sạt lở nặng bờ biển khu vực xã Giang Hải tiếp giáp Vinh Hiền, huyện Phú Lộc với chiều dài khoảng 1 km, mở lạch cửa biển mới với chiều dài 60 m, ảnh hưởng 70 ha nuôi trồng thủy sản, 100 ha trồng lúa và hoa màu.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ năm 2009, đặc biệt mùa mưa bão năm 2020 đến nay, tình hình sạt lở đường bờ biển ở địa phương này diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương này.

Hệ thống đê kè biển đang được xây dựng ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang để ngăn sạt lở

Cần khoảng 1.000 tỉ đồng để ngăn chặn

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định sạt lở bờ biển đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ, uy hiếp đến dải cồn cát ven biển, ảnh hưởng đến 24 xã, thị trấn và có nguy cơ mở cửa biển mới. Ngoài ra, tình trạng này còn có nguy cơ ảnh hưởng đến Quốc lộ 49B cũng như cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ, an ninh quốc phòng và hệ sinh thái của 22.000 ha đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Trước mắt, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các địa phương, sở, ngành tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, đến các công trình hạ tầng thiết yếu. Rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa lũ hằng năm. Cảnh báo cho chính quyền địa phương lắp dựng các biển báo, tiêu vè cảnh báo các khu vực sạt lở nguy hiểm. Ngoài ra, các địa phương cũng triển khai các giải pháp tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển và ngăn chặn việc khai thác cát sỏi trái phép trên các sông và ven biển.

Theo phê duyệt, tỉnh Thừa Thiên - Huế có tổng chiều dài đê biển là 181 km, trong đó có 174 cống, bảo vệ hơn 11.100 ha lúa và khoảng 40.000 người. Sau khi được đầu tư, tuyến đê biển sẽ chịu được bão cấp 9 và triều 5%. Từ năm 2006 đến nay, địa phương này được hỗ trợ khoảng 600 tỉ đồng từ nguồn vốn của trung ương và địa phương để đầu tư được khoảng 80 km đê biển, đạt khoảng 40% trên tổng chiều dài đê theo chương trình nâng cấp đê biển của Chính phủ. Với chiều dài 100 km đê còn lại và hơn 100 cống lớn nhỏ đã xuống cấp, cần kinh phí đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Bình, Chi Cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết mới đây Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có tờ trình Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiên tai, sạt lở. Trong đó, Thừa Thiên - Huế được đề xuất hỗ trợ 200 tỉ đồng khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển và 50 tỉ đồng để di dời, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai.

Nhiều bờ sông bị nước lũ tấn công

Tại tỉnh Quảng Trị, đợt mưa lũ vừa qua khiến bờ sông Hiếu đoạn qua các xã Cam Hiếu, Cam Thủy và Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) bị sạt lở nhiều đoạn với tổng chiều dài trên 1,5 km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường liên xã và khoảng 30 hộ dân. Ngoài ra, một số tuyến kênh mương nội đồng bị ngập, xói lở, hư hỏng, bồi lấp với chiều dài khoảng 10 km. Ông Trương Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, cho biết để bảo đảm an toàn cho người dân, huyện đã yêu cầu UBND xã Cam Hiếu rào chắn, có biện pháp để sạt lở không lan rộng. Ngoài huyện Cam Lộ, trong đợt mưa lũ vừa qua, một số bờ sông, suối tại huyện Hải Lăng, Đakrông cũng xảy ra tình trạng sạt lở với chiều dài từ 100-300 m.

Mưa lũ cũng đã làm xuất hiện nhiều điểm sạt lở, lấn sâu vào khu vực đất vườn, đất ở, uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân 2 bên bờ của nhiều con sông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, nghiêm trọng là sạt lở nhiều điểm trên sông Ngàn Mọ, đoạn chảy qua địa phận xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên. Ngoài ra, tình trạng sạt lở cũng xuất hiện tại dọc bờ sông Ngàn Sâu đoạn chảy qua 2 huyện Hương Khê và Vũ Quang, sông Minh ở thị xã Hồng Lĩnh.

Đ.Nghĩa - V.Gia

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/chay-dua-gianh-dat-voi-bien-2023112820193936.htm