Chạy đua huy động, ngân hàng đẩy lãi suất lên 8,6%/năm

Không chỉ chiếm một nửa lượng tiền gửi toàn hệ thống, 3 'ông lớn' Vietcombank, Vietinbank, BIDV còn đang chạy đua huy động qua hình thức trái phiếu với lãi suất trên 7,5%/năm. Điều này khiến cho khối ngân hàng cổ phần buộc phải đẩy lãi suất huy động lên trên 8% để thu hút tiền gửi. Cuộc đua lãi suất huy động ngày càng trở nên sôi động.

Lãi suất huy động lập đỉnh 8,6%/năm

VPBank cuối tháng 11 đã công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới theo chương trình Phát lộc thịnh vượng, theo đó, khách hàng được cộng tới 0,5% cho các kỳ hạn 6-12 tháng, lên tới 7,7-7,8%/năm. Ở các kỳ hạn dài hơn, lãi suất được cộng thêm từ 0,6-0,7%/năm. Chẳng hạn, kỳ hạn 18 tháng, khách hàng gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất từ 7,7-7,9%/năm tùy vào mức tiền gửi. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank hiện lên tới 8%/năm, tăng 0,7 điểm phần trăm so với trước đó, áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 10 tỷ, kỳ hạn 36 tháng.

Với biểu lãi suất thông thường, lãi suất tại nhà băng này cũng tăng thêm 0,2%/năm tất cả kỳ hạn. Sau khi tăng, lãi suất cao nhất các kỳ hạn dưới 6 tháng tại VPBank chỉ còn cách trần 0,1%/năm, các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng vọt lên 7,2%/năm. Còn các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên lãi suất cao nhất là 7,5%/năm.

Tại ACB, từ ngày 19.11, khách hàng gửi kỳ hạn 6 tháng được hưởng lãi suất 6,1%/năm, tăng 0,2% so với trước. MB tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 4,7%/năm, 3 tháng lên 5,3%/năm, 6 và 9 tháng lên 6%/năm. Mức lãi suất này đã tăng 0,1-0,2% so với biểu lãi suất cũ.

Trong khi đó, từ ngày 22.11, Techcombank cũng điều chỉnh lãi suất tăng thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm so với tháng 10 ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất ở nhà băng này hiện là 7%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng TPBank trong tháng 11 đã tăng lên tại một số kì hạn đối với tiền gửi của khách hàng cá nhân. Lãi suất các kì hạn 1-3 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng 10. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 đến 24 tháng cũng tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước.

Không thể nằm ngoài xu hướng, SCB đang là một trong những ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất, với sản phẩm tiết kiệm đắc lộc tài lên đến 8,35%/năm. Đây là mức lãi suất đối với những khoản tiền gửi oline từ 12 tháng trở lên tại SCB.

Ngân hàng đang có mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay là Vietcapital Bank với 5,4%/năm kỳ hạn dưới 6 tháng, kỳ hạn 6 tháng lãi suất huy động 7,2%. Lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giao động từ 8% đến 8,6%/năm

Biểu lãi suất tại Vietcapital Bank

Tại khối các ngân hàng quốc doanh, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn duy trì ở mức thấp so với mức lãi suất tại khối ngân hàng TMCP.

Hiện tại, mức lãi suất kỳ hạn ngắn tối đa bằng với trần quy định (5,5%/năm), trong khi kỳ hạn dài mức lãi suất tối đa chỉ vào khoảng 6,8% -7%/năm. Mức lãi suất này thấp hơn từ 1% - 1,6% so với mức lãi suất tiền gửi tại khối NHTM cổ phần ở cùng kỳ hạn.

Cạnh tranh lãi suất với kênh trái phiếu ngân hàng

Theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu thanh khoản cao vào thời điểm cuối năm, cùng với sự chuẩn bị cho việc giảm giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% hiện nay xuống 40% từ ngày 1.1.2019 và sự dịch chuyển nhu cầu tín dụng từ USD sang VND là những áp lực cơ bản khiến lãi suất huy động tăng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích kể từ đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các NHTM xuống 40%, thay vì mức 45% như hiện nay. 5% đối với các ngân hàng là sự khác biệt rất lớn vì thế các NHTM cố gắng huy động vốn trung dài hạn để đáp ứng tỷ lệ đó.

Điểm đáng lưu ý, động thái tăng lãi suất lần này không chỉ tại các kỳ hạn dài mà còn tăng ở kỳ hạn ngắn. "Đang có rất nhiều người muốn biết vì sao các NHTM lại tăng cả lãi suất ngắn hạn. Đó là vì, rất nhiều doanh nghiệp đang cần tiền để vay vốn cuối năm, nhu cầu tiêu tiêu dùng xã hội cũng gia tăng. Do đó, ngân hàng sẽ cho vay ra nhiều, vậy nên phải tăng vốn huy động cả ngắn hạn lẫn dài hạn để đáp ứng khả năng thanh toán, cho vay doanh nghiệp".

Ngân hàng cổ phần tăng lãi suất để hút khách

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, học viện Ngân hàng cho rằng, cuối năm nhu cầu vay vốn luôn tăng cao. Cùng thời điểm nhu cầu vốn tăng cao, một số ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, MB và mới đây nhất là BIDV thực hiện phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 nên kéo theo sự gia tăng lãi suất tại các NHTM.

“Một số NHTM đang phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2 để đáp ứng chuẩn basel II. Lãi suất huy động qua hình thức này thường hấp dẫn hơn so với hình thức tiền gửi thông thường nên có thể dẫn đến sự chuyển dịch giữa gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu ngân hàng. Như vậy, muốn giữ chân khách hàng thì rõ ràng ngân hàng phải tăng lãi suất”, bà Hoàng Anh phân tích.

Ví dụ, tiền tiết kiệm VND đang là 1 tỷ tiết kiệm chẳng hạn, bây giờ chuyển bớt sang chứng khoán, chuyển bớt sang trái phiếu rồi thì rõ ràng tiền gửi ở nhiều ngân hàng sẽ ít đi. "Được biết, các NHTM quốc doanh huy động qua hình thức trái phiếu lên tới 7,5% hay 7,8%/năm. Thậm chí MB còn huy động đến 8,5%/năm. Như vậy, các ngân hàng khác đặc biệt là các NHTM cổ phần muốn kéo khách thì lãi suất dài hạn đương nhiên phải trên 8% mới đủ thu hút”, bà Hoàng Anh bình luận.

Huyền Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/chay-dua-huy-dong-ngan-hang-day-lai-suat-len-86-nam-936655.html