Chạy đua với Nga, Mỹ tung vũ khí mới sửa chữa sai lầm của tên lửa Patriot tại Saudi

Một phòng nghiên cứu vũ khí của Mỹ đã công bố hệ thống vũ khí mới phát triển giúp đối đầu với tấn công hàng loạt từ máy bay không người lái.

Một số chuyên gia nhận định, lý do khiến hệ thống tên lửa phòng không do Mỹ sản xuất và lắp đặt gần các cơ sở chế xuất dầu mỏ Saudi Aramco, đã không thể ngăn cản được loạt tấn công bằng máy bay không người lái hôm 14/9, là do nó không được thiết kế để đối phó với các mục tiêu như vậy.

Thiết bị phản ứng vận hành chiến thuật cường lực cao (THOR) có khả năng ngăn chặn tấn công máy bay không người lái theo dàn? (ảnh: AFRL)

Thiết bị phản ứng vận hành chiến thuật cường lực cao (THOR) có khả năng ngăn chặn tấn công máy bay không người lái theo dàn? (ảnh: AFRL)

Mới đây, Phòng thí nghiệm nghiên cứu không lực Mỹ (AFRL) đã thử nghiệm thành công hệ thống có tên Thiết bị phản ứng vận hành chiến thuật cường lực cao (THOR) có công dụng bắn hạ nhiều mục tiêu trên không không người lái – hay còn gọi là máy bay không người lái theo dàn.

Theo AFRL, vũ khí mới phát triển được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề của các căn cứ phòng thủ quân sự trước nguy cơ bị nhiều máy bay không người lái tấn công cùng một lúc. Đây là điều các hệ thống phòng thủ thông thường của Mỹ hiện chưa làm được.

Thay vì tên lửa, đạn hoặc tia laser, THOR kiến tạo một cuộc không kích điện từ lớn có thể đánh bại "nhiều mục tiêu" mà không phải sử dụng tới bất kỳ lực lượng động lực học nào. Hệ thống không có hình dạng nhất định bởi vì nó "được giấu" trong một container lớn co tầm 6m với dàn ăng-ten đi kèm. Mặc dù vậy, kích cỡ của THOR vẫn cho phép nó có thể được vận chuyển dễ dàng, ví dụ như bằng một chiếc máy bay quân sự C-130.

Quá trình phát triển và thử nghiệm của THOR kéo dài 18 tháng – không tính là quá lâu với một hệ thống vũ khí mới, và chi phí vào khoảng 18 triệu USD.

Nhu cầu về những vũ khí tương tự như THOR đang ngày càng gia tăng sau vụ tấn công vào nhà máy dầu mỏ tại Arab Saudi – một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông. Vị trí của các khu chế xuất nằm khá gần với ít nhất hai hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ, nhưng vẫn bị tấn công bất ngờ và chịu thiệt hại nặng nề.

Một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho hay, việc Patriot không thể ngăn chặn cuộc tấn công cho thấy tính hiệu quả thấp của hệ thống hoặc sự chênh lệch giữa những gì Mỹ tuyên bố và năng lực thực tế.

Còn cựu Giám đốc Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel Uzi Rubin chỉ ra, Patriot không thể phát hiện được các vật thể bay ở "phía dưới đường chân trời". Ông đề xuất, thay vì các hệ thống phòng thủ tối tân, Saudi có thể cân nhắc sử dụng tên lửa Pantsir S1 do Nga sản xuất. Theo ông, Pantsir từng đánh chặn thành công các cuộc tấn công máy bay không người lái theo dàn vào căn cứ Hmeymim của Nga tại Syria.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chay-dua-voi-nga-my-tung-vu-khi-moi-sua-chua-sai-lam-cua-ten-lua-patriot-tai-saudi-20190930155056125.htm