Chạy đua với thời gian tìm kiếm nạn nhân động đất Morocco

Các đội cứu hộ nỗ lực suốt ngày đêm tìm kiếm những người sống sót mắc kẹt dưới đống đổ nát do động đất ở Morocco, trong khi các quốc gia và tổ chức quốc tế khẩn trương thúc đẩy nỗ lực viện trợ giúp quốc gia Bắc Phi khắc phục hậu quả của đợt thiên tai nghiêm trọng nhất nhiều thập kỉ.

Hơn hai ngày sau trận động đất mạnh 6,8 độ richter làm rung chuyển nhiều thành phố nằm hai bên dãy núi High Atlas ở Morocco đêm 8/9, nhà chức trách quốc gia Bắc Phi chiều 11/9 xác nhận, gần 2.200 người đã thiệt mạng và hơn 2.400 người khác bị thương, trong khi hàng trăm người khác vẫn đang mất tích dưới đống đổ nát, New York Times đưa tin.

Tại thành phố cổ nổi tiếng Marrakech, hàng ngàn người dân lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”, phải ngủ dưới những tán cây và trên vỉa hè vì hoặc là nhà cửa của họ đã bị phá hủy, hoặc họ không dám trở về nhà do lo sợ dư chấn. Ngày 10/9, trận dư chấn mạnh 3,9 độ richter đã xảy ra, theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), khiến thêm nhiều ngôi nhà sập xuống.

Người dân đào bới đống đổ nát với hy vọng tìm thấy các nạn nhân còn sống sót đang mắc kẹt. Ảnh: NYTimes

Quân đội và lực lượng cứu hộ Morocco đang chạy đua thời gian, tranh thủ từng giây phút, bởi 72 giờ đầu tiên sau động đất được coi là “giai đoạn vàng” để tìm kiếm người sống sót. Tình trạng của những nạn nhân bị thương nhưng đang mắc kẹt có thể xấu đi nhanh chóng sau quãng thời gian này. Tuy nhiên, công tác cứu hộ, cứu trợ gặp nhiều khó khăn khi phần lớn thương vong xảy ra ở các tỉnh al-Haouz, Taroudant, Chichaoua và khu vực tâm chấn trên dãy Atlas.

Đây là những địa điểm hẻo lánh, khó tiếp cận do các tuyến đường bị hư hại hoặc đất đá vùi lấp. Tại các ngôi làng dưới chân dãy Atlas, tâm chấn trận động đất, nỗi tuyệt vọng bao trùm khung cảnh hoang tàn. Hình ảnh do truyền thông quốc tế đăng tải cho thấy, người dân đang sử dụng lừa hoặc ngựa để vận chuyển hàng cứu trợ do thiếu phương tiện cơ giới phù hợp. Tại nhiều ngôi làng, điện và liên lạc đều bị cắt, khiến người dân bị cô lập.

Theo Reuters, vua Morocco Mohammed VI đã ra lệnh thành lập ủy ban cứu trợ thiên tai. Các đơn vị dân sự được triển khai để tăng dự trữ trong ngân hàng máu và đảm bảo nguồn cung nước, thực phẩm, chăn lều cho những ai mất nhà cửa. Hàng trăm người dân địa phương trong ngày 10 và 11/9 kiên nhẫn xếp hàng bên ngoài bệnh viện ở Marrakech chờ đến lượt hiến máu giúp đỡ những người bị thương.

Các tổ chức cứu trợ quốc tế thường trực ở Morocco đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ tại hiện trường để giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt. Bà Caroline Holt, thành viên cấp cao của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết, các nhân viên cứu hộ cũng đối mặt mối nguy hiểm đáng kể khi họ phải làm việc trong “môi trường hiểm nghèo” do tác động của trận động đất.

Từ phía cộng đồng quốc tế, nhiều quốc gia đã khẩn trương gửi viện trợ, đội cứu hộ đến giúp đỡ Morocco. Ông Joe English, phát ngôn viên Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nhấn mạnh “hỗ trợ, đoàn kết quốc tế là vô cùng quan trọng” để giúp Morocco khắc phục hậu quả động đất.

Ông Farhan Haq, Phó Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc thì khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ theo mọi cách ngay khi nhận được yêu cầu. Nhưng để làm được điều đó, chúng tôi cần biết số lượng người bị ảnh hưởng, nhu cầu hỗ trợ lớn đến đâu, liệu họ cần hỗ trợ về thực phẩm, chỗ trú ẩn hay về thuốc men. Trước tiên, chúng tôi cần nhận được yêu cầu trợ giúp, rồi chúng tôi cần phải đánh giá tình hình trên thực địa”.

Theo Guardian, Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha ngày 11/9 xác nhận, họ đã đưa 86 nhân viên cứu hộ và 8 chú chó nghiệp vụ đến quốc gia Bắc Phi. “Chúng tôi sẽ gửi bất cứ thứ gì cần thiết vì những giờ đầu tiên rất quan trọng, nhất là đối với những người mắc kẹt”, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles nêu rõ.

Quốc gia láng giềng Tunisia của Morocco đã cử 50 nhân viên y tế và một nhóm các chuyên gia cùng thiết bị tới hiện trường để hỗ trợ giải cứu người mắc kẹt cũng như thiết lập một bệnh viện dã chiến. Pháp cùng ngày tuyên bố sẽ huy động các đội cứu trợ ngay lập tức khi nhận được đề nghị từ Morocco. Trong khi đó, Anh đã cử một đội cứu hộ gồm 60 chuyên gia đến sân bay Marrakesh trong đêm.

Bất chấp quan hệ song phương còn căng thẳng, Algeria đã quyết định cho phép các máy bay chở hàng viện trợ nhân đạo và chuyển người bị thương được đi qua không phận nước này để đến và rời Morocco. Đồng thời, phía Algeria cho biết sẽ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu viện trợ từ nước láng giềng. Theo Reuters, đường biên giới giữa Algeria và Morocco đã bị đóng cửa từ năm 1994. Năm 2021, Algeria cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng không phận với Morocco. Giới quan sát kì vọng việc hai bên vượt qua khúc mắc và mở đường cho sự giúp đỡ trong bối cảnh thiên tai có thể góp phần đưa quan hệ song phương sớm trở lại quỹ đạo.

Bên cạnh nỗ lực ứng phó thiệt hại về người, Morocco được cho là cũng sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc để phần nào khôi phục những địa danh lịch sử bị phá hủy do thiên tai. Trận động đất khiến nhiều địa danh được UNESCO công nhận là di sản lịch sử ở Marrakech bị hư hỏng nghiêm trọng, bao gồm nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng Kutubiyya được xây dựng từ thế kỷ 12. Nhà chức trách Morocco hiện chưa công bố thống kê chi tiết thiệt hại về tài sản, nhưng The National dẫn đánh giá của USGS lo ngại con số có thể lên đến 8% GDP quốc gia Bắc Phi, tương đương 10,7 tỷ USD, dựa trên ước tính GDP năm 2022 là 134,2 tỷ USD.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/chay-dua-voi-thoi-gian-tim-kiem-nan-nhan-dong-dat-morocco-i706743/