'Cháy' hết mình với biên cương, hải đảo

Từ ngày 25 đến 30-11, các Đội Tuyên truyền văn hóa (TTVH) của các đơn vị BĐBP trên cả nước có dịp gặp gỡ, biểu diễn tại Hội diễn các Đội TTVH tiêu biểu tuyến biên giới, biển đảo năm 2018, tại Hà Nội. Nhân dịp này, một số gương mặt 'nghệ sĩ' – chiến sĩ đã trở nên quen thuộc, thân thương đối với đồng bào các dân tộc và cán bộ, chiến sĩ BĐBP bám trụ nơi biên giới, biển đảo có những chia sẻ với phóng viên Báo Biên phòng về vai trò, trách nhiệm của người làm TTVH ở cơ sở.

Thiếu tá Trần Quý Hải, Đội trưởng Đội TTVH BĐBP Hà Tĩnh: Tôi tham gia Đội TTVH từ năm 1998. Làm công tác TTVH phải yêu màu xanh áo lính và phải tích cực tìm hiểu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có kiến thức bao quát trên nhiều lĩnh vực. Với quân số ít ỏi, trước khi tham gia biểu diễn phải cùng nhau xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với địa bàn. Ví dụ như ở vùng biển thì tuyên truyền không đánh bắt thủy hải sản trái phép, không vi phạm vùng biển nước ngoài; còn khu vực biên giới thì tuyên truyền về chống vượt biên trái phép, chống mua bán người, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy...

Lâu nay, trang thiết bị đầu tư cho Đội TTVH còn hạn chế, diễn viên phải kiêm nhiều vai trò, như tôi vừa kiêm vai trò viết kịch bản, đạo diễn chương trình, vừa tham gia biểu diễn. Sau hội diễn, đội sẽ xin ý kiến lãnh đạo BĐBP tỉnh xây dựng chương trình tuyên truyền về 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân để nhân dân hiểu vai trò của lực lượng BĐBP. Công tác tuyên truyền là cả một quá trình lâu dài, phải thường xuyên, “mưa dầm thấm lâu” để người dân dần nhận biết và giác ngộ.

Đại úy Nguyễn Thanh Loan, Đội TTVH BĐBP Thanh Hóa: Với thâm niên 20 năm làm công tác TTVH, tôi cùng đội tham gia thực hiện nhiều chương trình, hoạt động, mang lời ca, tiếng hát, những vở kịch đến với đồng bào các dân tộc ở biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Mỗi chuyến đi đều để lại những kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc. Nhiều khi anh chị em đi biểu diễn phải “cuốc bộ”, lội suối, nhiều người bị vấp ngã do trơn trượt, có người bị ngã khi ngồi trên xe máy vượt qua đoạn đường lầy lội... Công việc vất vả nhưng khi tôi đến với đồng bào, nhận được sự yêu mến, quý trọng của họ, càng tiếp thêm “sinh lực” để tôi làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền. Nhiều hôm đi lưu diễn, mệt không nhấc nổi chân, nhưng thấy người dân háo hức xem nên ai nấy đều vui vẻ và quyết tâm làm tròn nhiệm vụ đã được phân công.

Thượng úy Cao Hải Bằng, Đội trưởng Đội TTVH BĐBP Tây Ninh: Tôi gắn bó với công tác TTVH BĐBP Tây Ninh đã được 10 năm. Đội thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đi biểu diễn phục vụ nhân dân, chủ yếu là dân tộc Khmer. Các chương trình của đội thường mang những giai điệu gần gũi, phổ thông, khai thác chất liệu dân ca để bà con dễ nghe, dễ hiểu, đồng thời tạo sân chơi cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Đối với những người làm TTVH, bên cạnh nhiệm vụ còn là sự đam mê, bao giờ cũng cố gắng “cháy” hết mình với chương trình bất kể ngày hay đêm. Có những hôm chúng tôi đi diễn về đến nhà đã 1-2 giờ sáng. Bản thân tôi là đội trưởng, ngoài nhiệm vụ nâng cao chất lượng chuyên môn, còn phải thường xuyên giữ mối quan hệ tốt với các đơn vị phối hợp, để họ sẵn sàng hỗ trợ tham gia biểu diễn khi có chương trình. Không chỉ phục vụ bà con trong tỉnh, đội còn mang những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đến với người bạn láng giềng Campuchia qua những buổi hội đàm, ký kết nghĩa...

Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Nga, Đội TTVH BĐBP Đắk Lắk: Tôi nghĩ, người làm công tác TTVH phải có tình yêu biên giới. Tỉnh Đắk Lắk có 4 xã biên giới nhưng địa bàn rất rộng, dân cư thưa thớt. Thời điểm tôi mới nhập ngũ, đời sống chưa được như bây giờ. Đồng bào dân tộc ở nơi xa xôi, đường sá đi lại rất khó khăn, “đói” văn hóa-văn nghệ, phải lâu lắm mới có một đoàn đến diễn. Vì vậy, khi thấy Đội TTVH BĐBP đến biểu diễn, người dân háo hức chờ đợi từ rất sớm. Sự chân thật của họ khiến tôi cảm thấy tình cảm đó thiêng liêng, đáng quý lắm. Cũng nhờ những tình cảm ấy mà tôi gắn bó với đội suốt từ năm 2008 đến tận bây giờ mà chưa khi nào có ý định sẽ chuyển sang công việc khác.

Trung úy Phạm Thị Lan, Đội TTVH BĐBP Lào Cai: Là một cán bộ TTVH gắn bó hơn 15 năm ở biên giới, vùng sâu, vùng xa, tôi phải học hỏi nhiều, tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc ở địa bàn mình đến biểu diễn để làm tốt công tác tuyên truyền. Quân số ít nên chúng tôi phải kiêm nhiều vai trò, vừa có thể hát, đóng kịch, vừa có thể đọc nội dung tuyên truyền... Ngoài ra, chúng tôi còn lồng ghép tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Ở tuyến biên giới Lào Cai, trước đây có một số cung đường khá vất vả, khó khăn nhất phải kể đến xã Y Tý, huyện Bát Xát với địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đường giao thông không thuận lợi... hay như địa bàn huyện Mường Khương, nhiều xã chưa có đường giao thông, đi lại rất khó khăn. Dù vậy, tôi và các anh chị em trong đội đều cố gắng khắc phục. Mỗi chuyến phục vụ đồng bào cũng là dịp để anh chị em trong đội chia sẻ những khó khăn, hiểu hơn về cuộc sống của bà con để xây dựng chương trình sát thực tế, từ đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Nguyên Thanh (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chay-het-minh-voi-bien-cuong-hai-dao/