Cháy lớn chết người lại phát lộ loạt quán karaoke vi phạm

Thực trạng liên tiếp xảy ra cháy karaoke khiến nhiều người tử vong vừa qua đã trở thành vấn đề bức bối trong xã hội, được Thủ tướng chỉ rõ, đây là những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm, là cảnh báo cho thấy tình hình khẩn cấp.

Trước diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ cháy, đặc biệt là cháy karaoke làm nhiều người thiệt mạng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy sáng 12/9.

Trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra, theo Thủ tướng, tình hình trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có không ít nơi bị buông lỏng; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm nhiều nơi làm hình thức, chiếu lệ, qua loa.

Thủ tướng cũng chỉ rõ vẫn còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; còn nhiều trường hợp cố ý vi phạm quy định PCCC, cứu nạn, cứu hộ; chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh, chưa đảm bảo tính răn đe, dẫn đến tình trạng chây ỳ, kéo dài không khắc phục vi phạm.

“Khi các vụ cháy xảy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải chỉ ra nguyên nhân, kiểm điểm, xác định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm kỷ luật trước Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng lưu ý.

Tổng kiểm tra, đình chỉ hàng loạt quán karaoke không đảm bảo PCCC

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác PCCC, nhất là những địa bàn, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy như ở Cầu Giấy, Hà Nội, các quán karaoke.

Theo ghi nhận, trước khi xảy ra vụ cháy quán karaoke thảm khốc ở Bình Dương làm 32 người chết, người dân cả nước vẫn ám ảnh khi nhắc lại vụ hỏa hoạn tại quán karaoke ở Hà Nội khiến 3 chiến sĩ PCCC hy sinh vào ngày 1/8, trước đó là vụ cháy ở 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) làm 13 người chết năm 2016.

Sau mỗi vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản, chính quyền địa phương lại yêu cầu lực lượng chức năng rà soát, đóng cửa các quán không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Vì thế, trong những ngày qua, sau kiểm tra, lại có hàng trăm quán karaoke ở nhiều tỉnh thành đang hoạt động, bị đình chỉ do không đảm bảo về PCCC.

Hiện trường vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy vào ngày 1/8. Ảnh: Đình Hiếu.

Hiện trường vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy vào ngày 1/8. Ảnh: Đình Hiếu.

Tại Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, toàn tỉnh có 231 quán karaoke. Sau vụ cháy làm 32 người chết, Công an tỉnh đã ra quân kiểm tra và xử phạt hành chính 118 quán, đình chỉ 24 quán.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Công an TP, trên địa bàn có gần 1.400 quán karaoke, bar, vũ trường, nhưng có tới hơn 750 cơ sở không đạt yêu cầu PCCC. Trước tình trạng đó, lực lượng chức năng của TP Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động 425 quán cho đến khi đạt yêu cầu và đình chỉ 326 quán karaoke không có khả năng khắc phục tồn tại.

Tương tự, tại TP.HCM, UBND TP và Công an TP cũng chỉ đạo khẩn "tổng rà soát" các quán karaoke trên địa bàn. Từ 17/8/2022 Công an TP.HCM đã ban hành kế hoạch về việc kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar… Ngay sau đó, Công an 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã tiến hành kiểm tra toàn diện những cơ sở kinh doanh này.

Qua đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra 50% trên tổng số 414 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn, phát hiện nhiều vi phạm về PCCC. Cơ quan chức năng đã xử lý 90 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền xử phạt hành chính lên đến 300 triệu đồng; nhiều cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

Vào cuộc kiểm tra mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh có 875 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bar. Trong đó có 867 cơ sở đang hoạt động, 7 cơ sở đang tạm dừng hoạt động và 1 cơ sở chưa hoạt động.

Kiểm tra đột xuất 75 quán karaoke, bar trong ngày 11/9, lực lượng cảnh sát Thanh Hóa phát hiện 56 cơ sở chưa đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Các lỗi thường gặp ở các quán karaoke như không đảm bảo đường lối thoát nạn theo quy định, phương tiện PCCC chưa được trang bị đầy đủ.

Nhiều bài học xương máu...

Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra qua những ngày đầu kiểm tra các quán karaoke. Cụ thể, vi phạm PCCC tại các quán karaoke, bar, được Công an tỉnh Thanh Hóa xác định là do ý thức chấp hành quy định của một số cơ sở kinh doanh và người dân còn hạn chế. Đa phần các quán đã xây dựng từ lâu năm, cải tạo từ các công trình nhà ở cũ dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu thiết kế về PCCC.

Ngoài ra, công tác kiểm tra xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước đối với các quán karaoke, bar đôi lúc chưa triệt để, quyết liệt... từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Sau vụ hỏa hoạn ở karaoke An Phú, Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện nhiều quán không đạt chuẩn PCCC. Ảnh: Chí Hùng.

Từ vụ cháy quán karaoke An Phú, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương rút ra nhiều bài học. Đối với các vụ xảy cháy tại các cơ sở karaoke có thiết kế xây dựng khép kín, nhà ống, nhiều vật liệu dễ cháy và có nhiều khí độc, phải sử dụng các biện pháp phá dỡ tường xây để giảm khí độc và tiếp cận để cứu nạn nhân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng thấy rằng, trong công tác thẩm định PCCC, đặc biệt là đối với các cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar… cần hết sức chặt chẽ, kiên quyết xử lý nghiêm đối các trường hợp cơi nới sai quy định.

Trước đó, sau vụ cháy quán karaoke làm 13 người chết trên đường Trần Thái Tông, chính quyền TP Hà Nội cũng rút ra nhiều bài học. Đó là chủ cơ sở kinh doanh karaoke chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chưa quan tâm PCCC. Việc kiểm tra, xử lý, phòng ngừa các sai phạm chưa triệt để, kiên quyết…

Thế nhưng, khi hoạt động trở lại, những bài học xương máu đó lại bị lãng quên, các vụ cháy quán karaoke vẫn xảy ra, vẫn thiệt hại về người.

Sau vụ cháy quán karaoke An Phú (TP Thuận An) làm 32 người chết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, công tác đảm bảo an toàn PCCC tại địa phương luôn được cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương cho biết, quán karaoke An Phú hoạt động từ năm 2016, có đầy đủ các hồ sơ, thủ tục pháp lý, có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC do Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương cấp.

Quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho biết, quán karaoke bị cháy trên phố Quan Hoa vào ngày 1/8 có đủ giấy phép kinh doanh.

Lực lượng Công an Hà Nội kiểm tra điều kiện PCCC trong một quán karaoke. Ảnh: Đình Hiếu.

Theo chuyên gia cảnh báo rủi ro Huy Nguyễn, thực tế nhiều quán karaoke hiện nay không khác “những chiếc lồng bê tông và thép”. Đa số những quán karaoke có dạng nhà ống với nơi thoát hiểm duy nhất là cửa chính của tòa nhà. Xung quanh là 3 bức tường bê tông kiên cố đến cửa sổ cũng không có. Phía trước các quán karaoke thường được phủ kín bởi biển quảng cáo với khung thép và các chất liệu dễ cháy như nhựa mika và đèn led.

Quán karaoke nào có bảng đèn led càng to thì càng thu hút nhiều khách. Những bảng đèn led choán hết không gian mặt tiền của quán khiến việc phá dỡ nó bằng dụng cụ chuyên dụng còn khó khăn chứ nói gì là sức người với tay không trong cơn bấn loạn.

Vấn đề đặt ra, với những quán có đủ giấy chứng nhận, đủ điều kiện kinh doanh, đã được thẩm định về PCCC, vì sao khi có cháy vẫn thiệt hại nặng nề về người?.

Theo chuyên gia Huy Nguyễn, người cán bộ cảnh sát phòng cháy chữa cháy của cơ quan phòng cháy chữa cháy khi thẩm định cấp phép cho một công trình không chỉ đòi hỏi về điều kiện ít xảy ra cháy nổ, mà còn có cả điều kiện nếu cháy nổ thì lính cứu hỏa sẽ chữa cháy bằng cách nào.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, trong công tác thẩm định PCCC, đặc biệt là đối với các cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar… cần hết sức chặt chẽ, kiên quyết xử lý nghiêm đối các trường hợp cơi nới sai quy định.

Như vậy, có thể thấy, ngay cả các quán karaoke đủ điều kiện để hoạt động, vấn đề PCCC vẫn còn là mối lo trước mắt.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, vấn đề quan trọng không kém việc cấp giấy phép PCCC cho quán karaoke đó là việc hậu kiểm.

“Lúc cấp phép, quán karaoke đảm bảo an toàn cháy nổ, nhưng quá trình hoạt động của họ phát sinh nhiều bất cập, liệu có được lực lượng chức năng có phát hiện, xử lý kịp thời ?”, ông Hòa nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực tế, khi cháy nổ, các quán karaoke gần như không tự chữa cháy được. Đến khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, đám cháy đã vượt tầm kiểm soát, gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ những phân tích trên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, lực lượng cấp phép và đảm bảo phòng chống cháy nổ ở các cơ sở kinh doanh karaoke cũng không hề nhỏ.

“Tôi đề nghị lực lượng chức năng cần làm rõ, tại sao tình trạng cháy quán karaoke thường xuyên xảy ra và hậu quả thường rất nặng nề”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chay-lon-chet-nguoi-lai-phat-lo-loat-quan-karaoke-vi-pham-2058861.html