Chạy nước rút trong đầu tư công

Còn chưa đầy tháng nữa là kết thúc năm 2023, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ giao được Thừa Thiên Huế giải ngân đạt 92%, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành cơ bản đạt theo mục tiêu đề ra ngay từ đầu năm.

Dự án cầu vượt sông Hương đang được đẩy nhanh tiến độ thi công

Chạy đua tiến độ

Với việc xác định, mỗi đồng ngân sách đầu tư cho hạ tầng sẽ tăng thêm cơ hội để tỉnh phát triển, nâng cao đời sống người dân. Vì thế dù đang gặp nhiều khó khăn từ thời tiết, khí hậu, giải phóng mặt bằng, đến thiếu nguồn vật liệu…, song các đơn vị thi công và chủ đầu tư… các dự án vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, chạy đua với thời gian để giải ngân tối đa vốn trong năm.

Tại dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, công tác thi công đang được tiến hành khẩn trương. Đơn vị thi công triển khai thi công ở tất cả các mũi trên các mố, trụ công trình, công tác giải phóng mặt bằng cũng được triển khai song song nhằm đảm bảo mặt bằng để thi công dự án. Dự kiến đến hết năm 2023, đơn vị thi công sẽ hoàn thành các trụ P1 và P4, trụ P2 lắp đặt chân vòm CV1-CV4, trụ P3 hoàn thành trụ và lắp các đốt chân vòm CV1-CV4; tiến hành gia công chế tạo thép vòm, dầm dọc, dầm ngang; đóng, ép cọc đường đi bộ, tường chắn phía mố A1…

Dù chỉ mới khởi công vào tháng 12/2022, dự kiến thời gian thực hiện trong 3 năm, song hiện đơn vị thi công, chủ đầu tư… dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để có thể sớm thông tuyến vào cuối năm 2024 theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

Ngoài dự án này, các dự án trọng điểm khác đều đang triển khai và có tiến độ thi công, giải ngân rất tốt. Đơn cử, như dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2... Trong năm, một số dự án đầu tư công trọng điểm khác của tỉnh cũng đã hoàn thành, được đưa vào khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư như dự án nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội, đường Phú Mỹ - Thuận An, đường phía tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa), các dự án chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp...

Số liệu công khai giải ngân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phần nào khẳng định cho những nỗ lực này. Khi tính đến cuối tháng 11, Thừa Thiên Huế đã giải ngân 5.311 tỷ đồng/5.758 tỷ đồng vốn do Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm, đạt tỷ lệ 92%. Tỷ lệ này thuộc top giải ngân cao và xếp thứ 4/63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, vốn ngân sách địa phương có kế hoạch là 3.053 tỷ đồng, giải ngân 3.053 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) có kế hoạch là 2.021 tỷ đồng, giải ngân 1.837 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA) có kế hoạch là 683 tỷ đồng, giải ngân 420 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đang mang lại nhiều tác động tích cực trong việc thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác, góp phần sớm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh. Sau gần 3 năm triển khai, phần lớn các dự án trọng điểm thuộc kế hoạch đầu tư công 2021-2025 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Các dự án đưa vào hoạt động giúp đẩy nhanh việc hoàn thiện, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy các lợi thế của tỉnh trong phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và sản xuất công nghiệp. Đồng thời, giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi sớm thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Dù tiến độ giải ngân đảm bảo theo kế hoạch, song thực tế quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công vẫn còn gặp một số khó khăn. Ngoài tác động tiêu cực từ tình hình thời tiết, giá nguyên, vật liệu tăng thì giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư chậm cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các dự án. Nhất là các dự án có quy mô đầu tư rộng như dự án "Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh)" - tiểu dự án Thừa Thiên Huế. Việc hoàn thiện các thủ tục về quy hoạch, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng ảnh hưởng đến thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án.

Theo kế hoạch, dự kiến ngay trong năm 2024, nhiều dự án giao thông lớn sẽ thông xe kỹ thuật như: cầu qua cửa Thuận An và cầu vượt sông Hương; thi công hoàn thành các hạng mục thuộc dự án Cải thiện môi trường nước, dự án các đô thị xanh... Đồng thời, tỉnh dự kiến khởi công mới trong năm 2024 đối với các dự án Quảng trường Văn hóa thể thao tỉnh, đường vành đai 3, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài…

Để giải quyết phần nào những khó khăn nhằm đảm bảo kế hoạch đầu tư công năm 2024, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, các dự án phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn hằng năm, không để sau khi giao kế hoạch vốn mới bắt đầu triển khai các công việc. Công tác giải phóng mặt bằng cũng cần đi trước một bước, tập trung giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Các chủ đầu tư cũng cần lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Rà soát, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nguyên, vật liệu cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh theo quy định. Thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời từ dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu vốn và khả năng giải ngân cao theo quy định.

Trong tháng 12 này, tỉnh tập trung rà soát các dự án đầu tư công, đánh giá mức độ quan trọng các dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân dưới 10% (tính đến thời điểm hiện nay) để chấm dứt dự án. Đồng thời, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng là các giải pháp mà tỉnh đã và đang triển khai để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn vào cuối năm.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/chay-nuoc-rut-trong-dau-tu-cong-135714.html