Cháy rừng dữ dội khiến bầu trời chuyển đỏ cam, ngập trong khói mù ở Australia

Đây là lần thứ ba trong tuần cư dân Sydney thức dậy giữa làn khói mù mịt bao phủ bầu trời thành phố.

Video khói mù tại Sydney sáng 22/11.

Gần 60 đám cháy vẫn đang hoành hành khắp nơi tại bang New South Wales (Australia), khói mù theo gió bắc cuồn cuộn lao về phía Sydney. Đám khói dày đặc bao trùm bầu trời thành phố đã khiến chất lượng không khí ở thành phố này bị xếp hạng 9 trong danh sách ô nhiễm nhất thế giới, xếp sau Thâm Quyến (Trung Quốc).

Thành phố Sydney chìm trong khói mù.

Thành phố Sydney chìm trong khói mù.

Cháy rừng hoành hành ở New South Wales là nguyên nhân xảy ra hiện tượng này.

Theo nhà dự báo khí tượng thủy văn Ellie Blandford, hiện tượng đáng quan ngại này được gọi là nghịch nhiệt. Khi hai luồng không khí nóng và lạnh không hòa trộn được với nhau, sương khói sẽ bị giữ ở gần mặt đất, ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí mà con người hít thở. Cư dân tiểu bang New South Wales đang phải gồng mình gánh chịu sự ô nhiễm trên diện rộng này. “Nếu bạn nhạy cảm với khói mù, hãy ở yên trong nhà, tránh tập thể dục ngoài trời và sử dụng thuốc để xoa dịu tình hình”, bà nói.

Australia đang đối phó nạn cháy rừng phức tạp.

Tuy tình trạng hỏa hoạn vẫn được gắn nhãn “rất nguy hiểm”, song Cơ quan phòng cháy chữa cháy khu vực nông thôn (RFS) tại New South Wales đã hủy bỏ lệnh cấm lửa vừa ban hành trước đó không lâu. Trong khi đó, bang Victoria đã khống chế thành công 60 đám cháy, kéo mức độ nguy hiểm xuống ngang mức không quá nghiêm trọng. Báo cáo của RFS cho thấy đã có 612 ngôi nhà bị thiêu rụi sau đợt cháy rừng ở New South Wales. Đáng sợ hơn, có 503 căn nhà bị hủy hoại chỉ trong 2 tuần gần đây.

Cháy rừng đã hủy hoại nhiều tài sản có giá trị.

Đám cháy dữ dội cũng cướp đi 6 sinh mạng. Theo thống kê, 29/59 vụ hỏa hoạn vẫn chưa bị dập tắt, mới đây, chỉ có một vụ cháy trên đường Myall Creek ở phía bắc bang New South Wales được cơ quan chức năng có biện pháp chế ngự kịp thời. Trái lại, bang Victoria đã dẹp yên tình trạng hỏa hoạn báo động chỉ sau một ngày ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục và sức gió lên đến 100 km/h. Nhà chức trách cũng đã gỡ bỏ lệnh cấm các hành vi tiếp xúc hay tiêu thụ vật liệu dễ gây cháy nổ tại bang này.

Chất lượng không khí của thành phố sa sút trầm trọng.

Chính phủ đã cảnh báo “bà hỏa” năm nay lộng hành quá sớm, trong khi mùa cao điểm cháy rừng ở Australia thường được ghi nhận vào tháng 2 - 3 hàng năm. Đây là dấu hiệu nguy hiểm, dự báo khả năng xuất hiện tình trạng tồi tệ hơn vào mùa hè.

Cơ quan y tế Australia khuyến khích người dân ở yên trong nhà.

Ngày 21/11, nhiệt độ tại Melbourne đã chạm mức cao kỷ lục trong cùng kỳ 100 năm qua khi nhiệt kế chỉ đến số 40,9°C. Ở Mallee và một số thị trấn miền bắc Victoria, nhiệt độ cũng quanh quẩn ở mức hơn 40°C. May thay, tình trạng này chỉ kéo dài chừng 30 phút. Một cơn gió nam đã thổi bay cái nóng và lập tức giúp các địa điểm này giảm nhiệt hơn 10°C, tuy nhiên cũng gây nhiều hậu quả khôn lường.

Bản đồ các địa điểm cháy rừng ở Australia.

Dịch vụ khẩn cấp của bang Victoria liên tiếp nhận được hơn 1000 cuộc gọi để báo cáo tình trạng cây lớn gãy đổ vì gió mạnh. Hơn 80.000 hộ dân ở bang này phải sống chung với tình trạng mất điện, nhất là cư dân Geelong, Bendigo và Ballarat. Đội ngũ công nhân phải khẩn cấp sửa chữa 22 đường dây điện bị gió quật đứt, kèm theo 130 lỗi kỹ thuật khác trong mạng lưới điện do gió lớn càn quét.

Người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường.

Cuối tuần này, thời tiết ở khu vực được dự báo sẽ dịu hơn, Sydney xuất hiện mưa vào buổi chiều và Melbourne chỉ chạm mốc nhiệt tối đa 23°C. Chính quyền Tây Úc đang đau đầu ứng phó nạn hỏa hoạn ở phía nam tiểu bang. Tại hầu hết các khu vực phía tây bắc, tầm nhìn đã giảm xuống còn 3 km. Gió lớn càng khiến sức quan sát của con người giảm sút, khiến khả năng nhìn rõ vật chỉ gói gọn trong phạm vi 500 - 1000 m.

Thanh Vân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/chay-rung-du-doi-o-australia-khoi-mu-day-dac-bao-phu-thanh-pho-6488857.html