Cháy rừng hoành hành khắp châu Âu

* Trung Quốc tiếp tục ra cảnh báo đỏ về tình trạng nắng nóng

Theo Hệ thống Thông tin về cháy rừng của châu Âu (EFFIS), mặc dù mùa Hè ở châu lục này chưa kết thúc, nhưng năm 2022 đã phá vỡ kỷ lục về các vụ cháy rừng ở “Lục địa già” với gần 660.000 héc-ta rừng bị tàn phá kể từ tháng 1 năm nay.

Một vụ cháy rừng tại Pháp.

Một vụ cháy rừng tại Pháp.

Cụ thể, các vụ cháy rừng trong năm 2022 tại châu Âu đã khiến nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa, phá hủy nhiều ngôi nhà và thiêu trụi các khu rừng ở các nước như Áo, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Dữ liệu từ EFFIS cho thấy từ đầu năm đến nay có khoảng 659.541 héc-ta rừng tại châu Âu đã bị thiêu trụi, mức cao nhất kể từ khi hệ thống này bắt đầu thu thập dữ liệu hồi năm 2006.

Theo EFFIS, châu Âu đã phải hứng chịu hàng loạt đợt nắng nóng, cháy rừng và hạn hán chưa từng có trong lịch sử mà theo giới chuyên gia về thời tiết, là do sự biến đổi khí hậu xuất phát từ các hoạt động của con người, gây ra. Những chuyên gia này cảnh báo rằng các đợt nắng nóng thường xuyên hơn và dài hơn đang diễn ra tại châu lục trên và quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tây Ban Nha với 244.924 héc-ta rừng bị cháy, tiếp theo là Romania (150.528 héc-ta) và Bồ Đào Nha (77.292 héc-ta).

EFFIS đưa ra những con số trên dựa vào dữ liệu vệ tinh từ Dịch vụ Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh châu Âu (EU). Dữ liệu này được công bố sau khi CAMS ngày 12-8 cho biết năm 2022 là năm kỷ lục về số vụ cháy rừng ở khu vực Tây Nam châu Âu và cảnh báo rằng phần lớn khu vực Tây Âu hiện đang trong tình trạng “cháy rừng cực kỳ nguy hiểm”.

Ông Jesus San-Miguel, điều phối viên của EFFIS, cho hay “Năm 2022 là một năm kỷ lục về số vụ cháy rừng, chỉ kém năm 2017. Tình hình hạn hán và việc nhiệt độ ở mức cực cao đã ảnh hưởng đến toàn châu Âu trong năm nay và tình hình chung của khu vực là đáng lo ngại, trong khi chúng ta vẫn đang trong mùa cháy rừng”. Ông cho biết thêm kể từ năm 2010 đã có xu hướng gia tăng các vụ cháy rừng ở các khu vực Trung và Bắc Âu và những vụ cháy này xảy ra ở những quốc gia “thường không xảy ra cháy rừng trong lãnh thổ của họ”. Mùa cháy rừng ở châu Âu chủ yếu do các đám cháy ở các nước thuộc khu vực Địa Trung Hải tạo ra, ngoại trừ những năm như năm 2022.

Trong khi đó tại châu Á, Trung tâm Khí tượng quốc gia (NMC) Trung Quốc ngày 14-8 đã tiếp tục ra cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao, mức cảnh báo cao nhất trong hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp của nước này sau khi ghi nhận các đợt nắng nóng như “thiêu đốt” tại nhiều khu vực trong nước.

Theo NMC, vào ban ngày 14-8, tại các khu vực như Tân Cương, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, An Huy, Giang Tô, Thượng Hải, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu, Quảng Tây và Quảng Đông, nhiệt độ dự kiến ở mức cao từ 35 đến 39 độ C. Riêng tại Thiểm Tây, Hà Nam, An Huy, Giang Tô, Thượng Hải, Hồ Bắc, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Trùng Khánh và Tân Cương, nhiệt độ có thể sẽ vượt ngưỡng 40 độ C. Để tránh ảnh hưởng do các đợt nắng nóng, chính quyền của các địa phương trên cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp như tạm dừng các công việc ngoài trời tiếp xúc với nhiệt độ cao, chú ý đến an toàn cháy nổ, đặc biệt là quan tâm đến các nhóm người dễ bị tổn thương.

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cảnh báo trong 70 năm qua, nhiệt độ trung bình ở nước này đã tăng nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu, và vẫn sẽ “cao hơn đáng kể” trong tương lai khi những thách thức do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

VĂN KHOA (TTXVN)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/chay-rung-hoanh-hanh-khap-chau-au-a150039.html