Cháy rừng lịch sử ở Hy Lạp, hơn 50 người thiệt mạng

Có ít nhất 50 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ cháy rừng được xem là tồi tệ nhất ở Hy Lạp trong suốt hơn một thập kỷ qua, trong đó rất nhiều cư dân trong vùng bị ảnh hưởng buộc phải chạy ra biển để thoát khỏi ngọn lửa dữ đang lan rộng.

Cảnh tượng cháy rừng không khác gì ngày tận thế ở Attica, Hy Lạp. (Nguồn: Guardian).

Cuộc tháo chạy ra bờ biển

Trong hôm 24/7, trong lúc trận cháy rừng chưa có dấu hiệu ngừng lại, rất nhiều nhân chứng đã kể lại những cảnh tượng kinh hoàng khi ngọn lửa bao trùm ngôi làng ven biển của họ, nơi mà lối thoát duy nhất chính là chạy về phía bờ biển.

Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều tàu thuyền các loại trong chiến dịch cứu hộ khẩn cấp, khi lửa dữ vẫn tiếp tục lan rộng trong sáng hôm thứ Ba. Theo hãng tin Reuters, có khoảng 696 người đã được tàu thuyền cứu giúp trên các bãi biển và cả ở ngoài biển. Các đội cứu hộ còn trục vớt được nhiều thi thể người trôi nổi trên biển.

Có hơn 150 người đã bị thương trong vụ cháy rừng xảy ra ở 3 vùng chính thuộc khu vực Attica của Hy Lạp, trong đó một trong những vùng cháy dữ dội nhất và không thể kiểm soát được là gần ngôi làng nghỉ dưỡng Mati. Đây là khu vực nổi tiếng hút khách du lịch ở Hy Lạp, đặc biệt là người lớn tuổi và trẻ em, những người tới đây để tổ chức cắm trại.

Tính đến chiều 24/7, đã có khoảng 715 người được đưa đi sơ tán, chủ yếu là ở khu vực Mati, theo người phát ngôn chính phủ Hy Lạp, ông Dimitris Tzanakopoulos. Vị quan chức này cũng cho hay, đây là vụ cháy rừng tồi tệ nhất từng xảy ra ở Hy Lạp kể từ trận cháy rừng kinh hoàng hồi tháng 8/2007 ở Peloponnese, khiến hàng chục người thiệt mạng.

"Vùng Attica đã phải trải qua một ngày cực kỳ khó khăn. Sự kết hợp giữa gió mạnh và lửa lớn đã gây ra sự khó khăn chưa từng có tiền lệ cho lực lượng lính cứu hỏa" - ông Tzanakopoulos cho hay.

Khu vực Attica, có dân số khoảng 3,5 triệu người, là nơi có thủ đô Athens, cảng Piraeus và một số thị trấn vùng ngoại ô.

Trận cháy rừng nghiêm trọng đến nỗi Thủ tướng Alexis Tsipras đã phải cắt ngắn chuyến thăm cấp nhà nước của mình tới Bosnia để về nước chỉ dạo chiến dịch cứu hộ. Ông thúc giục người dân trong khu vực bị ảnh hưởng từ bỏ tài sản và tập trung vào khả năng sống sót của họ.

"Mọi người cần phải giữ bình tĩnh và tập trung bảo vệ tài sản quý giá nhất của mình, đó chính là sinh mạng" - ông Tsipras nói - "Tài sản, tất cả các loại có giá trị vật chất, đều có thể được tái tạo. Sinh mạng con người thì không thể mang trở lại được".

Không khác gì thảm họa Pompeii

Kể lại khung cảnh kinh hoàng của trận cháy rừng, bà Nana Laganou, một cư dân của Mati, cho hay bà đã thoát thân bằng cách chạy về phía bờ biển trong khi ngọn lửa lan rất nhanh chóng, thêm rằng đây là lần đầu tiên bà chứng kiến một trận cháy rừng ghê gớm đến như vậy. Bà cũng cho rằng phản ứng của chính quyền là quá chậm chạp.

"Lúc đó tôi muốn chứng kiến hành động của chính quyền, nhưng chúng tôi không thấy gì cả, và đó là điều khiến tôi phẫn nộ" - bà Laganou nói.

Một cư dân khác của Mati, ông Kostas Laganos, nói rằng ông đã trốn thoát ngọn lửa dữ bằng cách lái xe hướng về phía bờ biển.

"May mắn thay chúng tôi ở ngay gần biển, và chúng tôi chạy ngay tới đó, bởi ngọn lửa đã bao vây chúng tôi đến mức chỉ có hướng biển là lối thoát duy nhất. Lửa khiến nhiều người trong số chúng tôi bị bỏng lưng, và chúng tôi phải lặn xuống biển" - ông Laganos kể lại.

"Trận cháy rừng này khiến tôi liên tưởng tới đợt phun trào núi lửa ở Pompeii (vào năm 79 sau CN, nay là Vesuvius). Lúc đó tôi chỉ biết cầu trời và chạy thật nhanh để tự cứu lấy mình, không thể nghĩ điều gì khác. Thật kinh khủng!", ông Laganos nói thêm.

Tính đến thời điểm này, chính phủ Tây Ban Nha và Cyprus đã đề nghị hỗ trợ, trong khi Hy Lạp cũng kêu gọi các nước thành viên trong khối Liên minh châu Âu (EU) giúp đỡ họ trong việc kiềm chế ngọn lửa. Chính phủ nhiều nước, trong đó có Mỹ và Hà Lan, cũng gửi lời chia buồn tới các nạn nhân của trận cháy rừng tồi tệ này.

Phần lớn khu vực châu Âu hiện đang trải qua một đợt áp suất cao, khiến cho luồng không khí nóng nhiệt đới đổ tới khu vực Bắc Cực. Nhiệt độ trên 32 độ C đã lan rộng tới khu vực phía Bắc bán đảo Scandinavia, tạo nên đợt nóng kỷ lục ở các nước Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy.

Tình trạng thời tiết cực đoan này cũng gây ra hàng loạt trận cháy rừng ở Thụy Điển, khiến cho đất nước này phải đề nghị sự hỗ trợ từ các quốc gia khác như Italy - đất nước vốn có kinh nghiệm xử lý các trận cháy rừng.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/chay-rung-lich-su-o-hy-lap-hon-50-nguoi-thiet-mang-tintuc410907