Chạy thận nhân tạo: Hàng loạt bệnh nhân ở Hà Nam thoát chết một cách thần kỳ?

Bùi Mạnh Quốc khai vẫn dùng hóa chất Axit Flohydirc (HF) và Axit Clohydric (HCL) để vệ sinh màng lọc RO suốt từ năm 2013. Trước ngày xảy ra sự cố tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, tối 27/5/2017 bị cáo còn dùng hai hóa chất này để thao tác việc tẩy rửa tại BVĐK Phủ Lý (Hà Nam).

Sử dụng hóa chất theo… thói quen

Trả lời HĐXX tại phiên tòa xét xử vụ sự cố y khoa làm 9 người tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, chiều 15/01/2019, bị cáo Bùi Mạnh Quốc – Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh, người trực tiếp thực hiện việc bảo dưỡng hệ thống RO số 2 ngày 28/5/2017 và để tồn dư hóa chất – cho biết, hệ thống lọc nước RO và đường ống tuần hoàn cho máy lọc thận là khác nhau.

Hệ thống RO bắt đầu tính từ đường lọc cho đến cuối cùng của hệ thống đưa nước vào tank chứa RO. Hệ thống tuần hoàn cho máy lọc thận được tính từ nước RO cấp vào máy lọc thận, sau đó quay lại về tank.

“Nước dùng trong chạy thận được lấy từ tank đấy, chứ không phải lấy trực tiếp từ hệ thống RO. Nếu trong tank hụt bao nhiêu thì hệ thống RO sẽ cấp bù. Từ trước đến nay bị cáo chưa bao giờ trả lời là dùng hai hóa chất đó (HF và HCL – PV) để tiệt trùng đường ống RO. Bị cáo chỉ sử dụng hai hóa chất này để vệ sinh màng lọc”, Bùi Mạnh Quốc khai.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai tại phiên tòa chiều 15/01/2019.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai tại phiên tòa chiều 15/01/2019.

Trả lời HĐXX về công suất của 3 hệ thống RO tại BVĐK tỉnh Hòa Bình trước và sau khi nâng cấp, Bùi Mạnh Quốc cho hay, trước khi cải tạo hệ thống vào năm 2014, hệ thống RO số 1 có công suất 750 lít, hệ thống RO số 2 là 1.000 lít, và hệ thống RO mini là 250 lít.

Đến năm 2014, khi công ty cũ của bị cáo - là công ty Quốc làm nhân viên kỹ thuật trước khi tách ra thành lập Công ty Trâm Anh – thực hiện việc bảo dưỡng và nâng cấp toàn bộ hệ thống, công suất của hệ thống RO số 1 được nâng lên 1.250 lít sau khi được lắp thêm 2 màng lọc.

“Nhìn về tổng quát, hệ thống này không sai sót gì, cách lắp đặt đúng theo tiêu chuẩn. Hai hệ thống RO số 1 và số 2 lắp song song, có thể chạy độc lập với nhau. Trước ngày xảy ra sự cố, hệ thống RO số 1 được dùng để rửa quả lọc và được nối thông với hệ thống RO số 2, chỉ cần mở khóa ngăn cách hai tank là nước từ RO số 2 chảy sang RO số 1 vì có đáy thông nhau”, Bùi Mạnh Quốc cho biết.

Theo bị cáo, bắt buộc phải khóa các van mới có thể sục rửa cặn tại hệ thống RO số 2. Đáng chú ý, lời khai rợn người của bị cáo cho thấy bị cáo đã rất nhiều lần dùng hóa chất HL và HCL để vệ sinh màng lọc sau khi được sếp cũ hướng dẫn. Trước đó, bị cáo đã rất nhiều lần bảo dưỡng hệ thống RO tại bệnh viện, thông thường dùng hóa chất HCL và một loại hóa chất khác khi còn làm việc tại công ty cũ.

“Đến năm 2013, khi vệ sinh đường ống tại BVĐK tỉnh Hòa Bình nhưng không đạt yêu cầu nên Giám đốc của bị cáo yêu cầu dùng hai loại hóa chất HCL và HF” Bùi Mạnh Quốc nói. “Bị cáo dùng hai hóa chất này suốt từ năm 2013 tại nhiều nơi cho đến khi xảy ra sự cố. Tối 27/5/2017, bị cáo vệ sinh 2 hệ thống RO cho BVĐK Phủ Lý (Hà Nam - PV) mà không vấn đề gì”.

Quốc cho rằng từ trước đến nay không có quy định cụ thể nào về việc này nên chỉ thao tác theo thói quen. Điều may mắn cho các bệnh nhân chạy thận tại BVĐK Phủ Lý và hàng loạt các bệnh viện khác, nơi Quốc từng thực hiện thao tác trên, đó là liều lượng hóa chất được dùng cho từng lần là khác nhau, tùy vào lưu lượng nước thấp hay cao, hoặc nếu màng lọc đóng cặn đầy (như trường hợp của màng lọc hệ thống RO số 2 BVĐK tỉnh Hòa Bình) sẽ phải dùng lượng hóa chất nhiều hơn, thời gian sục rửa tăng lên.

Bùi Mạnh Quốc được dẫn giải đến Tòa.

Không một ai cảnh báo về hệ thống RO số 2

Cũng theo lời bị cáo Quốc, việc vệ sinh vỏ màng lọc không cần thiết phải dùng hóa chất HCL và HF, nhưng vì “cẩn thận” nên để đảm bảo cho vỏ màng sạch, bị cáo đã ngâm màng lọc vào hóa chất cho sạch cặn bẩn.

Bị cáo khẳng định không biết đến Hợp đồng 315 được ký giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Bảng báo giá của Công ty Trâm Anh gửi cho Thiên Sơn có nội dung: Thay thế vật liệu lọc, vệ sinh màng RO, tiệt trùng đường ống, thay màng… Khi được bàn giao thiết bị thay thế, không có ai giám sát bị cáo thực hiện, bị cáo cũng chưa bàn giao thiết bị nào cho bệnh viện. Điều này phù hợp với lời khai của bị cáo Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Thiên Sơn – khi ông Tuấn cho rằng Thiên Sơn chưa bàn giao hệ thống cho bệnh viện do chưa nhận được sự bàn giao từ phía Công ty Trâm Anh.

“Theo ý thức chủ quan của bị cáo, ngày 28/5/2017, bị cáo chưa thực hiện xong công việc, vì còn hạng mục lấy mẫu nước nên bị cáo nghĩ là chưa xong. Sáng ngày hôm sau, bị cáo gặp bị cáo Sơn (Trần Văn Sơn, nhân viên Phòng Vật tư – Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình – PV) và bên đơn nguyên Thận nhân tạo để lấy mẫu nước. Thực tế, bản thân bị cáo chưa lấy được mẫu nước bởi một mình bị cáo không có quyền lấy mẫu nước. Việc lấy mẫu nước bắt buộc là phải có người của Bệnh viện làm chứng”, Quốc khai.

Các bị cáo tại phiên tòa (từ trái sang): Hoàng Công Lương, Trương Quý Dương, Trần Văn Thắng, Đỗ Anh Tuấn, Trần Văn Sơn, Hoàng Đình Khiếu và Bùi Mạnh Quốc.

Quốc nói tiếp, chiều 28/5 sau khi sửa chữa xong, bị cáo có hẹn với Trần Văn Sơn sẽ quay lại lấy mẫu nước vào sáng ngày hôm sau (29/5), nhưng sáng hôm sau, khi bị cáo vào lấy mẫu nước đã thấy hệ thống RO số 2 đang chạy, sau đó thì sự cố xảy ra.

“Sự cố xảy ra cũng là do sự tắc trách của bị cáo khi đã không can ngăn, bị cáo xin nhận lỗi”, Bùi Mạnh Quốc nói.

Theo điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa), tại thời điểm 7h30 sáng 29/5/2017 đã có một vài bệnh nhân được chạy thận và tình trạng bệnh nhân vẫn đang ổn định. Không một ai cảnh báo về việc không được sử dụng hệ thống RO số 2 để chạy thận. Điều dưỡng Hằng cho biết không được chứng kiến việc lấy mẫu nước để làm xét nghiệm.

Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình, Bùi Mạnh Quốc là người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của đơn nguyên lọc máu – BVĐK tỉnh Hòa Bình (đơn nguyên Thận nhân tạo - PV).

Trong quá trình thực hiện, Quốc đã sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCL) – đây là hóa chất chưa được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép dùng cho mục đích khử khuẩn trang thiết bị y tế để sục rửa các vỏ màng lọc, không sục xả hết lượng hóa chất đã dùng, để tồn dư một lượng hóa chất Axit Flohydric (HF) vượt quá mức an toàn trong hệ thống nước; chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn AAMI theo nội dung báo giá đã thỏa thuận nhưng vẫn bỏ mặc cho đưa hệ thống lọc nước RO số 2 vào sử dụng dẫn đến gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Do đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình truy tố Bùi Mạnh Quốc về tội "Vô ý làm chết người" theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Bộ luật Hình sự năm 1999.

PV

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chay-than-nhan-tao-hang-loat-benh-nhan-o-ha-nam-thoat-chet-mot-cach-than-ky-post287953.info