Chạy theo... quốc tế!

Bên hàng rào Trường Quốc tế Gateway ngày 9-8, nhiều phụ huynh tụ lại đốt nến, dành vài phút mặc niệm, cầu cho linh hồn bé L.H.L siêu thoát.

Hôm 6-8, trên đường đến trường, cậu học trò bé bỏng L.H.L bị bỏ quên gần cả ngày trên xe đưa đón và ra đi mãi mãi.

Cái chết ấy gây nhiều đớn đau cho các bên, cùng với đó là sự phẫn nộ của xã hội, song chưa hẳn vì chuyện này mà làm tan nát một địa chỉ giáo dục.

Dẫu vậy, Gateway chẳng thể nào chối bỏ một sự thật, đó là cái mác thật kêu của trường không tương xứng với chất lượng giáo dục, năng lực phục vụ và thái độ ứng xử ở tầm "quốc tế".

Nói cách khác, "chiếc áo quốc tế" còn rộng với Gateway, bởi cơ sở giáo dục này chưa đủ lớn để ướm vừa tầm đó; hoặc nó thật sự còi cọc, chẳng biết khi nào vừa vặn với cái vỏ bọc này.

Nhưng rồi sẽ bình thường như cũ. "Cái gì có lý, cái đó tồn tại". Cái lý để tồn tại của Gateway và hàng loạt địa chỉ "quốc tế" khác chính là nhu cầu của xã hội. Quốc nội có quá nhiều rồi, người ta cần quốc tế, tất nhiên không phải ai cũng vậy.

Những thứ người ta cần ở "quốc tế" đó là đẳng cấp vượt trội, được phục vụ hết sức tận tình, được tôn trọng tột bậc và tựu trung là chất lượng phải tột đỉnh. Nhu cầu này là có thật và chính đáng, nhất là khi xã hội ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Vì muốn như thế nên tiền tốn cỡ nào phụ huynh cũng chi cho con em mình được vào học trường quốc tế. Người giàu có bệnh thì nhất định ghé phòng khám đa khoa quốc tế. Con em nhà khá giả học tiếng nước ngoài thì phải trung tâm Anh ngữ quốc tế mới chịu... Đổi lại, những địa chỉ "quốc tế" phải "chi trả" bằng dịch vụ chất lượng. Chính chất lượng đáng "đồng tiền bát gạo" mới bảo chứng được cho uy tín của trường quốc tế, phòng khám quốc tế...

Những điều kể trên, về cơ bản, vận hành theo quy luật thị trường, có cầu ắt có cung, chẳng có gì phải chê trách.

Nhưng vấn đề đáng nói là, cũng từ đây đã nảy sinh sự biến tướng và tình trạng trá hình. Lợi dụng tâm lý sính ngoại, nơi này chỗ kia đua nhau lập trường, mở phòng khám và tha hồ gắn mác quốc tế. Hẳn nhiên là họ có liên kết với tổ chức hoặc đối tác nước ngoài để nhập khẩu giáo trình, trao đổi trang thiết bị hay nhân lực, chuyển giao công nghệ...; nhưng ai kiểm định tiêu chuẩn quốc tế và làm thế nào chứng minh kết quả kiểm định ấy là khả tín? Những câu hỏi này còn bỏ ngỏ.

Thêm cái này nữa mới giật mình: Theo luật định, trong hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta hiện nay, không có khái niệm hay tên gọi nào là "trường quốc tế" cả! Luật Giáo dục (2019), Nghị định 86/2018/NĐ-CP và Thông tư 12/2011 quy định đặt tên cơ sở giáo dục, cấp học... không hề nói tới "trường quốc tế" mà chỉ đề cập đến "cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài".

Tuy nhiên, trên thực tế, như chúng ta đã thấy, đâu đâu cũng... quốc tế! Rõ là gắn mác để "câu" học sinh, "câu" cả phụ huynh, cốt để ấn định học phí cao, thu tiền cho lắm. Nhiều nơi đánh trúng tâm lý vọng ngoại, thói háo danh của không ít người để "treo đầu dê, bán thịt chó".

Bản chất là như vậy thôi. Chạy theo hình thức thì đừng đòi hỏi chân giá trị.

A.Q

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/chay-theo-quoc-te-20190809221548507.htm