Doanh nghiệp vượt khó, tái cấu trúc để thích nghi

Đợt dịch thứ 4 bùng phát đã khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục rơi vào khó khăn, đuối sức. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đã coi đó là cơ hội để tái cấu trúc mạnh mẽ.

Theo Tổng Cục thống kê, trong 7 tháng qua đã có tới gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, việc chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid -19 kéo dài suốt 2 năm vừa qua đã khiến nhiều doanh nghiệp đang “đuối sức”, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, dịch bệnh lần thứ 4 khiến các doanh nghiệp lao đao về tài chính do không thu được tiền bán hàng, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Nhiều đơn hàng bị hủy, quy mô sản xuất giảm trong khi tích lũy vốn của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế…

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp thích nghi bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các thị trường nghách, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này.

Nhiều doanh nghiệp nhanh chóng xoay chuyển tình thế bằng việc thích nghi với Covid-19

“Dịch bệnh Covid 19 đã làm thay đổi thói quen nhu cầu của các bạn hàng và khách hàng. Các doanh nghiệp đã xác định và nhận thức được phải chuyển đổi, từ việc tương tác khách hàng với bạn hàng trực tiếp sang hình thức trực tuyến, bán hàng online trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, lách vào những thị trường nhỏ nhưng đầu ra tương đối đảm bảo, đây cũng là một động lực từ hoạt động kinh doanh giúp doanh nghiệp tiếp tục tồn tại”, ông Tô Hoài Nam cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhìn lại hơn 1 năm cho thấy, sự chuyển dịch của doanh nghiệp rất nhanh, bắt đầu từ chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh. Cụ thể, như trước đây, dù chưa từng hoạt động trong lĩnh vực y tế, sản xuất khẩu trang, bảo hộ, dung dịch sát trùng, sát khuẩn… nhưng nhiều doanh nghiệp nhanh chóng xoay chuyển tình thế, không chỉ cung ứng đủ hàng hóa phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp thích nghi bằng việc phát triển các thị trường nghách

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng ở hàng loạt doanh nghiệp. Rõ ràng, Việt Nam có cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0 khi nhiều doanh nghiệp chuyển sang phương thức tiếp cận thị trường bằng công nghệ, giới thiệu, kinh doanh hàng hóa thông qua nền tảng số, không dừng lại ở tiêu thụ trong nước, mà vươn ra bắt tay, kết nối với bạn hàng nước ngoài để duy trì xuất khẩu.

“Bản thân các doanh nghiệp phải nhìn nhận được trong thách thức có những cơ hội, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì các doanh nghiệp phải tìm cách chuyển đổi công nghệ sản xuất, quy trình công nghệ, hướng đầu tư của mình để thế chân vào được những khâu thiếu hụt của chuỗi cung ứng trên thế giới. Từ đó, cũng để chúng ta sẽ không quá lệ thuộc vào chuỗi cung ứng đó. Với thị trường trăm triệu dân trong nước là rất lớn, đây chính là ở điều kiện để cho doanh nghiệp Việt Nam giữ vững chân thị trường trong nước, cùng với đó nâng cao trình độ để chúng ta sẵn sàng tạo ra sản phẩm đáp ứng được với thị trường thế giới”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh./.

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-vuot-kho-tai-cau-truc-de-thich-nghi-886528.vov