Chế độ thai sản khi chỉ tham gia BHXH 6 tháng

Tôi tham gia BHXH từ ngày 01/12/2022 đến 30/6/2023 thì dừng lại. Hiện tôi đang mang bầu, dự sinh 25/11/2023. Như vậy tôi có được hưởng chế độ thai sản không?

Tôi tham gia BHXH từ ngày 01/12/2022 đến 30/6/2023 thì dừng lại. Hiện tôi đang mang bầu, dự sinh 25/11/2023. Như vậy tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Trường hợp không được, chồng tôi đang công tác trong quân đội, tôi có thể hưởng chế độ theo bảo hiểm của chồng không?

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Khoản 1, 2, điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 hướng dẫn chi tiết về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

“Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.”

Như vậy, điều kiện để được hưởng chế độ thai sản là tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, nếu thời gian đóng từ đủ 6 tháng trở lên thì bạn có thể được hưởng chế độ thai sản

Mức hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau: Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội”.

Về chế độ thai sản của chồng bạn tham khảo Khoản 2, Điều 34, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu rõ thời gian hưởng chế độ thai sản của nam như sau:

- Được nghỉ 05 ngày làm việc với sinh thường 1 con;

- Được nghỉ 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi;

- Được nghỉ 10 ngày làm việc với trường hợp sinh đôi, từ sinh ba thì thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc, tối đa không quá 14 ngày làm việc

- Được nghỉ 14 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.

Lưu ý: Số ngày nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của chồng được tính trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con. Nếu nghỉ trước thời gian vợ sinh con thì ngày nghỉ được tính là nghỉ phép không hưởng lương.

Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/che-do-thai-san-khi-chi-tham-gia-bhxh-6-thang-2144258.html