Chè 'Nguyệt thảo mai' ăn trong phim 20 năm trước bất ngờ nổi tiếng

Xuất hiện trong phim 'Phía trước là bầu trời' chiếu năm 2001, quán chè Cô Huê (Hà Nội) được nhiều người trẻ tìm đến khi các trích đoạn đang được chia sẻ lại trên mạng.

Nhân vật Nguyệt từng đến quán chè Cô Huê trong phim "Phía trước là bầu trời".

“Đậu xe ở góc kia nhé em ơi”, “Chào đại gia đình, cả nhà ngồi chỗ này nhé”, “Cốc này lấy nhiều nước cốt dừa hả chị”, “Anh lấy đơn ship 10 cốc đúng không”, vừa nhanh tay múc chè vào từng cốc, anh Minh Điệp (sinh năm 1987) vừa sắp xếp chỗ cho khách hay theo dõi đơn đặt mua online.

Anh hiện là chủ quán chè Cô Huê nằm trong chợ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) - hàng chè từng xuất hiện trong bộ phim “Phía trước là bầu trời”, phát sóng năm 2001.

Trong một phân đoạn, nhân vật "Nguyệt thảo mai" - biệt danh gắn với tính cách thảo mai, chanh chua - trốn người yêu ở lại chợ ăn chè một mình. Chủ hàng chè xuất hiện trong cảnh phim và tương tác với Nguyệt là cô Huê, cô của anh Điệp.

Từ cuối tháng 3, nhiều trích đoạn phim bỗng được nhiều trang mạng chia sẻ lại, kéo theo sự tò mò của khán giả trẻ. Không ít người thực sự tìm đến check-in, thử ăn cốc chè như diễn viên trong phim.

Quán chè Cô Huê năm 2001 khi xuất hiện trong phim (trái) và hiện tại.

Đông khách nhờ bộ phim chiếu 20 năm trước

Nép mình trong một góc chợ Thành Công, quán vỏn vẹn gồm hai chiếc bàn nhỏ, bày đủ loại chè như đỗ đen, đỗ xanh, ngô, khoai, sen… và nồi bánh trôi tàu, đủ chỗ ngồi cho khoảng 10 người. Không gian, cách bày trí gần như không khác gì khi lên phim hơn 20 năm trước.

Nhà ở quận Long Biên, nhân có việc sang gần quận Ba Đình, Minh Ánh và Minh Tuấn (đều học lớp 12) tranh thủ ghé quán. Tuấn là người đề xuất sau khi xem được một số clip review trên mạng và trích đoạn phim. Trong khi nam sinh gọi một cốc chè bưởi, Ánh quyết định thử chè thập cẩm.

“Bọn mình đều thích ăn các loại chè có nguyên liệu truyền thống như thế này. Cảm nhận đầu tiên là chè không quá ngọt, đỗ thơm, bùi khá vừa miệng đúng kiểu ngày xưa”, Ánh nhận xét. Tuấn cũng dành lời khen cho cốc chè bưởi nhiều cùi, giòn dai sần sật.

Tuấn và Ánh nhận xét chè không quá ngọt, dễ ăn.

Đều là những người trẻ thuộc thế hệ Z, Tuấn và Ánh khá thích thú khi được trải nghiệm không gian, hương vị giống như những gì thường nghe cha mẹ kể về thời sinh viên.

Cũng là lần đầu tới quán và biết nhờ mạng xã hội, Hải Ngọc (sinh năm 2002, quận Đống Đa) và người bạn tò mò về cốc chè nhân vật Nguyệt từng ăn.

“Bọn mình từng xem một số trích đoạn phim ‘Phía trước là bầu trời’. Giờ muốn tìm được một quán bán các loại chè nấu theo kiểu truyền thống này cũng không phải dễ”, Ngọc nói, thích thú khi thấy chiếc cốc thủy tinh, bộ bàn ghế đúng phong cách thời "ông bà anh".

Anh Điệp cho biết đây không phải là lần đầu tiên quán nhận được sự quan tâm trên mạng. Năm 2018, khi một số cảnh phim được chia sẻ trở lại, nhiều khách cũng tìm tới.

“Lần này, lượng khách ghé nhiều hơn hẳn. Trước đây, trung bình mỗi ngày tôi bán khoảng 100 cốc, giờ lên 150, 200 thậm chí 300 cốc vào cuối tuần. Có lúc khách đông quá, tôi phải xin nhờ chỗ ngồi của hàng bên cạnh”.

"Khách chủ yếu các bạn trẻ, rất dễ thương và nói muốn ngồi đúng vị trí của 'chị Nguyệt'", anh hài hước nói thêm.

Trung thành với chè truyền thống

Chè Cô Huê có tuổi đời hơn 30 năm, từng là kế sinh nhai của cô Đỗ Thị Huê (63 tuổi). Cuối những năm 80, đầu 90, cô Huê gánh chè tới bán ở góc chợ tạm phía trước chợ Thành Công hiện giờ. Sau khi chợ được xây dựng, năm 1994, cô mới chuyển vào trong bán. Đến năm 2014, cô để lại quán cho anh Điệp tiếp quản.

Đến giờ, lần xuất hiện trên phim vẫn là một kỷ niệm vui và đáng nhớ với cả gia đình.

“Hôm đó, đoàn phim đến quay ở chợ, tưởng chỉ mượn bối cảnh thôi nhưng không ngờ cô Huê được mời xuất hiện trong phân cảnh cùng nhân vật Nguyệt đó. Về sau khi phim chiếu, cô và mọi người ở chợ đều bất ngờ, cũng không nghĩ phim lại nổi tiếng như vậy. Dù cảnh phim nhỏ nhưng mãi là ký ức của mọi người”.

Anh Điệp tiếp quản hàng chè gần 10 năm nay.

Hiện, quán mở từ khoảng 8h30 đến 18h, 19h hàng ngày. Hôm nào đông khách, hết sớm mà còn nguyên liệu, anh Điệp sẽ nấu gối luôn ngay tại chợ. Giá các loại chè, bánh trôi tàu dao động từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng. So với trước, chè được nấu ít ngọt hơn để hợp khẩu vị khách thích ăn thanh mát.

“Nhìn mấy bát chè đơn giản thế này nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, cứ nấu mỗi thứ một tí cũng mất không ít công sức. Hồi đầu tôi thấy cũng vất vả, nhưng có lúc được khách quen khen ngon, vị y như cô tôi nấu khiến tôi cũng vui lắm”.

Với anh Điệp, có được những vị khách gắn bó lâu năm là điều đáng quý và tự hào. Có những vị khách ăn từ hồi nhỏ đến khi trưởng thành, đi làm, chuyển nhà đi nơi khác lâu lâu vẫn quay lại tìm hương vị xưa. Có cả những cặp đôi đến ăn cùng nhau từ thời còn hẹn hò, tới khi kết hôn, sinh con vẫn ghé lại.

Với sự phát triển đa dạng của thứ quà vặt hiện đại, chủ hàng chè từng được một số người gợi ý bán thêm các loại chè hiện đại để hút khách. Tuy nhiên, anh từ chối, giải thích rằng muốn giữ phong cách, hương vị xưa như hồi mới mở. Có chăng là mở bán thêm ở các nền tảng thương mại điện tử dành cho những khách ở xa, ngại di chuyển, hoặc muốn ăn trong giờ hành chính.

“Tôi nghĩ sự truyền thống cũng chính là điều thu hút khách ghé quán này, không cần thay đổi làm gì”, anh chia sẻ.

Quán chủ yếu bán các loại chè truyền thống như đỗ đen, ngô, khoai...

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/che-nguyet-thao-mai-an-trong-phim-20-nam-truoc-bat-ngo-noi-tieng-post1425923.html