Chế phẩm vi sinh kích thích cây trồng của nhà khoa học Việt

Chế phẩm sinh học từ vi sinh vật giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản, có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại.

Dưa lưới sử dụng chế phẩm.

Chế phẩm vi sinh hỗn hợp được nghiên cứu dựa trên các yếu tố hỗ trợ sinh trưởng tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng là sản phẩm của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM.

Cố định đạm, phân hủy chất hữu cơ

ThS Phạm Quỳnh Anh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM cho biết, thâm canh, chạy theo năng suất và sản lượng khiến đất đai không có thời gian hồi sinh, dịch hại phát triển.

Trong khi đó, vai trò của chế phẩm sinh học có chứa vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp có các ưu điểm như không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng; không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, gây hại đến kết cấu, làm chai, thoái hóa đất.

Chế phẩm sinh học từ vi sinh vật giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản, có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại. Vi sinh vật làm tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng mà không ảnh hưởng đến môi trường như các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học khác.

Vi sinh vật trong chế phẩm có khả năng phân hủy, chuyển hóa các chất hữu cơ bền vững, các phế thải sinh học, phế thải nông nghiệp, công nghiệp, góp phần làm sạch môi trường.

Nhóm tác giả đã sản xuất và thử nghiệm chế phẩm vi sinh hỗn hợp có khả năng cố định đạm, phân hủy chất hữu cơ và hòa tan lân trong đất trên cây ớt, cam, đinh lăng và giảo cổ lam.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, chế phẩm có nhiều hoạt tính sinh học, ổn định, giữ hoạt tính cao, tồn tại lâu trong điều kiện ủ, trồng trọt cao hơn so với các nhóm vi sinh vật khác. Chế phẩm được đánh giá là có hiệu quả sinh học trên cây trồng cao, là một trong những phương pháp tăng hiệu quả trồng trọt.

ThS Phạm Quỳnh Anh cho biết, chế phẩm vi sinh hỗn hợp được nghiên cứu dựa trên các yếu tố hỗ trợ sinh trưởng cây trồng. Trong đó, khả năng sinh tổng hợp auxin cho cây trồng được khảo sát bổ sung để lựa chọn dòng vi sinh vật có hiệu quả kích thích tăng trưởng cây trồng.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng và hoàn thiện được 3 quy trình sản xuất chế phẩm là quy trình kỹ thuật công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật cố định đạm (vi khuẩn Azotobacter sp.), quy trình kỹ thuật công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật phân giải cellulose (vi khuẩn Bacillus subtillis), chế phẩm phân giải lân.

Đánh giá hiệu quả của chế phẩm trên cà chua, dưa lưới và rau cải bẹ xanh cho thấy năng suất của dưa lưới, cà chua và cải bẹ xanh có bón chế phẩm cao hơn khi không bón chế phẩm. Lượng chế phẩm thích hợp là 10g chế phẩm/m2.

Liều lượng sử dụng chế phẩm vi sinh hỗn hợp trên cây ớt, cam, đinh lăng, giảo cổ lam là 1,25 g/cây. Ngoài khả năng tăng năng suất trồng trọt, tỷ lệ cây bệnh giảm từ 10% còn dưới 6% so với nghiệm thức không sử dụng chế phẩm.

Năng suất cà chua cao gấp 3 lần

Theo ThS Phạm Quỳnh Anh, nấm Trichoderma được chú ý vì khả năng phân giải cellulose, đây là hoạt tính đặc trưng của giống nấm này. Đồng thời với khả năng xâm lấn mạnh, nấm Trichoderma có thể bổ sung những hạn chế mà chế phẩm vi sinh hỗn hợp gặp phải. Chế phẩm Trichoderma được sản xuất ở trung tâm dựa trên 3 chủng nấm Trichoderma. Mật độ bào tử trong chế phẩm lớn hơn 106 bào tử/g.

Sử dụng trong trồng rau (cải ngọt), thấy rằng năng suất lý thuyết đạt 4,54 kg/m2, năng suất thực thu đạt 4,08 kg/m2 cao hơn công thức đối chứng (sử dụng chế phẩm thương mại) với năng suất lý thuyết đạt 4,34 kg/m2, năng suất thực thu đạt 3,87 kg/m2.

Sử dụng trong trồng cà chua cho thấy hiệu quả tăng năng suất, khi năng suất cá thể đạt từ 2,6 kg/cây, cao gấp 3 lần so với cây cà chua không được bón chế phẩm. Tỷ lệ cây bệnh thấp và dưới 5%. Quả cà chua sau thu hoạch có kích thước trung bình 3cm lớn hơn với quả không được bón chế phẩm trong quá trình trồng.

Sử dụng chế phẩm giúp tăng hiệu quả sử dụng phân bón, chất dinh dưỡng trong giá thể. Cây phát triển mạnh khỏe hơn cây trồng không sử dụng chế phẩm.

Độ đa dạng trong chế phẩm EM khá cao, nên có thể sử dụng trên nhiều mục đích. Nghiên cứu này của nhóm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, sử dụng hiệu quả và giảm lượng phân bón sử dụng; Tạo ra sản phẩm ứng dụng trong nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông lâm ngư nghiệp xanh, sạch và bền vững.

Chế phẩm hỗn hợp góp phần cải thiện môi trường đất, tăng độ màu mỡ phì nhiêu của đất, hạn chế sử dụng phân bón hóa học.

Nhật Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/che-pham-vi-sinh-kich-thich-cay-trong-cua-nha-khoa-hoc-viet-post637322.html