Chê sách queer có phải là kỳ thị

Trong buổi thảo luận 'Queer Writing/Writing Queer' tại Viện Goethe tối 14/5, các diễn giả đã bàn luận về cách đánh giá tính văn chương trong các tác phẩm LGBT một cách bình đẳng.

Hình ảnh trong phim chuyển thể Call me by your name của đạo diễn Luca Guadagnino. Ảnh: Frenesy Film Company.

Văn học queer (từ chỉ người thuộc cộng đồng LGBTQ+) phát triển vượt bậc thời gian gần đây. Trong văn hóa đại chúng, ngày càng thấy nhiều tác phẩm có chủ đề về người queer. Các giải thưởng lớn cũng ghi nhận những đóng góp mang tính queer như trường hợp tác phẩm Shuggie Bain đoạt giải Man Booker, Gọi em bằng tên anh được chuyển thể thành phim và được đề cử Oscar…

Có vẻ như cộng đồng này đang nhận được sự ghi nhận từ giới phê bình. Nhưng đồng thời, không ít người cho rằng các yếu tố queer đang bị lạm dụng, rằng các tác giả, người làm sáng tác chỉ cho yếu tố queer vào tác phẩm theo xu hướng, lợi dụng sự ủng hộ dành cho cộng đồng LGBTQ+.

Tại buổi tọa đàm "Queer Writing/Writing Queer" diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội tối 15/5, các diễn giả và độc giả đã cùng thảo luận về sự phát triển của dòng văn học queer tại Việt Nam.

Những cuốn sách đem lại hy vọng

Theo nhà văn Joshua Jones, văn học queer tôn vinh sự khác lạ, tôn vinh những bản thể dị biệt của con người và đồng thời tôn vinh sự đoàn kết trong cộng đồng. Sự phát triển của văn học queer cũng cho thấy sự công nhận của xã hội dành cho người queer.

Văn học queer không chỉ giúp kết nối những người queer lại với nhau, mà còn giúp cho những người ngoài cộng đồng này hiểu được trải nghiệm của họ, thấu hiểu và nhận biết sự hiện diện của họ.

Tại buổi giao lưu, ông Khải Q Nguyễn chia sẻ về trải nghiệm đọc tác phẩm En finir avec Eddy Bellegueule của nhà văn Pháp Édouard Louis. En finir avec Eddy Bellegueule là tác phẩm tự truyện của một người sinh ra và lớn lên trong vùng nông thôn nước Pháp, bị bạo hành bởi bạn học, người trong làng và chính gia đình mình. Đến khi nhân vật chính bỏ làng quê, lên Paris học tiến sĩ, người này đã quyết định đổi tên từ Eddy Bellegueule thành Édouard Louis.

Đồng cảm với nhân vật, ông Khải nhận ra mình không đơn độc. Dõi theo nhân vật trong sách, trải qua những khó khăn tương tự mình mà vẫn vươn lên sống một cuộc sống tốt được, ông Khải cảm thấy được truyền cảm hứng.

Ông cho rằng khi dòng văn chương này trở nên phổ biến, được nhiều người đọc hơn, xã hội sẽ đồng cảm hơn với người queer, hiểu được trải nghiệm của họ và nhận thức rõ về những thái độ kỳ thị họ phải đối mặt.

Ông Khải Q Nguyễn nói: “Trước kia, khi tôi lớn lên ở vùng nông thôn, tôi cảm giác như mình là người queer duy nhất trong thế giới của mình. Không có hình mẫu nào cho tôi nhìn vào. Điều ấy khiến tôi thấy cô đơn và sợ hãi. Sau này, khi được tiếp xúc với những tác phẩm văn học queer, tôi mới nhận ra tình yêu như vậy có thể tồn tại”.

Ấn bản Việt của Call me by your name - Gọi em bằng tên anh. Ảnh: NXB Trẻ.

Dòng văn học queer đã có bước phát triển dài. Thời kỳ đầu, các tác phẩm viết về nhân vật queer thường mang cái kết không có hậu. Tác giả Maik Cây nhận định rằng những cái kết này như kiểu một tư tưởng răn đe, trừng phạt những người queer vì bản chất của họ. Hay ngay cả khi người queer viết về trải nghiệm của mình, họ cũng không lạc quan.

Nhưng rồi, theo dòng phát triển của xã hội, những tác phẩm queer cũng có những cái kết tươi sáng hơn, bớt bi quan hơn. Có những tác phẩm tôn vinh trải nghiệm queer, tiếp thêm niềm tin và hy vọng cho nhóm cộng đồng thiểu số này như Gọi em bằng tên anh, Nhật ký bí mật của Simon, Trao em Mặt Trời

Ông Khải chia sẻ ấn tượng lần đầu đọc tác phẩm Gọi em bằng tên anh của André Aciman, ông cảm thấy có hy vọng về một tương lai nơi những người queer có thể có được tình yêu đẹp như vậy, được mọi người xung quanh chấp nhận.

Bà Nguyễn Quyên cũng cho rằng những tác phẩm như Gọi em bằng tên anh khiến bà, một người dị tính, hiểu hơn về trải nghiệm của người queer, cảm nhận được những sự rộn ràng, náo nức trong tình yêu của nhân vật.

Vượt qua định kiến khi tiếp cận văn học queer

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Quyên cho rằng với tư cách là một người phê bình văn học, cái bà quan tâm khi tiếp cận một tác phẩm là tính văn chương, là giá trị tác phẩm, dù vậy, bà cảm thấy có chút trở ngại khi phê bình một tác phẩm thuộc văn học queer.

Bà Nguyễn Quyên cho rằng cộng đồng queer là một cộng đồng bị lề hóa, dẫn đến việc bàn đến chất lượng các tác phẩm văn chương của cộng đồng này cũng thành chủ đề nhạy cảm. Bà nói: “Chỉ cần phê phán một tác phẩm văn chương thuộc về dòng này, ngay lập tức, người phê phán bị dán nhãn là kẻ kỳ thị”.

Buổi tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại Viện Goethe Hà Nội và phát trực tuyến qua Zoom.

Bà cho biết bà không thích tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, cho đây là một tác phẩm sến và nhiều kiểu mẫu rập khuôn. Khi bà bày tỏ quan điểm này, nhiều người cảm thấy bị xúc phạm, cho rằng bà là người kỳ thị đồng tính.

Đáp lại những băn khoăn của bà Nguyễn Quyên, tác giả Maik Cây cho rằng đúng là ta cần đánh giá các tác phẩm dựa trên tính văn chương, tính nghệ thuật trước. Nhưng đồng thời, khi cân nhắc đến những nhóm yếu thế, với ít cơ hội được lên tiếng hơn, bản thân người phê bình, những người đã được đào tạo để trở thành chuyên gia phê bình cũng cần đặt câu hỏi ngược lại về hệ thống đã đào tạo mình, để xem mình bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng nào và chúng ta có chắc là chúng ta thoát được ra khỏi những giá trị tư tưởng của phương Tây, của người da trắng, của chế độ phụ hệ...

Maik Cây lập luận: “Đó là những hệ giá trị đã phát triển hàng nghìn năm và chúng ta được thừa hưởng cái ấy. Ta bước vào nhà hát lớn, không hiểu được nhạc cổ điển hay opera nhưng chưa gì ta đã dành sự tôn trọng cho nó”.

Cây viết này cho rằng khi đánh giá văn chương và nghệ thuật, người phê bình cần mở cửa cho các khả thể khác, liên tục có sự phản tư về thế nào là chất lượng, thế nào là văn chương.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/che-sach-queer-co-phai-la-ky-thi-post1431358.html