Chè Shan tuyết Phổng Lái-đặc sản núi rừng ướp mây phủ quanh năm

Ở vùng cao Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) có khí hậu lạnh, mây phủ quanh năm vào các buổi sáng tinh khôi. Chính khí hậu đó đã tạo nên hương thơm đặc trưng cho giống chè Shan tuyết và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân trồng chè.

Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu” được chế biến từ những cây chè xanh mướt, trải dài dưới chân đèo Pha Đin thuộc huyện Thuận Châu. Các đồi chè nằm trên độ cao 800m so với mặt nước biển. Vùng đất nơi đây, được thiên nhiên ưu đãi với thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ quanh năm rất phù hợp cho phát triển cây chè Shan tuyết, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế.

Những nương rẫy bạc màu ở xã Phổng Lái đang được người nông dân chuyển dần sang trồng chè shan tuyết.

Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, ông Đào Tài Tuệ, cho biết: Cây chè là một trong những cây công nghiệp chủ lực của huyện Thuận Châu, được trồng từ những năm 1959 với giống chè Shan tuyết, chủ yếu ở khu vực xã Phổng Lái. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến nghiêm ngặt mà chè có nhiều điểm khác biệt so với chè ở các địa phương khác, như: Nước có màu xanh tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng, vị đậm chất dịu và ngọt, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, diện tích cây chè đã được mở rộng ra trồng ở nhiều xã, trong đó tập trung là ở 4 xã Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É, Phổng Lập với diện tích trên 1.000 ha.

Cây chè đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con dân tộc Thái ở Phổng Lái.

Từ những dọt chè non xanh tươi mơn mởn, chè được chế biến không qua giai đoạn lên men nhằm đảm bảo trọn vẹn hương vị thiên nhiên trong những ngụm chè. Để chè có chất lượng tốt, bà con dân tộc Thái ở xã Phổng Lái thường thu hái chè vào những buổi sáng sớm, lúc này những búp chè còn đọng nguyên hạt sương đêm tinh khiết của đất trời tạo nên hương vị chè đậm đà, đặc trưng.

Chia sẻ với PV, chị Hoàng Thị Ngọc xã Phổng Lái, cho hay: Gia đình tôi thuộc diện di dân tái định cư từ huyện Quỳnh Nhai về đây. Lúc đó bắt đầu trồng chè trên 1ha đất nương nhà nước cấp. Khi chè vào vụ thu hoạch, thương lái vào tận nương gia đình thu mua với giá cao. Nhờ đó, mà cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá lên, mỗi năm thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ trồng chè.

Xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu có khí hậu mát mẻ rất thích hợp cho cây chè shan tuyết phát triển.

Dù cuộc sống có nhiều thay đổi và nhiều đồ uống khác đã xuất hiện trên thị trường tiêu dùng nhưng uống chè vẫn là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Việc duy trì thói quen uống chè mỗi ngày cũng giúp người uống nâng cao sức đề khácg của cơ thể và phòng chống bệnh tật.

Ông Đào Tài Tuệ cho hay: Do thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, nên trong nhiều năm qua huyện đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng, chế biến trong sản xuất, nên sản phẩm chè trồng tại huyện Thuận Châu được rất nhiều người tiêu dùng và thị trường đón nhận.

Hiện tại, huyện đã cung cấp chè ra thị trường trên 6.000 tấn/năm, trong đó đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Pháp... Trong 10 tháng năm 2018, sản phẩm chè Phổng Lái đã xuất sang thị trường Đài Loan gần 1.000 tấn. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm chè đến nhiều thị trường khác, để giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất và làm giàu tại địa phương.

Hà Hoàng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dia-chi-xanh/che-shan-tuyet-phong-lai-dac-san-nui-rung-uop-may-phu-quanh-nam-928628.html