CHẾ TÀI ĐÃ MẠNH, CẦN SỰ NGHIÊM MINH

Tròn một tuần nữa (từ ngày 1-1-2020), Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Sự kỳ vọng của xã hội khi luật này ra đời là rất lớn với mong muốn làm thay đổi nhận thức và hành động của mọi người trong việc sử dụng rượu, bia.

Trong số nhiều nội dung được luật đề cập, một hành vi bị nghiêm cấm được dư luận đặc biệt quan tâm, là nếu như trước đây, người lái xe chỉ bị xử phạt khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt ngưỡng cho phép thì bây giờ việc đó được cấm hẳn. Phải rất khó khăn, chế tài cực mạnh này mới được đưa vào luật. Đây là nội dung từng có rất nhiều tranh luận. Tuy nhiên, như phát biểu tâm huyết của nhiều chuyên gia xây dựng luật: Tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta quá lớn, đang thực sự là gánh nặng với nền kinh tế qua những con số nhức nhối, là trăn trở của xã hội.

Ảnh minh họa: TTXVN

Tác hại của rượu, bia đã rõ với hàng loạt phân tích, thống kê từ các cơ quan có trách nhiệm, đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và nhiều vấn đề xã hội. Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc bảo đảm an toàn giao thông, giảm TNGT. Trung bình mỗi ngày ở nước ta có khoảng 20 người chết, 50 người bị thương do TNGT gây ra.

Từ ngàn đời nay, uống rượu được coi là một nét văn hóa trong đời sống người Việt. Tuy nhiên, sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông thì lại là một bước lùi văn hóa, thậm chí đó là hành vi phản văn hóa. Hành vi bị cấm này cũng phổ biến trên thế giới, nhiều quốc gia đưa ra hình phạt rất nặng đối với người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia.

Đặc biệt, luật lần này nhấn mạnh đến những hành vi bị nghiêm cấm khác, đó là “xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”. Lâu nay chuyện ép rượu diễn ra khá phổ biến, cần thiết phải chấn chỉnh nghiêm túc bởi nó không chỉ lạc hậu mà còn gián tiếp gây hậu họa cho người khác. Luật cũng có chế tài nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức, viên chức... với việc cấm uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Điều này nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Bởi càng là cán bộ, đảng viên càng phải gương mẫu trong mọi lời nói, việc làm.

Để luật đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất là mọi người dân cần thay đổi nhận thức và hành vi của mình. Nếu một thói quen không tốt thì không có lý do gì để không thay đổi. Luật ra đời có tác động đến toàn xã hội. Vì thế, từ những người cao tuổi, người có uy tín, các bậc cha mẹ phải làm gương cho con cái; tuyên truyền, giáo dục con em mình dứt khoát không sử dụng rượu, bia khi lái xe. Hạn chế đến mức thấp nhất uống rượu, bia cũng chính là để bảo vệ sức khỏe của mình, bảo vệ hạnh phúc gia đình và xây dựng xã hội ngày càng văn minh.

Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, cơ quan thực thi luật pháp cần duy trì nghiêm chế tài xử lý, xử phạt tình trạng vi phạm pháp luật. Quá trình thực thi luật đòi hỏi sự nghiêm minh, công bằng và chuẩn mực. Rất cần thiết tổ chức phát động những phong trào nói không với rượu, bia khi lái xe, hạn chế uống rượu, bia trong lễ, tết, hội hè. Hy vọng, một đạo luật thiết thực sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

NGUYỄN TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/che-tai-da-manh-can-su-nghiem-minh-606056