Chế tài xử phạt vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải nghiêm và có tính răn đe

Ngày 30/10, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề. Đa số các đại biểu nhận định, việc thực hiện đã có những điểm mới như lông ghép các ban chỉ đạo tại các địa phương triển khai thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường triển khai kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính để răn đe và xử lí nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Qua hơn 1 năm Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đa số các đại biểu nhận định, việc thực hiện đã có những điểm mới như lông ghép các ban chỉ đạo tại các địa phương để triển khai thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường triển khai kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính để răn đe và xử lí nghiêm minh các hành vi vi phạm. Tình trạng thực phẩm bẩn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ không còn tràn lan trên thị trường như thời điểm trước. Người dân cũng có ý thức chọn lựa những thực phẩm có nguồn gốc để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.

Cổng Thông tin điện tử đã ghi nhận một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Phương Thị Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Cạn

Đại biểu Phương Thị Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Cạn: Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đạt được những tích cực trong một sớm một chiều là điều khó khăn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có những chỉ đạo sản xuất các sản phẩm theo chuỗi giá trị, trích xuất nguồn gốc đặc biệt đối với sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, với việc sản xuất tràn lan và khó kiểm soát như hiện nay thì không thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Cần phải đánh giá các vi phạm và xử phạt hành chính, từ đó sớm xử lí những vi phạm nghiêm minh hơn nữa, đẩy mạnh hoạt động đưa người nông dân sản xuất theo chuỗi để đảm bảo chất lượng đầu ra, thành lập nhóm liên kết để khi đưa ra thị trường, đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Mặc dù Nghị quyết mới ban hành được 1 năm nhưng đã có những chuyển biến rất tích cực. Thứ nhất trong những văn bản quy phạm pháp luật ban hành đã đáp ứng được những yêu cầu về quản lý, thanh tra kiểm tra, phân công phân cấp trách nhiệm giữa các cơ quan tổ chức. Thứ hai vấn đề về công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về vấn đề vệ an toàn thực phẩm đã góp phần nâng cao nhận thức cho người sản xuất và tiêu dùng.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng việc tổ chức như thế nào và trách nhiệm của các địa phương đến đâu, mặt gì được và chưa được cần phải làm rõ?

Liên quan đến đội ngũ trực tiếp làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, cần nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn và xây dựng hệ thống đội ngũ chuyên nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu thực tế nhất là tại các xã huyện của địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: Cần cải tiến trang thiết bị kiểm tra chuyên ngành, cũng như sự phối hợp liên ngành giữa các cấp có thẩm quyền để vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được triệt để và phát huy hiệu quả lâu dài.

Thêm vào đó, các chế tài xử phạt về các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cần nghiêm minh và có tính răn đe do vấn đề này liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Không chỉ có vậy, vấn đề về tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh tại các tỉnh thành phố, đặc biệt chú trọng khu vực nông thôn và miền núi, để người dân hiểu được tầm quan trọng của vấn đề, từ đó có những cách thức tự bảo vệ mình và bảo vệ người thân.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ những chỉ đạo rõ ràng của Chính phủ nên cơ bản đã khắc phục được tình trạng chồng chéo trách nhiệm giữa các Bộ. Tuy nhiên, một số vấn đề cử tri băn khoăn về tình trạng buôn bán thực phẩm bẩn, không an toàn vẫn diễn ra tinh vi, lách luật. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này.

Đại biêu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Đại biêu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: An toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua dù đã được cải thiện nhưng tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn còn. Việc này nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ để lại hậu quả khó lường cho xã hội mà điều có thể nhìn thấy ngay trước mắt đó là sức khỏe con người, các loại bệnh phát sinh do dùng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

Đây là vấn đề đã được đưa ra chất vấn tại nhiều kỳ họp và là trách nhiệm của rất nhiều ngành như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp, chính quyền địa phương các cấp. Các bộ ngành cần tập trung xử lý nâng cao chất lượng vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, việc còn tồn tại nhiều thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc là do khâu quản lý chưa chặt chẽ, hàng hóa đưa vào qua các đường tiểu ngạch chưa được kiểm soát. Đây được đánh giá là con đường chủ yếu để thực phẩm không rõ nguồn gốc đưa vào và lưu hành trên thị trường. Vì vậy cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có trách nhiệm đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để ngăn chặn tình trạng này là vô cùng quan trọng...

Mai Trang

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=38038