Chế tạo thành công hệ thống khắc phục nhanh sự cố tăng, giảm điện áp ngắn hạn cho phụ tải tại Việt Nam

Theo kết quả khảo sát bởi Hội đồng châu Âu ở 1400 vị trí trong 8 quốc gia thì sự cố giảm điện áp ngắn hạn chiếm 31% và sự cố tăng điện áp ngắn hạn chiếm 13% trong tổng số sự cố liên quan đến hệ thống cung cấp điện.

Các biến động điện áp ngắn hạn thường gây hư hỏng, tạm dừng làm việc hoặc hoạt động sai qui trình công nghệ đối với một số thiết bị điện và điện tử. Trong một số trường hợp các thiết bị có thể đóng vai trò chủ chốt trong toàn bộ dây chuyền hoạt động của một nhà máy, khi bị dừng dẫn tới phải dừng toàn bộ dây chuyền, việc khởi động trở lại rất tốn kém và kéo dài. Ngoài ra nếu phụ tải là hệ thống điều khiển hoặc xử lý số liệu có thể dẫn tới gián đoạn hoặc mất thông tin, điều này cũng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Do vậy việc khắc phục nhanh các sự cố biến động điện áp ngắn hạn đang là đòi hỏi cấp thiết được nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp quan tâm.

Đứng trước thực trạng đó Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Viện kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, trường đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện nghiên cứu đề tài cấp nhà nước với mã số KC.05.03/16-20. Đề tài mang tên: Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống khắc phục nhanh sự cố tăng/giảm điện áp ngắn hạn cho phụ tải.

PGS.TS Nguyễn Phú Hùng- Phó Vụ trưởng – Vụ KHCN các ngành kinh tế- kỹ thuật

PGS.TS Nguyễn Phú Hùng- Phó Vụ trưởng – Vụ KHCN các ngành kinh tế- kỹ thuật

Ông Nguyễn Quang Địch, Viện trưởng Viện kỹ thuật điều khiển và tự động hóa chia sẻ: “Khi thực hiện đề tài chúng tôi có 2 nhiệm vụ chính, một là hoàn thiện lý thuyết cho sản phẩm này, thứ hai là hoàn thiện về mặt thực tế. Tôi cũng kỳ vọng sản phẩm có thể sản xuất phục vụ thị trường được khi mà phụ tải của các nhà máy đòi hỏi chất lượng điện áp tốt hơn phải dùng đến sản phẩm này. Nếu trong nước chúng ta làm được chi phí sẽ rẻ hơn và việc làm chủ công nghệ khi không may gặp sự cố sẽ không cần phải chờ đợi để các chuyên gia nước ngoài đến xử lý”.

Tại Việt Nam hiện nay các doanh nghiệp có dây truyền sản xuất công nghiệp lớn khi gặp sự cố tăng, giảm điện áp thường phải nhập khẩu bộ AVC từ các hãng lớn như ABB, ScSiemens.. với giá thành rất cao, thêm vào đó chi phí vận hành, hoạt động hay sửa chữa cũng rất tốn kém.

Theo PGS.TS Trần Trọng Minh- Chủ nhiệm đề tài mã số KC.05.03/16-20: “Khi thực hiện đề tài chúng tôi phải tham khảo các thiết bị tương tự của các hãng nước ngoài và mình đặt ra các yêu cầu kĩ thuật thiết bị của mình cũng phải đảm bảo yêu cầu kĩ thuật đó. Cùng với quá trình chế tạo, lắp đặt cũng phải đảm bảo chất lượng không thua kém các sản phẩm nước ngoài. Đặc biệt khi lắp đặt sản phẩm của chúng tôi nếu xảy ra bất cứ sự cố gì chúng tôi có thể xử lý ngay mà không cần phải chờ đợi như các bộ AVC nhập khẩu”.

Trong quá trình thực hiện đề tài nhóm nghiên cứu đã phối hợp cùng với nhà máy bơm Hải Dương để lắp đặt bộ AVC do nhóm đề tài chế tạo ra. Đến nay bộ AVC đã xử lý tốt được các sự cố liên quan đến tăng, giảm điện áp của nhà máy.

Ông Ngô Đức Thành- phụ trách Cơ- Điện nhà máy bơm Hải Dương chia sẻ: “Khi đưa bộ AVC này vào lắp tại nhà máy, các thiết bị của chúng tôi hoạt động đã ổn định, chất lượng sản phẩm tốt hơn, hiện tượng nháy điện không còn, giúp cho quá trình sản xuất được an toàn”.

Khảo sát sản phẩm đã được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công

Với ưu điểm nổi bật là dễ vận hành, chi phí thấp hơn nhiều so với phương pháp UPS, các bộ điều áp tích cực nhằm khắc phục các sự cố biến động điện áp ngắn hạn được đánh giá là sẽ sớm giành được quan tâm của nhiều khách hàng. Đặc biệt là các khách hàng có các loại phụ tải điện và điện tử công suất lớn nhạy cảm với sự biến động của lưới.

PGS.TS Nguyễn Phú Hùng- Phó Vụ trưởng – Vụ KHCN các ngành kinh tế- kỹ thuật đánh giá: “Đây cũng là một trong những nhiệm vụ đối với Bộ Khoa học và công nghệ chúng tôi xác định làm sao để đưa những sản phẩm made in Việt Nam vào trong thực tế và đáp ứng được nhu cầu. Có thể nói Viện cũng đã rất tích cực trong thực hiện nhiệm vụ này và sản phẩm đã được thử nghiệm tại cơ sở sản xuất thực tế. Chúng tôi cho rằng bước đầu tiên các nhà khoa học của chúng ta đã làm chủ được công nghệ và có thể tiến tới sản xuất được sản phẩm này”.

Khi hoàn thành và được thương mại hóa thành công sản phẩm của đề tài, Việt Nam có cơ hội hạn chế được việc phải nhập khẩu các bộ điều áp tích cực từ nước ngoài. Cùng với đó có thể hình thành mảng công nghiệp điện tử công nghiệp sản xuất hệ thống thiết bị khắc phục sự cố biến động điện áp ngắn hạn để góp phần tạo công ăn việc làm. Thậm chí, nếu tổ chức tốt chúng ta có thể nghĩ đến khả năng xuất khẩu, đóng góp vào việc thăng bằng cán cân thương mại của đất nước.

Quách Chữ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/che-tao-thanh-cong-he-thong-khac-phuc-nhanh-su-co-tang-giam-dien-ap-ngan-han-cho-phu-tai-tai-viet-nam-32519.html