Chệch đường

M.Ghenin đã từng viết câu nổi tiếng sau đây: 'Nếu bạn không còn vấp phải một trở ngại nào nữa, tức là bạn đã đi chệch đường rồi' (If you do not run into an obstacle any more, that you have that the deviate). Ghenin đã nói hoàn toàn đúng, hoàn toàn chính xác, hoàn toàn thuyết phục.

(Minh họa: Joanne Ju).

Xin được bắt đầu từ tuổi thơ ấu của một đời người. Người nào có một tuổi thơ hoàn toàn đầy đủ, được bao bọc, thuận lợi thì thường sẽ có một tương lai mờ mịt, thậm chí là đen tối. Nếu một gia đình chiều chuộng con bằng mọi giá, đòi gì cũng được, yêu cầu gì cũng được đáp ứng nhanh chóng thì đứa trẻ sẽ sinh hư, sinh ra tính ỷ lại, vì nó nghĩ cứ cầu xin, cứ ăn vạ, cứ vòi vĩnh thì muốn gì cũng được. Từ đó nó rất sợ, rất ngại gặp việc khó gì đó ở trường. Gặp môn học khó nó không thể có thói quen tự suy nghĩ, tự động não, nên nghĩ ngay đến việc nhờ bố mẹ giúp đỡ. Thành ra nếu phải làm bài kiểm tra tại lớp thì nó chắc chắn bị điểm kém. Mà bị điểm kém liên tục thì nó càng không tự tin, càng lo sợ.

Khi đứa trẻ đi học bơi, nếu không đẩy nó xuống nước, nếu không để nó bị sặc nước một chút, không để nó tự vẫy vùng, tự vật lộn lúc ban đầu thì làm sao nó biết bơi được?

Đứa trẻ mới tập đi, phải để nó tự ngã, tự đứng dậy, kêu khóc lúc đầu nhưng sau tự nó sẽ biết cách làm sao để không bị ngã nữa. Ở các nước phương Tây, trẻ được tập tự xúc đồ ăn, tự mặc quần sau khi đi bô, tự hỏi thăm đường khi đi ra ngoài ... thì sau này khi lớn dần lên chúng sẽ đỡ sợ hãi, đỡ ngơ ngác trước những chướng ngại. Khi gặp những khó khăn chúng sẽ bớt sợ hãi, bớt né tránh vì đã có được thói quen tự mình phải giải quyết vấn đề. Những đứa trẻ được chiều chuộng từ bé, quen có người hầu hạ, giúp đỡ sẽ ngay lập tức đầu hàng, ngay lập tức thua cuộc khi gặp khó khăn.

Học tiếp lên trung học, chỉ những học sinh nào có thói quen khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống để tự học, tự tìm mọi cách giải những bài tập khó mới dần dần trở thành học sinh khá giỏi thực sự. Những học sinh quen được chiều chuộng, quen ỷ lại, khi thấy sự học thật khó quá, vất vả quá sẽ sinh ra chán học, không chịu học nên học lực kém dần và họ đành nhường cổng trường đại học cho các bạn ít có điều kiện kinh tế hơn nhưng có nhiều cố gắng hơn, nhiều can đảm vượt khó hơn.

Chệch đường trong thời đại chúng ta còn cần kể đến một loại cạm bẫy nữa, đó là tệ nạn game online, bóng cười và bao cám dỗ tầm thường nhưng hấp dẫn khác. Các cửa hàng cho thuê chơi game nhan nhản ở khắp mọi nơi, bên cạnh trường học, bên cạnh khu dân cư, đây là nơi để những học sinh lười trốn học và giải trí an toàn nhất, thú vị nhất. Ngồi trước màn hình ảo với đôi bàn tay điêu luyện, những con người dốt nát lười biếng, ăn bám gia đình này bỗng trở thành anh hùng, hiệp sỹ đầy mưu trí, đầy kỹ năng siêu phàm điều khiển máy tính, giải cứu được nhiều người đẹp, cứu thoát được nhiều người ra khỏi bàn tay độc ác của bọn ma quái. Thế là hết ngày này qua tháng khác, những học sinh này đã xa rời gia đình, xa rời nhà trường, xa rời xã hội, nhiều người trong số đó trở thành tội phạm ma túy, tội phạm của thế giới ảo để kết thúc cuộc đời trong bệnh viện tâm thần.

Vậy em học sinh muốn không chệch đường, không sa vào cạm bẫy game online và các loại ma túy thì chỉ còn một cách duy nhất là ngày ngày khổ luyện học tập, chịu khó động não suy nghĩ trước những bài tập Toán, Lý, Hóa ... với một động lực duy nhất là vì chính tương lai tươi đẹp cho cuộc đời của bản thân các em.

Vậy muốn con em mình không chệch đường thì ngay từ khi chúng còn nhỏ đừng chiều chuộng, bao bọc chúng quá. Có một câu danh ngôn Mỹ đã tổng kết rất sâu sắc: “Cách chắc chắn nhất làm cho cuộc đời con bạn khốn khổ là nuông chiều chúng” (The surest way to make life hard for your children is to make it soft for them).

Tiếp theo nữa, đến tuổi trưởng thành, đi làm, đi bộ đội, mọi người đều được giáo dục về những “cái bẫy” trên đường đời nếu ta cứ chọn những đoạn đường bằng phẳng, dễ đi, không có cản trở gì.

Thực tế đã gặp trong chiến tranh, những đoạn đường rộng rãi, thênh thang chính là cái mồi cho máy bay địch thả bom, bắn phá. Vì thế, cá nhân hoặc đơn vị muốn di chuyển an toàn cần tránh xa những đoạn đường này. Cần tìm những con đường khó đi, xuyên qua bụi rậm, xuyên qua rừng già dầy đặc cây cối, đó chính là những con đường an toàn nhất, bảo tồn được lực lượng nhất.

Trong thực tế đời sống hàng ngày, nếu ta chỉ chọn những nghề dễ làm, ai cũng có thể làm được để mưu sinh cuộc sống thì trước sau cũng sẽ thất nghiệp, mất việc, cơ sở sản xuất cũng phải giải tán, giải thể.

Cần làm những ngành nghề có sự khác biệt (Make different) mới tạo ra sản phẩm đặc biệt, không giống ai, có uy tín, có thương hiệu như bao tấm gương các ông chủ trẻ, các CEO trẻ trong cuộc cách mạng về khởi nghiệp, về lập nghiệp, về cất cánh như hiện nay trong cuộc Cách mạng KHKT 4.0.

Như vậy, đến đây có thể sơ kết:

- Đi chệch đường: là tìm con đường lười biếng, ít khó nhọc, ít phải khai phá và kết quả sẽ không đi đến đâu. Nếu ai đi theo con đường này sẽ phí phạm tuổi xuân, phí thời gian và tương lai rất mịt mờ.

Thật may mắn cho những ai biết được mình đang đi chệch đường, kể từ lúc còn trẻ, để quyết tâm sửa chữa, thay đổi thì sẽ có một tương lai tốt đẹp.

- Đi đúng đường: là tìm con đường vững chắc để đi đến tương lai dù phải khó nhọc, dù phải gian khổ, dù gặp nhiều vật cản. Đây chính là sự đúng đắn của triết học, của tư duy tự tranh đấu, tự nâng cao của mỗi cá thể tiến bộ trong một xã hội tiến bộ.

Xin trích dẫn danh ngôn của Samuel Johnson (1709 – 1784) nói về nghịch cảnh của con người: “Đấu tranh với nghịch cảnh và chinh phục chúng là hạnh phúc lớn nhất của con người” (To strive with difficulties, and to conquer them, is the highest human felicity).

Horace (năm 65 trước Công nguyên – năm 27 trước Công nguyên) đã viết: “Khi đường đi gập ghềnh thì nhớ giữ cho tinh thần luôn thăng bằng” (Remember when life's path is steep to keep your mind even).

Ở Việt Nam ta trong thế kỷ XX cũng có những nhà tư tưởng để lại cho đời những lời khuyên bảo con người nói chung và thế hệ trẻ nói riêng về lòng can đảm, lòng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trở ngại khi chí đã quyết, lòng đã bền. Đó là lời dạy bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có việc gì khó / Chỉ sợ lòng không bền / Đào núi và lấp biển / Quyết chí ắt làm nên”.

Tác giả Nguyễn Bá Học cũng có lời dạy thật sáng suốt và cô đọng: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi, e sông”.

Hy vọng rằng không có trở ngại nào có thể ngăn được những người trẻ tuổi quyết tâm chinh phục tương lai.

Trần Hữu Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/chech-duong-tintuc421875