Chênh tuổi nghỉ hưu: Lương của lao động nữ thấp hơn nam giới

Phụ nữ bị hạn chế cơ hội học tập, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng; tuổi nghỉ hưu của lao động (LĐ) nữ có khoảng cách so với LĐ nam dẫn đến thu nhập thấp hơn. Các chuyên gia khuyến nghị tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ phải tiệm cận với LĐ nam để tiến tới bình đẳng giới, cải thiện thu nhập.

Người lao động đang được tư vấn tìm việc tại sàn giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm.

Người lao động đang được tư vấn tìm việc tại sàn giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm.

Nhiều quy định dẫn đến phân biệt, đối xử

Bộ luật Lao động năm 2012 đã đưa ra các quy định đảm bảo những nguyên tắc bình đẳng giới. Thậm chí, trong bộ luật này dành hẳn một chương có những quy định riêng đảm bảo quyền lợi của LĐ nữ khi tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, kinh tế - xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập khu vực và quốc tế, việc thực hiện một số quy định liên quan đến LĐ nữ và bình đẳng giới không còn phù hợp. “Có những quy định bảo vệ LĐ nữ, mặc dù mục đích hướng đến là tốt song có thể dẫn tới phân biệt đối xử như cấm một số công việc không được sử dụng LĐ nữ, quy định về tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ thấp hơn nam” - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà dẫn chứng.

Lương hưu bình quân tính theo số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu của nữ và nam có sự cách biệt. Năm 2017, cùng tham gia đóng 30 năm BHXH trở lên nhưng lương hưu bình quân của LĐ nữ là 4.964.560 đồng, trong khi nam giới là 5.966.478 đồng, chỉ bằng 83% so với LĐ nam.
Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH) Phạm Trường Giang

Cũng bởi quy định tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ thấp hơn LĐ nam 5 tuổi nên tiền lương cũng có sự chênh lệch. Bà Nguyễn Huyền Lê - Trưởng phòng Tiền lương, Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐTB&XH thông tin: Vẫn còn khoảng cách về tiền lương theo giới nhưng có xu hướng thu hẹp. Chỉ số khoảng cách giới về tiền lương năm 2014 là 0,90, tăng đáng kể so với năm 2009 chỉ là 0,80. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đặc điểm của LĐ nữ khi ở độ tuổi sinh con, nghỉ hưu sớm hơn LĐ nam. Thứ nữa, trên thị trường lao động, tiền lương của LĐ nữ luôn thấp hơn đáng kể so với mức bình quân của LĐ nam. Ngoài ra, những quan niệm giới vẫn còn tồn tại dẫn đến phụ nữ bị hạn chế các cơ hội học tập, đào tạo, tuyển dụng... dẫn đến tiền lương thấp hơn nam giới.Nâng tuổi nghỉ hưu - thu hẹp khoảng cáchTheo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, số năm khỏe mạnh trung bình của người Việt Nam sau 60 tuổi là 17,2 năm. Vì thế, rất nhiều người có nhu cầu làm việc sau khi đã nghỉ hưu. Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ LĐTB&XH Phạm Trường Giang cho biết, có tới 60% số người trong độ tuổi từ 60 - 69 vẫn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu; tương tự, 30% số người trong độ tuổi 70 - 79 vẫn tiếp tục lao động... Do đó, để tăng thu nhập cho LĐ nữ cũng như thực hiện bình đẳng giới, điều chỉnh tuổi làm việc của phụ nữ thêm 5 tuổi và nam thêm 2 tuổi là hoàn toàn khả thi. Trong bản dự thảo mới nhất Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ LĐTB&XH lấy ý kiến, đã thể hiện rõ quan điểm thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa LĐ nam và LĐ nữ. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người LĐ trong điều kiện LĐ bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với LĐ nam và 4 tháng đối với LĐ nữ cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 tuổi.Bà Nguyễn Huyền Lê khuyến nghị tiếp tục hoàn thiện các chính sách LĐ nữ, trong đó có những quy định ảnh hưởng bất lợi đến việc làm, tiền lương của LĐ nữ như tuổi nghỉ hưu. Để qua đó tăng cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho LĐ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chenh-tuoi-nghi-huu-luong-cua-lao-dong-nu-thap-hon-nam-gioi-350761.html