Chèo lái một Ấn Độ táo bạo hơn, Thủ tướng Modi 'đổi màu' chính sách can dự toàn cầu?

Chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại của Ấn Độ Raja Mohan, hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, Trung Quốc, tư tưởng tự lực tự cường và việc đón nhận Mỹ sẽ là những yếu tố then chốt quyết định chính sách của New Delhi.

Thủ tướng Narendra Modi đang chèo lái Ấn Độ đi theo một con đường táo bạo hơn.

Trong bối cảnh năm đầu nhiệm kỳ thứ hai vừa khép lại, Thủ tướng Narendra Modi đã và đang thể hiện rõ quyết tâm thay đổi những điều kiện can dự của Ấn Độ với thế giới. Ông Modi đang chèo lái Ấn Độ đi theo một con đường táo bạo hơn, dù là xác định lại cách tiếp cận đối với toàn cầu hóa kinh tế, triệt tiêu thái độ thủ thế chính trị trong vấn đề tranh chấp Kashmir liên quan tới Pakistan và Trung Quốc, hay rũ bỏ những hạn chế từ trong lịch sử trong hợp tác chiến lược với Washington.

Chấp nhận rủi ro

Nhiều xu hướng trong số này càng trở nên mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Vẫn chưa rõ sự gián đoạn về kinh tế và xã hội mà đại dịch gây ra liệu có buộc Thủ tướng Modi phải kiềm chế nghị trình mới đầy tham vọng mà ông đã đặt ra cho chính mình trong nhiệm kỳ thứ hai hay không.

Nhìn vào nhiệm kỳ thứ nhất, có thể thấy Thủ tướng Modi không ngại chấp nhận rủi ro. Nếu tin chắc vào một phương hướng hành động, ông sẽ sẵn sàng đầu tư toàn bộ vốn liếng chính trị của mình cho công việc đó.

Những đặc điểm này được thể hiện rõ trong việc ông quyết định hủy bỏ một số mệnh giá của đồng rupee vào năm 2016, hay áp thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) vào năm 2017, bất chấp những biến động lớn đối với nền kinh tế nước này. Có thể một lần nữa chứng kiến điều này trong nhiệm kỳ thứ hai, khi nhà lãnh đạo 70 tuổi ra quyết định tiến hành phong tỏa toàn bộ nền kinh tế Ấn Độ vào cuối tháng 3/2020.

Thủ tướng Modi chấp nhận những rủi ro như vậy là vì ông tự tin rằng mình đã xây dựng được niềm tin chính trị vững chắc trong lòng người dân Ấn Độ. Bất chấp những lời chỉ trích gần đây từ phía phe đối lập rằng biện pháp phong tỏa của chính quyền đã tốn kém lại không thành công, các cuộc thăm dò ý kiến trong tháng 5/2020 vẫn cho thấy nhìn chung, tỷ lệ ủng hộ ông đã tăng vọt lên mức 80%.

Quan điểm về Trung Quốc

Trong thời gian tới, ít nhất sẽ có 2 nhân tố mang tính quyết định định hướng cách thức chỉ đạo của Thủ tướng Modi trong vấn đề can dự với thế giới: quan điểm của ông về Trung Quốc và việc nhấn mạnh khả năng tự lực tự cường của Ấn Độ.

Chẳng hạn, hãy xem xét quyết định của Thủ tướng Modi năm 2019 về việc không để Ấn Độ tiếp tục tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Ông đã nhắc tới vị cha già dân tộc Mahatma Gandhi để khẳng định rằng “chính sách tự lực tự cường của Gandhi cũng như lương tâm của chính tôi không cho phép đất nước tham gia RCEP”.

Lập luận RCEP không có lợi cho Ấn Độ đã được cố vấn đáng tin cậy của ông, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah, mở rộng thêm. Ông Shah đã chỉ ra mức độ thâm hụt thương mại đáng kinh ngạc với Trung Quốc, vốn đã tăng nhiều lần từ 1,9 tỷ USD năm 2005 lên 57 tỷ USD năm 2019.

Điều này phù hợp với quan điểm ngày càng phổ biến ở Ấn Độ cho rằng thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc - chiếm gần 40% tổng thâm hụt thương mại của Ấn Độ - đã đục khoét ngành chế tạo nước này. Một bộ phận đáng kể trong cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ lo ngại rằng việc tham gia một diễn đàn khu vực do Trung Quốc chi phối sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình.

Một bộ phận quan trọng trong đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) vẫn luôn hoài nghi về tự do hóa thương mại và rộng hơn là toàn cầu hóa. Những nỗi lo ngại này không chỉ dừng lại ở Trung Quốc mà còn bao gồm các đối tác thương mại lớn khác. Tuy nhiên, Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong mối quan ngại về thâm hụt và phi công nghiệp hóa.

Như Bộ trưởng Shah khẳng định: “Bằng việc từ chối tham gia RCEP, Ấn Độ đã bảo vệ vững chắc các ngành nghề trước bất kỳ tác động tiêu cực nào mà các lợi ích của Trung Quốc có thể gây ra. Đối với chúng ta, Ấn Độ vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu”.

Thủ tướng đã sử dụng hai cụm từ “tự lực tự cường” và “Ấn Độ tự cường” gần 20 lần trong bài phát biểu.

Khả năng “tự lực tự cường” mà Thủ tướng Modi đề cập thoáng qua khi nhận xét về RCEP đã được thể hiện đầy đủ hơn sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Gần đây, khi phát biểu trước toàn dân về tương lai của Ấn Độ hậu đại dịch Covid-19, ông đã chọn “tự lực tự cường” làm chủ đề trung tâm trong chiến lược kinh tế của chính phủ. Người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ đã sử dụng hai cụm từ “tự lực tự cường” và “Ấn Độ tự cường” gần 20 lần trong bài phát biểu.

Các cố vấn của ông và các nhà tư tưởng trong đảng cầm quyền nhấn mạnh rằng trọng tâm mới xoay quanh tự lực tự cường không phải là quay trở lại một cách phiến diện thời kỳ tự cung tự cấp kéo dài nhiều thập kỷ dưới thời các Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Indira Gandhi.

Theo họ, đó còn là phản ứng trước động lực toàn cầu đang thay đổi. Họ đề cập cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ngày càng trở nên gay gắt và quan điểm ngày càng phổ biến ở Washington - bất luận phe phái chính trị - rằng kỷ nguyên siêu toàn cầu hóa là không bền vững.

Nói cách khác, Ấn Độ không đơn độc khi cho rằng Trung Quốc đã thao túng hệ thống thương mại toàn cầu theo hướng bất lợi cho các nước khác.

Chiến lược mới

Ngay khi Thủ tướng Modi nhắc tới khả năng tự lực tự cường, chính phủ của ông đã đẩy mạnh nỗ lực thu hút các ngành nghề vốn đang tìm kiếm địa điểm thay thế nhằm có được các khoản đầu tư. Những người chỉ trích chỉ ra sự mâu thuẫn giữa tầm nhìn tự lực tự cường và chính sách hội nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mâu thuẫn có thể là một phần của cuộc sống, nhưng không thể phủ nhận nỗ lực đặc biệt của New Delhi nhằm thúc đẩy ngành sản xuất trong nước và hội nhập với các chuỗi cung ứng được sắp xếp lại vốn đang dần xuất hiện.

Điều không kém phần quan trọng là những cải cách được đề xuất về tự do hóa nông nghiệp, nới lỏng luật lao động, mở cửa ngành than cho các bên tham gia tư nhân và sản xuất quốc phòng nhằm có được mức đầu tư nước ngoài cao hơn.

Tóm lại, việc hạn chế toàn cầu hóa đồng thời thúc đẩy tự do hóa kinh tế trong nước dường như sẽ là chiến lược mới. Tuy nhiên, có một ngoại lệ: Đó chính là Trung Quốc.

Quan điểm ngày càng phổ biến ở Ấn Độ là thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc - chiếm gần 40% tổng thâm hụt thương mại của Ấn Độ - đã đục khoét ngành chế tạo nước này. (Nguồn: Economic Times)

Ngoài các mối quan tâm về thâm hụt thương mại đã dẫn tới việc từ chối tiếp tục tham gia RCEP, chính quyền Modi cũng đã bắt đầu hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ.

6 năm trước, ông Modi từng tỏ ra nhiệt tình với việc can dự với Trung Quốc. Các chuyến thăm của ông tới Bắc Kinh khi còn là Thủ hiến bang Gujarat đã thuyết phục ông rằng sự thực dụng kinh tế sẽ mang lại cho Ấn Độ những lợi ích vững chắc về chính trị và chiến lược.

Giờ đây, khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ, những gì ông nhận thấy chỉ là lợi nhuận kinh tế suy yếu và những vấn đề chính trị chồng chất. Khi phải đối mặt với những hậu quả chiến lược do sự thâm nhập kinh tế ngày càng sâu sắc của Trung Quốc trong khu vực lân cận của Ấn Độ gây ra, New Delhi đã trở thành một trong những bên chỉ trích mạnh mẽ nhất Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đụng độ biên giới

Cuộc khủng hoảng quân sự đầu tiên mà ông Modi phải đối mặt với tư cách Thủ tướng là cuộc đối đầu năm 2014 giữa các lực lượng vũ trang Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Ladakh thuộc Kashmir. Điều này đã khiến ông tin rằng can dự kinh tế chưa chắc đã cải thiện được quan hệ chính trị và chiến lược với Bắc Kinh.

Khi đối mặt với cuộc khủng hoảng quân sự thứ hai diễn ra năm 2017 ở cao nguyên Doklam gần ngã ba biên giới Ấn Độ-Bhutan-Trung Quốc, Thủ tướng Modi đã ra lệnh cho quân đội đối đầu với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong suốt 73 ngày trước khi cuộc khủng hoảng lắng dịu.

Ông Modi giờ đây đang bước vào cuộc đối đầu quân sự lớn thứ ba diễn ra với Trung Quốc khi căng thẳng leo thang giữa lực lượng vũ trang hai nước ở miền Đông Ladakh trong vài tuần qua. Mặc dù Trung Quốc có thể đã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều so với Ấn Độ trong những thập kỷ gần đây, nhưng New Delhi dường như có đủ nguồn lực và ý chí chính trị để đương đầu với Bắc Kinh.

Tránh kích động Trung Quốc, song ông Modi khẳng định việc chiều theo những sự nhạy cảm của Bắc Kinh không phải là chính sách mặc định của New Delhi.

Lính Ấn Độ và lính Trung Quốc tại một khu vực biên giới. (Nguồn: Getty)

Cuộc đối đầu quân sự gần đây nhất với Trung Quốc đã hướng sự chú ý tới một loạt sáng kiến quan trọng khác trong năm đầu tiên nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Modi, đó là việc tái cấu trúc Jammu và Kashmir, cũng như thay đổi bản chất mối quan hệ của khu vực này với phần còn lại của đất nước.

Sửa đổi Hiến pháp

Chính phủ đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp để tách bang Jammu và Kashmir thành hai vùng lãnh thổ liên hiệp. Một sắc lệnh hợp hiến đã mở rộng phạm vi của tất cả các đạo luật quốc gia để bao hàm cả những vùng lãnh thổ này.

Trái với nhận thức phổ biến rằng Kashmir là vấn đề song phương đơn thuần giữa Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc vẫn luôn là một phần của tranh chấp và kiểm soát các vùng đất quan trọng trong khu vực Ladakh. Pakistan kiểm soát phần lớn khu vực phía Tây của vùng lãnh thổ bị tranh chấp.

Động thái sửa đổi Hiến pháp đã tái khẳng định tuyên bố chủ quyền của Ấn Độ đối với các vùng lãnh thổ thuộc sự kiểm soát của Trung Quốc và Pakistan, đồng thời nhắm mục tiêu dập tắt quan điểm ở bên trong cũng như bên ngoài bang này rằng Kashmir có quyền được hưởng một chế độ dài hạn theo kiểu “một nước, hai chế độ”. Việc loại bỏ nhận thức rằng Kashmir không hoàn toàn là một phần của Ấn Độ từ lâu đã là mục tiêu chính trị của BJP.

Mặc dù không tác động tới sự bố trí lãnh thổ hiện tại giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc, nhưng động thái này sẽ làm thay đổi các điều khoản trong khuôn khổ đàm phán của Ấn Độ về vấn đề Kashmir khi loại bỏ cơ sở của bất kỳ vai trò chính trị nào của các bên tham gia ngoài nước trong cách thức Ấn Độ xử lý các vùng lãnh thổ do họ kiểm soát.

Chắc chắn, cuộc đối đầu với cả Pakistan lẫn Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn ở các vùng lãnh thổ được tái cấu trúc ở Jammu, Kashmir và Ladakh. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ đối phó với vấn đề này dựa trên một cơ sở khác về chính trị và pháp lý trong nước.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi cả Pakistan và Trung Quốc đều phản đối gay gắt việc Ấn Độ sửa đổi Hiến pháp. Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách đưa vấn đề này vào thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng New Delhi đã ngăn chặn những động thái này với sự hỗ trợ của Pháp, Mỹ và Nga. Hoạt động ngoại giao của Ấn Độ trong vấn đề Kashmir cũng giúp làm thay đổi thái độ của phương Tây, mà theo truyền thống vốn nghiêng về phía Pakistan.

Nhờ quan hệ chiến lược nồng ấm hơn giữa Mỹ và Ấn Độ, Washington tỏ ra trung lập hơn về chính các tranh chấp ở Kashmir, xác nhận những quan ngại của Ấn Độ về chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới từ phía Pakistan và ngăn chặn Trung Quốc quốc tế hóa vấn đề này. Nhiều nước phương Tây cũng bắt đầu áp dụng cách tiếp cận tương tự đối với Ấn Độ, và mỗi nước lại có một biến thể riêng.

Chào đón nước Mỹ

Điều này đưa chúng ta đến với điều được hứa hẹn sẽ là một sự thay đổi dứt khoát của Ấn Độ tiến tới thắt chặt quan hệ với Mỹ. Việc ông Modi công khai thể hiện mối quan hệ thân thiện với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hai buổi mít tinh lớn - một tại Houston vào tháng 9/2019 và một tại Ahmedabad vào tháng 2/2020 - là điều chưa từng có tiền lệ trong truyền thống ngoại giao ôn hòa của Ấn Độ.

Việc Tổng thống Trump bay tới Ấn Độ trong một chuyến thăm chỉ kéo dài 36 tiếng, cho dù New Delhi không sẵn sàng ký kết thỏa thuận thương mại, cho thấy ban lãnh đạo Mỹ đã đặt cược vào mối quan hệ với Ấn Độ nhiều đến mức nào.

Việc nhà lãnh đạo Ấn Độ công khai thể hiện tình cảm nồng ấm đặc biệt đối với ông chủ Nhà Trắng là dấu hiệu cho thấy rằng khác với những người tiền nhiệm gần đây, Thủ tướng Modi sẽ không tiếp tục kiềm chế việc can dự với Mỹ.

Thủ tướng Modi sẽ không tiếp tục kiềm chế việc can dự với Mỹ. Ảnh chụp tại Ahmedabad, Ấn Độ trước thềm chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Donald Trump tới Ấn Độ tháng 2/2020. (Nguồn: AP)

Sự mở rộng đáng kể hợp tác chiến lược trong nhiệm kỳ thứ hai của Modi được thể hiện ở việc tăng cường chia sẻ thông tin quân sự, tiến hành cuộc tập trận đầu tiên có sự tham gia của 3 quân chủng, nâng cấp sự can dự với nhóm Bộ Tứ (Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ) lên cấp bộ trưởng và mở rộng nhóm Bộ Tứ để bao gồm cả Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand nhằm thảo luận kế hoạch hợp tác hậu Covid-19.

Phải chăng những xung đột ngày càng sâu sắc, một mặt giữa Mỹ và Trung Quốc và mặt khác giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đã tạo tiền đề cho một mối quan hệ giống như liên minh giữa Ấn Độ và Mỹ?

Ấn Độ không có khả năng trở thành đồng minh hiệp ước với Mỹ, nhưng Ấn Độ dưới thời Modi không còn sẵn sàng từ bỏ những lợi ích của mối quan hệ chiến lược sâu sắc hơn với Washington dưới danh nghĩa một nguyên tắc cao cả nào đó về tính đúng đắn chính trị.

Nói cách khác, định hướng kinh tế mà Ấn Độ đã áp dụng vào cuối những năm 1990, đặc điểm cách tiếp cận của nước này đối với những tranh chấp lãnh thổ với Pakistan và Trung Quốc, cũng như bản chất mối quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ và phương Tây đều sẽ trải qua quá trình xem xét lại mang tính lịch sử trong nhiệm kỳ thứ hai của Modi.

Hồng Phúc

(theo The Straits Times)

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cheo-lai-mot-an-do-tao-bao-hon-thu-tuong-modi-doi-mau-chinh-sach-can-du-toan-cau-116981.html