Chỉ 5 ngân hàng thừa nhận rủi ro về phá rừng, an ninh nguồn nước

Nếu khu vực ASEAN muốn phát triển bền vững và có khả năng chống chịu tốt, các ngân hàng phải đẩy nhanh tiến độ tích hợp đánh giá rủi ro môi trường, xã hội và quản trị, bao gồm các rủi ro do khí hậu, phá rừng và nguồn nước gây ra, vào chiến lược kinh doanh cốt lõi của mình.

Báo cáo về tài chính Bền vững tại khối ASEAN của WWF vừa được cập nhật mới đây cho thấy, các chính sách của nhiều ngân hàng về môi trường, xã hội và quản trị (MT, XH & QT) còn yếu và thậm chí không được công bố. Điều này dẫn đến nhiều quan ngại về khả năng quản lý các rủi ro về MT, XH & QT của các ngân hàng.

Theo báo cáo, đối với các rủi ro cụ thể về MT, XH & QT, chỉ có 5 ngân hàng trong khối ASEAN thừa nhận rủi ro về phá rừng trong các hoạt động của khách hàng, và chỉ có hai ngân hàng thừa nhận rủi ro về nguồn nước.

Phá rừng và an ninh nguồn nước là hai yếu tố chính ảnh hưởng tới ngành lương thực và nông nghiệp, do đó, an ninh nguồn nước và lương thực của khu vực thực sự rất đáng lo ngại.

Các ngân hàng Việt Nam cũng thể hiện một số chuyển biến tích cực với ngày càng nhiều ngân hàng hiểu được rằng các danh mục đầu tư của họ chính là yếu tố gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, họ chưa công bố các chính sách và quy trình đánh giá MT, XH & QT. Điều này cho thấy, việc đánh giá MT, XH & QT chưa được ưu tiên trong hoạt động của các ngân hàng.

Nếu khu vực ASEAN muốn phát triển bền vững và có khả năng chống chịu tốt, các ngân hàng phải đẩy nhanh tiến độ tích hợp đánh giá rủi ro môi trường, xã hội và quản trị, bao gồm các rủi ro do khí hậu, phá rừng và nguồn nước gây ra, vào chiến lược kinh doanh cốt lõi của mình. Ảnh minh họa

Báo cáo cũng cho thấy, có 22 ngân hàng trong khối ngân hàng ASEAN công bố có các sản phẩm tài chính xanh như: phát hành trái phiếu xanh, các khoản cho vay liên quan tới các hoạt động bền vững. Tuy nhiên, các sản phẩm này sẽ không đủ để thực hiện được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Báo cáo khuyến cáo, nếu khu vực ASEAN muốn phát triển bền vững và có khả năng chống chịu tốt, các ngân hàng phải đẩy nhanh tiến độ tích hợp đánh giá rủi ro MT, XH & QT, bao gồm các rủi ro do khí hậu, phá rừng và nguồn nước gây ra, vào chiến lược kinh doanh cốt lõi của mình.

Các ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi ngành thực phẩm, năng lượng và hệ thống giao thông theo hướng bền vững tại ASEAN. Các nhà đâu tư có trách nhiệm cần đảm bảo các ngân hàng họ hợp tác cùng bắt kịp được xu thế này và cùng họ hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

Báo cáo được thực hiện với sự hợp tác của Trung tâm Quản trị, Thể chế & Tổ chức (CGIO) thuộc Khoa Kinh doanh của trường Đại học Quốc gia Singapore.

Kết quả cho thấy các ngân hàng khối ASEAN không công bố cách họ quản lý rủi ro khí hậu theo khuyến nghị của Tổ công tác Đặc biệt về Công bố Thông tin Tài chính liên quan tới Khí hậu (TCFD).

Trong số 34 ngân hàng được đánh giá, chỉ có 4 ngân hàng có đánh giá các rủi ro và cơ hội liên quan tới khí hậu, một khuyến nghị quan trọng của TCFD. Không có ngân hàng nào công bố việc họ rà soát các danh mục đầu tư dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cũng như không công bố các danh mục đầu tư này có phù hợp với Thỏa thuận Khí hậu Paris hay Mục tiêu phát triển bền vững không.

L.Quỳnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chi-5-ngan-hang-thua-nhan-rui-ro-ve-pha-rung-an-ninh-nguon-nuoc-15302.html