Chỉ cần cơ chế

Mọi so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên một vấn đề có thể thấy rất rõ là doanh nghiệp tư nhân luôn làm tốt hơn doanh nghiệp Nhà nước ở một vài lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng hạ tầng cơ sở.

Kinh tế tư nhân đang được bàn nhiều từ các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Chính phủ theo đúng tinh thần của tháng 6-2017 khi Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết "Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", đó cũng là tiền đề quan trọng để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu: "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế" là một trong bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian tới.

Và sự phát triển nhanh chóng của nhiều tập đoàn tư nhân lớn hiện tại của nước ta có thể xem như là minh chứng cho sự năng động, tư duy khoa học và những hoạch định chiến lược đúng đắn của các ông chủ tập đoàn cùng cộng sự.

Không phủ nhận những đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cho nền kinh tế, tuy nhiên, số này so với hậu quả nặng nề của những "quả đấm thép đấm vỡ mặt nhân dân" thì vẫn chỉ là thiểu số, thậm chí rất hiếm.

1. Tuần trước, tôi có được mời tham quan trang trại bò sữa tại Tây Ninh của Tổng Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), một trang trại rất đẹp, quy chuẩn, hiện đại và thân thiện với môi trường. Trang trại hoạch định kỹ lưỡng khu trồng cỏ, khu chăm sóc bê, khu dành cho bò đang thời kỳ trưởng thành, khu dành cho bò đang cho sữa, rồi khu ủ thức ăn lên men,...

Công nghệ chăn nuôi tiên tiến đến mức ngay khâu lấy sữa cũng khép kín, đặt máy hút vào bầu vú sữa sẽ được hút để chạy thẳng đến bình trữ sữa với nhiệt độ tương thích và vô trùng hoàn toàn, không thấy một giọt sữa rơi vãi. Bò đang cho sữa được mang chip để đo thân nhiệt, thời gian vận động, chế độ ăn...

Có đi mới thấy hết sự năng động của lãnh đạo Tổng Công ty này, có đi mới không ngạc nhiên khi Vinamilk không ngừng tăng trưởng trong và ngoài nước.

Minh họa: Hùng Dingo.

Minh họa: Hùng Dingo.

Sở dĩ nhắc đến Vinamilk, không phải là PR cho Tổng Công ty này (Mặc dù, có PR thì cũng rất xứng đáng - N.N.L), mà Vinamilk chính là điển hình của việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Có cơ chế phù hợp và mạnh dạn giao cho tư nhân, thì chắc chắc thành quả tốt đẹp là điều không thể bàn cãi. Tất nhiên, con người đóng vai trò quan trọng với cá nhân lãnh đạo nếu biết nhìn về cái chung hơn cái riêng.

Áng độ hơn mười năm trở lại đây, ngoại trừ những thành công của việc cổ phần hóa thì quốc gia chúng ta đã có những tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân lớn mạnh, có uy tín trên thế giới, như: Vin Group, Sun Group, VietJet, TH True Milk, Hòa Phát, T&T, Novaland...

Hẳn là một vài vấn đề nội tại của các tập đoàn này còn có tranh cãi, dẫu vậy phải thừa nhận sự lớn mạnh và cả đóng góp cho nền kinh tế của họ.

2. Nếu ngước một chút về lịch sử, chúng ta luôn có những nhà kinh doanh xuất sắc, những nhà tư sản đủ tiềm lực về tài chính lẫn học thức. Bất chấp, thời cuộc có tạo ra bao nhiêu rào cản đối với họ. Thế nên, tôi thật sự vui mừng khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhìn nhận lại vai trò của kinh tế tư nhân theo hướng hết sức tích cực.

Phải có nhìn nhận rõ vai trò của kinh tế tư nhân thì mới có những chính sách hợp lý, mới cởi trói cho kinh tế tư nhân phát triển, mới trên rải thảm dưới cũng rải thảm chứ không phải rải đinh nữa.

Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng sở dĩ kinh tế tư nhân luôn hăm hở lao về phía trước với nhiều thành công hơn thất bại là vì họ không mang tư duy "cha chung không ai khóc", quan trọng hơn hết là "của đau con xót".

Tiền là tiền của họ, khoản vay ngân hàng cũng là của họ, họ phải vừa thận trọng lại vừa quyết đoán nhanh để nắm bắt cơ hội, họ phải hoạt động không ngừng nghỉ bởi không đổi mới, không cải thiện, không tìm thấy đáp án đúng với thị trường chắc chắn doanh nghiệp sẽ chết.

Mà doanh nghiệp chết thì chính là họ chết, chứ không phải doanh nghiệp chết thì lãnh đạo doanh nghiệp vẫn nhà cao cửa rộng, siêu xe thụ hưởng như một số lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước.

3. Ngoài việc giúp kinh tế tư nhân phát triển, xem đó là xương sống của nền kinh thế, kích thích được tư duy Việt, sự sáng tạo Việt, thành quả Việt... thì kinh tế tư nhân còn là danh dự của quốc gia.

Sẽ rất vui mừng và tự hào khi tháp tùng các nguyên thủ đi công du là những doanh nhân thành đạt, là những tập đoàn doanh nghiệp được thế giới biết tên biết tiếng... Và cũng thật tự hào khi thấy bóng dáng của các ông chủ bà chủ tập đoàn doanh nghiệp tư nhân ký kết những hợp đồng ghi nhớ, thương thảo bán buôn với đối tác là các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài.

Nhìn những doanh nghiệp tư nhân ở các quốc gia khác như Nhật Bản, như Hàn Quốc... xa hơn là Hoa Kỳ, là Pháp... bất cứ ai yêu thương quốc gia này cũng mong có một ngày chúng ta được sở hữu những doanh nghiệp như vậy. Điều này có thể trở thành hiện thực không, chắc chắn là có. Tôi chưa bao giờ nguôi niềm tin về sự giỏi giang, khôn ngoan của người Việt cả.

Tuy vậy, điều cẩn trọng là ngăn chặn tình trạng thân hữu rất dễ xảy ra khi kinh tế tư nhân phát triển, đó là những sân sau của quan chức, những ưu ái nếu doanh nghiệp này doanh nghiệp kia "biết điều", biết cách chăm sóc quan chức...

Vì bất cứ tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân nào dẫu nhỏ dẫu lớn cũng phải được đối xử bình đẳng, được tạo cơ chế chính sách bình đẳng như nhau.

Đó không phải chỉ là cái lợi cho riêng doanh nghiệp tư nhân, mà còn là nền tảng để thúc đẩy sự văn minh, tính minh bạch và thượng tôn pháp luật chung cho quốc gia.

Rất mong mỏi sớm đến ngày nhiều doanh nghiệp tư nhân của nước mình được thế giới chào đón như cái cách mà nhiều quốc gia khác đã chào đón những thương hiệu lớn của thế giới vậy.

Ngô Nguyệt Hữu

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/chi-can-co-che-546480/