Chi cục ra văn bản 'buộc tái xuất lúa mì có lẫn cỏ kế đồng' là 'lộng hành'

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, chi cục ra công văn yêu cầu buộc tái xuất các lô hàng lúa mì có lẫn cỏ kế đồng là sai quy định, trái thẩm quyền, cho thấy 'sự lộng hành trong ban hành văn bản pháp luật'.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc

Ngày 17/10, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động Thương binh Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp về việc chậm ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Trái thẩm quyền

Tại đây, bà Lý Thị Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh phản ánh, doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm "khốn đốn” vì một văn bản của Cục Bảo vệ thực vật.

Ngày 5/9, các doanh nghiệp nhận được Công văn số 95 của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I, nêu từ 1/11/2019 sẽ buộc tái xuất các lô hàng lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense (tên gọi Việt Nam là cỏ kế đồng).

Văn bản của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I được đưa ra sau chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

“Các anh nói việc này ảnh hưởng môi trường, trong khi mấy chục năm nay vẫn nhập khẩu. Rất nhiều con tàu đang trên đường chuẩn bị cập cảng thì vẫn phải tái xuất, mà đây là lệnh của Cục chứ không phải của Bộ trưởng. Nửa tháng nay tất cả hoạt động sản xuất, nhập khẩu lúa mì của doanh nghiệp đều bị ngưng trệ. Sau lệnh này của cơ quan quản lý, đối tác Mỹ, Canada cũng đã gửi thư đề nghị hủy hợp đồng xuất, nhập khẩu đã ký”, bà Chi bức xúc.

Trong khi đó, theo tính toán, mỗi chuyến tàu nhập lúa mì trị giá khoảng 20 triệu USD (gần 500 tỷ đồng), nếu buộc phải tái xuất thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Chưa kể, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 4 - 5 triệu tấn lúa vì từ đối tác truyền thống như Mỹ, Nga, Canada... nếu chuyển đổi sang quốc gia khác thì khó đáp ứng về giá và chất lượng.

Bà Chi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạm dừng thời gian thực hiện quy định của Cục Bảo vệ thực vật việc tái xuất các lô hàng lúa mì nhập khẩu kiểm dịch thực vật nhiễm cỏ kế đồng.

Bà Lý Thị Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhật Bắc

Lắng nghe phản ánh của đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói, việc lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật ban hành văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước là sai quy định pháp luật.

“Xét về tính pháp lý thì hoàn toàn không đúng thẩm quyền, Cục không đúng, Chi cục càng không đúng, cho thấy sự lộng hành trong ban hành văn bản pháp luật. Cán bộ công chức Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”, Bộ trưởng nói.

Ông Mai Tiến Dũng lưu ý, “việc không đúng thẩm quyền, tác động rất lớn tới các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nguyên liệu từ bột mì như bánh, kẹo, mì tôm...”.

Phải thu hồi văn bản sai phạm

Phản hồi phản ánh của Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đã lập tức liên lạc với lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật.

“Ngày 8/10, Cục đã có cuộc họp với Hội Lương thực, bàn về tác động của văn bản này. Sau cuộc họp hôm nay chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ xử lý ngay”, bà Kim Anh nói.

Nhắc lại lần nữa việc ban hành văn bản trên của Cục Bảo vệ thực vật là không đúng thẩm quyền, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản báo cáo, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp thu hồi văn bản sai phạm trên.

Toàn cảnh buổi kiểm tra. Ảnh: Nhật Bắc

Tiếp sau bà Kim Chi, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng nêu ý kiến về văn bản của cấp chi cục thuộc Tổng cục Thủy sản đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi sẽ xem lại, lắng nghe hai tai và báo cáo về nội dung này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định và nhấn mạnh một lần nữa, thẩm quyền khi ban hành các văn bản là rất quan trọng.

“Không thể chấp nhận chi cục trưởng ký văn bản như vậy. Tuy nhiên, cũng cần nói rõ đây không phải là phổ biến, Bộ khác, còn chi cục khác”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

Theo ông, thời gian qua Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã rất quyết liệt trong cải cách, nếu không làm sao tăng trưởng nông nghiệp năm nay có thể đạt 3,3%, kim ngạch xuất khẩu nông sản hơn 40 tỷ USD, nhưng cấp dưới vẫn tồn tại sai sót.

30/10 - hạn cuối hoàn thành cắt giảm điều kiện, thủ tục

Cũng tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu cải cách phải đi vào thực chất.

“Người dân vẫn nghi ngại chưa thực chất, thể hiện ở chỗ chậm tiến độ, so với thời hạn ngày 15/8 thì đến nay đã quá 2 tháng nhưng vẫn chưa hoàn thành việc cắt giảm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Tổ công tác ghi nhận, nhìn chung các bộ đã thực hiện rất nghiêm vấn đề này. Song vẫn còn có Bộ chưa quyết liệt nên chưa đạt mục tiêu cắt giảm 50%.

“Có nơi làm rất tốt, nhưng có nơi làm chưa thực chất, vẫn cắt giảm cơ học, giảm điều kiện này thì đưa ra quy định trong thông tư khác hoặc tuy có từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhưng tỉ lệ kiểm tra còn rất nhiều. Tỉ lệ thủ tục kết nối trên cơ chế một cửa vẫn thấp, chưa nói đến những trục trặc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Bộ trưởng cho hay, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 30/10 là hạn cuối cùng để hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện kinh doanh.

Sau ngày 30/10, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cụ thể về những mặt được, chưa được trong đợt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện này, nhìn nhận rõ việc cắt giảm có thực chất hay không, các điều kiện được cắt giảm có “núp bóng” trong thông tư của Bộ không…

Và tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ cũng sẽ báo cáo Quốc hội rất đầy đủ, thực chất về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/chi-cuc-ra-van-ban-buoc-tai-xuat-lua-mi-co-lan-co-ke-dong-la-long-hanh_t114c67n140092