Chỉ 'do dân' mới thực sự 'vì dân'

Chia sẻ với Tiền Phong, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh rằng: Nhà nước 'của dân' thì phải 'do dân' và chỉ có 'do dân' mới thật sự 'vì dân'. Và 'Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra' là một phương châm hành động của 'Nhà nước của dân, do dân và vì dân'. Ðây thực chất là sự thể hiện tính minh bạch của quy trình quản trị quốc gia.

Lấy phiếu tín nhiệm được Quốc hội thực hiện trong mỗi nhiệm kỳ. Ảnh: Như Ý.

Lấy phiếu tín nhiệm được Quốc hội thực hiện trong mỗi nhiệm kỳ. Ảnh: Như Ý.

Bãi nhiệm khi không còn tín nhiệm

Nói về tư tưởng nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, nếu nhà nước quân chủ là “của vua, do vua và vì vua”, thì nhà nước dân chủ là “của dân, do dân và vì dân”. Chủ thể của quyền lực và đối tượng phục vụ của quyền lực là rất khác nhau trong hai mô hình thể chế này. Những người Cộng sản tiền bối do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã làm cách mạng không chỉ để giải phóng dân tộc, mà còn để mang lại tự do, dân chủ cho nhân dân.

Mô hình thể chế dân chủ chính vì vậy đã được lựa chọn. Đã là thể chế dân chủ thì nhà nước là “của dân, do dân và vì dân”. Nhà nước “của dân” thì phải “do dân” và chỉ có “do dân” thì mới thật sự “vì dân”. Để bảo đảm nguyên tắc “do dân”, ngay sau khi vừa giành được chính quyền vào cuối năm 1945, thì đầu năm 1946, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tổ chức Tổng tuyển cử để thành lập Chính phủ mới và xây dựng Nhà nước dân chủ đầu tiên ở nước ta.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đến nay vẫn là một cuộc bầu cử Quốc hội mẫu mực hàng đầu. Tham gia tranh cử là đại diện của rất nhiều thành phần xã hội. Cùng với đó, số lượng ứng cử viên tại mỗi đơn vị bầu cử cũng rất lớn. Ví dụ như danh sách các ứng cử viên của khu vực bầu cử Hà Nội, nơi có Bác Hồ tham gia tranh cử là 74. Trong lúc đó số đại biểu được bầu chỉ là 6. Tỷ lệ tranh cử là 1 “chọi” hơn 12,3. Trong các cuộc bầu cử sau này tỷ lệ tranh cử chỉ là 1 “chọi” 1,6, hoặc 1,5, thậm chí còn thấp hơn.

Bên cạnh các cuộc bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, những cố gắng để hiện thực hóa tư tưởng “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” còn được thể hiện thông qua một loạt các hình thức khác. Trước hết, đó là việc xác lập chế độ trách nhiệm trước cử tri. Các vị đại biểu Quốc hội đều phải tiếp xúc với cử tri để báo cáo và giải trình về các quyết sách của mình. Về nguyên tắc, cử tri có thể bãi nhiệm một vị đại biểu Quốc hội, khi vị này không còn được cử tri tín nhiệm. Trình tự, thủ tục để cử tri bãi nhiệm được Luật Tổ chức Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Cùng với đó, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều phải tham vấn ý kiến của nhân dân. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì thời hạn để tham vấn ý kiến nhân dân tối thiểu phải là hai tháng. Thứ ba là, xây dựng hệ thống khuyến khích phục vụ bằng việc đo đếm sự hài lòng của nhân dân. Đây là hình thức có tác động hết sự mạnh mẽ đến sự “vì dân” đang được áp dụng ngày một nhiều hơn ở tất cả các cấp chính quyền.

“Dân biết” là đòi hỏi trước tiên

Chia sẻ về quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân, TS. Nguyễn Sĩ Dũng lý giải, chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là một phương châm hành động của “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Đây thực chất là sự thể hiện trên thực tế tính minh bạch của quy trình quản trị quốc gia.

Trong đó “dân biết” là đòi hỏi trước tiên. Để dân biết, thì chính quyền phải có trách nhiệm thông tin cho dân, và quyền tiếp cận thông tin của dân phải được bảo đảm. Luật Tiếp cận thông tin quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công việc này. Còn “dân bàn” chính là đòi hỏi phải tham vấn ý kiến nhân dân. Với “dân làm” thì tất nhiên rồi. Mọi chuyện đều phải do dân làm thôi.

Trong khi đó, “dân kiểm tra” thì có thể thông qua các đại biểu của mình (đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND) hoặc trực tiếp. Để dân có thể kiểm tra thì quan trọng nhất là dân phải tiếp cận được thông tin, đồng thời phải có hình thức để bảo đảm trách nhiệm giải trình trước nhân dân.

Cũng phải nói thêm rằng, chúng ta đã có Luật Trưng cầu ý dân, trong đó đã quy định rất rõ trường hợp nào thì thực hiện trưng cầu dân ý. Đó là toàn văn Hiến pháp, một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; các vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; các vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Tuy nhiên, quyền đề nghị trưng cầu dân ý lại thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên. Như vậy, nội dung nào là quan trọng của Hiến pháp, vấn đề nào là đặc biệt quan trọng của quốc gia thì sẽ do các cơ quan nói trên quyết định. “Luật Trưng cầu ý dân chỉ mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Tôi không nghĩ là chúng ta đã có một cuộc trưng cầu dân ý nào kể từ đó đến nay”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhìn nhận.

Vì sao chúng ta chưa hóa rồng?

Nói về một “Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, trong thực tiễn thì điều đó đang được cụ thể hóa theo những nội hàm mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra. Cụ thể là Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, chính sách tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế; Nhà nước không làm thay thị trường; Chính phủ thiết kế một môi trường kinh doanh thuận lợi; Chính phủ nói phải đi đôi với làm, phải áp dụng mô hình Chính phủ điện tử.

Thực ra, chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề khái niệm rất lớn ở đây. Trong tiếng tiếng Anh có hai khái niệm khác nhau là “facilitating state” và “developmental state”. Thế nhưng cả hai khái niệm này đều đang được dịch ra Tiếng Việt là “nhà nước kiến tạo phát triển” (từ đó mà có khái niệm “Chính phủ kiến tạo phát triển”). Nội hàm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra rất gần với khái niệm “facilitating state”. Đây cũng là nội hàm được một số thiết chế như Ngân hàng thế giới và nhiều nước OECD phương Tây thúc đẩy.

Thế nhưng, khái niệm “developmental state” thì lại có nội hàm rất khác. Cụ thể là Chính phủ hoạch định chương trình công nghiệp hóa và chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy công nghiệp hóa nhờ đó mà tạo ra sự phát triển kinh tế vượt bậc cho đất nước. Thực tế đã chứng minh là các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á theo mô hình “developmental state” đều đã hóa rồng. Trong đó chúng ta có thể kể ra trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí Trung Quốc hiện nay.

Đường lối của Đảng ta từ khi đổi mới năm 1986 đến nay không chỉ rất gần mà còn trùng hợp với nội hàm của khái niệm “developmental state”. Chúng ta chưa hóa rồng vì một vài nguyên nhân rất dễ nhận thấy như chưa triển khai công nghiệp hóa dựa vào doanh nghiệp tư nhân, chưa có đội ngũ hành chính tinh hoa và chuyên nghiệp. Khắc phục những hạn chế này, chắc chắn sẽ kiến tạo được sự phát triển kinh tế vượt bậc cho đất nước trong thời gian tới.

“Tôi cho rằng cần tiếp tục làm rõ nội hàm của khái niệm “nhà nước kiến tạo phát triển” mà chúng ta theo đuổi. Suy cho cùng kinh tế phát triển vượt bậc thì người dân sẽ có nhiều cơ hội hơn. Mà như vậy thì “developmental state” là mô hình rất đáng được cân nhắc. Đó là chưa nói tới việc từ năm 1986 về cơ bản chúng ta đang đi theo mô hình này”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ.

“Ðể Dân biết thì chính quyền phải có trách nhiệm thông tin cho dân, và quyền tiếp cận thông tin của dân phải được bảo đảm. Luật Tiếp cận thông tin quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công việc này”.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chi-do-dan-moi-thuc-su-vi-dan-1317047.tpo