Chi gần 140 tỷ đồng trợ giá xe buýt nhưng kết quả không như kỳ vọng

5 năm qua, từ năm 2016 đến nay, TP. Đà Nẵng đã chi 138 tỷ đồng trợ giá cho 12 tuyến xe buýt nhưng kết quả không như kỳ vọng.

Đà Nẵng đã triển khai xe buýt trợ giá được 5 năm - Ảnh:VGP/Lưu Hương

Đà Nẵng đã triển khai xe buýt trợ giá được 5 năm - Ảnh:VGP/Lưu Hương

Trung bình 177 triệu đồng/tháng/tuyến

Tại TP. Đà Nẵng, từ năm 2016, thành phố đã tập trung phát triển hệ thống mạng lưới xe buýt trợ giá. Cụ thể, tháng 12/2016 đã có 5 tuyến xe buýt được trợ giá đầu tiên đi vào hoạt động. Đến năm 2021, mạng lưới tuyến buýt trợ giá gồm 11 tuyến với tổng chiều dài khoảng 222 km và có 147 xe buýt. Thời gian hoạt động từ 5h30 đến 21h00 hằng ngày với tuần suất cao điểm 10 phút/chuyến, bình thường 20 phút/chuyến.

Tuy nhiên, hiện nay, Đà Nẵng chỉ còn 4 tuyến buýt trợ giá đang hoạt động với tổng số 26 xe buýt. Theo Sở GTVT TP. Đà Nẵng, nguyên nhân do tình hình dịch bệnh COVID-19 và 5 tuyến buýt trợ giá mở tháng 12/2016 đã hết thời hạn hợp đồng.

Hiện đơn vị đang tiến hành sắp xếp lại các tuyến cho phù hợp hơn và tổ chức đấu thầu đưa các tuyến buýt vào hoạt động dự kiến vào quý IV/2023.

Giá trị tiền trợ giá thanh toán từ ngân sách thành phố cho 12 tuyến xe buýt trợ giá trong gần 5 năm vận hành là khoảng 138 tỷ đồng (trung bình 177 triệu đồng/tháng/ tuyến).

Xe buýt Đà Nẵng có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật - Ảnh:VGP/Lưu Hương

Ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT TP. Đà Nẵng cho hay trong 5 năm qua, hệ thống xe buýt trợ giá đã vận chuyển hơn 13 triệu lượt hành khách. Sản lượng hành khách các tuyến không đồng đều nhau, có tuyến đạt hiệu quả cao (30 khách/lượt xe); có tuyến sản lượng vẫn còn thấp.

Với gần 5 năm khai thác, trong 3 năm đầu, lượng hành khách tăng dần qua từng năm, tuy chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã dần dần tạo được thói quen của người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Chất lượng dịch vụ xe buýt trợ giá của Đà Nẵng đạt yêu cầu nhất so với các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng do sạch sẽ, thoáng mát, tiện nghi tương đối đầy đủ (kể cả thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật); đa dạng hóa hình thức bán vé (trực tiếp, online, qua các ứng dụng…) và loại vé phù hợp với giá rẻ 6.000 đ/lượt/hành khách.

Nguyên nhân tỉ lệ người dân đi xe buýt vẫn còn thấp là do thói quen sử dụng xe máy cá nhân; hệ thống mạng lưới xe buýt chưa phủ rộng khắp và phân bố đồng đều trên địa bàn; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu của người dân (một số vị trí điểm dừng còn xa hơn 500 m; khu vực vỉa hè dành cho người đi bộ tiếp cận xe buýt chưa được thuận lợi...

Nhiều học sinh tham gia phương tiện giao thông công cộng - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Tiếp tục duy trì hệ thống mạng lưới xe buýt công cộng

Theo Sở GTVT TP. Đà Nẵng, trong năm thứ 4 và thứ 5 (năm 2020, 2021), do dịch bệnh COVID - 19 đã làm ảnh hưởng đến tình hình vận hành xe buýt trợ giá khiến sản lượng hành khách giảm xuống rất sâu nhưng thành phố vẫn duy trì hệ thống mạng lưới xe buýt công cộng.

Doanh thu thực tế đạt được thấp hơn nhiều so với dự toán trong hồ sơ hợp đồng thầu vận hành, dẫn đến nhà thầu (Công ty CPCN Quảng An 1) không đủ kinh phí mua nhiên liệu và trả lương cho lái xe, gây khó khăn trong công tác điều hành hoạt động của dự án.

Trên cơ sở khảo sát nhu cầu, phản ánh của người dân, đồng thời đánh giá hiệu quả hoạt động của từng tuyến trong giai đoạn vừa qua, ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT cho hay Sở GTVT sẽ phối hợp với các sở ngành đề xuất xây dựng lại mạng lưới xe buýt cho phù hợp với nhu cầu đi lại thực tế của người dân, khắc phục các bất cập, tồn tại của hệ thống mạng lưới tuyến buýt, nhất là các tuyến buýt cấp độ III (tuyến buýt kết nối, tuyến gom),

Cụ thể, điều chỉnh lộ trình đối với một số tuyến có hướng tuyến đi chưa phù hợp, tối ưu lộ trình; tăng khả năng tiếp cận với nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng xe buýt (sinh viên, học sinh, khách du lịch, người lao động ngoài khu vực trung tâm thành phố…); hạn chế lưu thông qua các đoạn đường hẹp (dưới 7,5 m). Đồng thời, điều chỉnh lộ trình đối với các tuyến có hướng tuyến chưa phù hợp.

Tăng cường tiếp cận đến các điểm thu hút; kết nối giữa các tuyến xe buýt với nhau, giữa các điểm đầu cuối xe buýt đến các đầu mối vận tải chính như bến xe, cảng hàng không, ga tàu…điều chỉnh tên điểm dừng, tên tuyến buýt giúp người dân dễ ghi nhớ và tìm kiếm tuyến đi phù hợp.

Bên cạnh đó rà soát, bố trí điểm dừng tại các điểm thu hút để thuận lợi cho hành khách; đầu tư điểm trung chuyển xe buýt kết nối các tuyến vận tải hành khách công cộng với nhau giúp hành khách chuyển tuyến một cách dễ dàng.

Nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hệ thống nhà chờ tiện lợi, phù hợp với mỹ quan đô thị và điều kiện thời tiết trên địa bàn thành phố; đầu tư hệ thống bãi đỗ xe dành cho phương tiện cá nhân trên dọc các trục tuyến xe buýt đi qua để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách gửi xe, tham gia giao thông bằng xe buýt.

Triển khai hệ thống vé QRcode ETicket dành cho vé tháng. Người dân chỉ cần ở nhà, lên mạng đăng ký mua trực tuyến sẽ được cung cấp một mã QRcode và sử dụng mã đó để lên xe buýt trong tháng. Việc này tăng sự thuận tiện cho người dân và tiết kiệm chi phí in ấn, làm thẻ vé, đồng thời quản lý doanh thu tốt hơn. Đồng thời, xây dựng chính sách linh hoạt về giá đối với các khách hàng lớn như khách hàng tại các công ty ngoài khu công nghiệp…

Lưu Hương

Nghịch lý xe buýt: Trợ giá than lỗ - không trợ giá lại sống khỏe

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chi-gan-140-ty-dong-tro-gia-xe-buyt-nhung-ket-qua-khong-nhu-ky-vong-10222072116093261.htm