Chi hội Vật liệu xây dựng miền Trung- Tây nguyên: Nơi kết nối tạo đà cho sự phát triển trong lĩnh vực xây dựng

Ngày 15/12, tại Đà Nẵng, Chi hội Vật liệu xây dựng (VLXD) miền Trung –Tây Nguyên (thuộc Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam) đã tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Ông Trần Xuân Đính phát biểu tổng kết hội nghị

Ông Trần Xuân Đính- Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, Chủ tịch Chi hội VLXD miền Trung- Tây Nguyên cho biết, trong năm 2018, Hội và Chi hội đã liên kết với Bộ Khoa học và Công nghệ, thiết lập dự án đầu tư như: dự án gạch Somi ở Quảng Bình, dự án gạch không nung của Công ty VLXD Biconsi ở Bình Dương và Phú Thọ.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo về đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng tiêu thụ sản phẩm theo chỉ đạo của Hội VLXD Việt Nam, Chi hội đã phối hợp với Ban tổ chức Vietbuild tổ chức các gian hàng lớn của ngành VLXD khu vực miền Trung – Tây Nguyên để các hội viên tham gia triễn lãm như: Gạch không nung Hồng Hoàng Hồng, Bất động sản Thành Đạt Đà Nẵng, Nhà máy gạch Hiệp Hưng, Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước... và đã được Ban tổ chức bình chọn, trao giải “Gian hàng đẹp nhất”. Chi hội cũng đã phối hợp với Sở xây dựng các tỉnh tuyên truyền, vận động các hội viên, doanh nghiệp tham gia đầu tư. Đến nay, trên địa bàn các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên (từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận) đã có 38 dây chuyền sản xuất không nung công suất lớn, với sản lượng khoảng 1 tỷ viên tiêu chuẩn và 8 dây chuyền sản xuất ngói xi măng. Nhiều tỉnh thành có số đầu tư lớn như: Đà Nẵng 6 nhà máy, Quảng Nam 5 nhà máy, Thừa Thiên Huế 4 nhà máy, Quảng Trị 3 nhà máy...

Các đại biểu tham dự hội nghị

Nằm trong chuỗi Hội chợ triển lãm Vietbuil Đà Nẵng 2018, Hội thảo giải quyết “Vướng mắc, tồn tại và giải pháp cho vật liệu xây dựng không nung” được Chi hội tổ chức thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực VLXD tham gia. Đây được xem là cách tiếp cận xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của xu thế này đối với ngành VLXD Việt Nam. Hội thảo mở ra cơ hội đề giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là đổi mới công nghệ sản xuất gạch không nung. Từ đó tạo nối liên kết, giao thương giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt, mạnh dạn đầu tư, đưa ngành VLXD miền Trung- Tây Nguyên đổi mới, phát triển một cách bền vững.

Định hướng trong năm 2019, ông Đính nhấn mạnh, Chi hội sẽ tập trung phát huy kết quả đạt được và tiếp tục đẩy mạnh phát triển hội viên; đồng thời cũng sẽ tăng cường kết nối, giao lưu với các doanh nghiệp, tổ chức các chuyên tham quan trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ cho các hội viên. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các Hội, Sở xây dựng trên địa bàn, các đơn vị liên quan tổ chức các hội thảo chuyên đề về VLXD, đầu tư, hội nhập kinh tế; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương tại miền Trung-Tây Nguyên giúp các hội viên tham gia gới thiệu sản phẩm ở các Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, giới thiệu cho các doanh nghiệp về công nghệ mới để thay đổi, áp dụng vào quá trình sản xuất...

Ông Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội VLXD đánh giá cao những điều làm được trong năm 2018 và định hướng năm 2019. Ông Nga tin tưởng Chi hội VLXD miền Trung Tây Nguyên sẽ nâng cao vị thế của hội, kết nối và tạo điều kiện cho lĩnh vực vật liệu xây dựng ngày càng góp phần vào sự phát triển chung của xã hội

Xuân Hoài

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chi-hoi-vat-lieu-xay-dung-mien-trung-tay-nguyen-noi-ket-noi-tao-da-cho-su-phat-trien-trong-linh-vuc-xay-dung-113451.html