Chí khí Trần Phú trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc

Đồng chí Trần Phú, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, người cộng sản kiên trung và là nhà lãnh đạo xuất sắc. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã để lại những di sản quý báu, những bài học có ý nghĩa sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.

Tượng đài Trần Phú tại TP Hà Tĩnh

Lời căn dặn “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí Trần Phú trước lúc hy sinh là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là khí phách kiên cường, bất khuất trước kẻ thù; là bản lĩnh chính trị vững vàng trước những những khó khăn, thử thách; là lòng trung thành đối với Đảng và niềm tin tuyệt đối vào con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa.

“Chí khí chiến đấu” của đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo thành sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại.

Ngay sau khi ra đời, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo phong trào quần chúng phát triển lớn mạnh. Trước sự phát triển của phong trào, thực dân Pháp đã thi hành chính sách khủng bố hết sức dã man. Nhiều đồng chí lãnh đạo và hàng ngàn chiến sỹ cộng sản bị bắt; cơ sở Đảng ở Trung ương và địa phương bị phá vỡ; tâm lý bi quan, dao động xuất hiện trong quần chúng nhân dân và một bộ phận trong hàng ngũ những người cách mạng. Với bản lĩnh và trí tuệ, Đảng luôn giữ vững “chí khí chiến đấu”, giữ vững ý thức tổ chức kỷ luật để lãnh đạo từng bước khôi phục, phát triển tổ chức đảng và phong trào cách mạng.

Di tích cách mạng số 90, phố Hàng Bông - Thợ Nhuộm, Hà Nội, nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương chính trị. (Ảnh tư liệu, chụp năm 1960).

Đầu tháng 8 năm 1945, trước những diễn biến rất nhanh của tình hình thế giới và trong nước, nếu không giữ vững “chí khí chiến đấu”, không có bản lĩnh chính trị vững vàng, chắc chắn sẽ rơi vào lúng túng và do dự. Trong những giờ phút quyết định ấy, “chí khí chiến đấu” của một Đảng cách mạng được thể hiện ở bản lĩnh và ý chí sắt đá, ở quyết tâm “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Nhờ vậy, Cách mạng Tháng Tám đã giành được thắng lợi trong thời gian ngắn và ít tổn thất, đồng thời đã thay đổi vị thế đất nước khi đón tiếp quân Đồng minh.

Sau Cách mạng Tháng Tám, nền độc lập non trẻ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Một lần nữa “chí khí chiến đấu” của Đảng lại được tôi luyện bởi những thử thách “ngặt nghèo” của lịch sử. Trước thù trong, giặc ngoài, việc kiên trì chính sách ngoại giao cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo trong sách lược và nghệ thuật lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù đã hạn chế và thủ tiêu sự phá hoại của các lực lượng phản động, giữ vững thành quả cách mạng trước cơn sóng gió. Chí khí Trần Phú đã được toàn Đảng, toàn dân cụ thể hóa trong quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, xây dựng niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh dân hương tại khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú

Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước tạm chia làm hai miền; mưu đồ thực dân của đế quốc Mỹ lại đặt dân tộc ta trước những khó khăn, thách thức mới. Đứng trước một trong những khúc quanh khó khăn, phức tạp nhất của lịch sử, “chí khí chiến đấu” của những người cộng sản đã được Đảng cụ thể hóa ở việc xác định đường lối tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền; ở tư tưởng độc lập, tự chủ, không phụ thuộc trong phương pháp tiến hành bạo lực cách mạng; ở tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; ở tư tưởng chiến lược tiến công và quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Nhờ vậy, trải qua 21 năm chiến đấu ngoan cường, dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do lạc hậu về nhận thức lý luận và những sai lầm “tả khuynh” trong tổ chức thực hiện, nên đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Khó càng thêm khó khi nhiều nước xã hội chủ nghĩa lâm cũng vào khủng hoảng nghiêm trọng; chúng ta không còn sự ủng hộ truyền thống, lại chịu sự bao vây, cấm vận, chống phá của các thế lực thù địch.

Thời điểm này, trong Đảng và ngoài xã hội xuất hiện tư tưởng dao động, cơ hội về chính trị, thậm chí có bộ phận xét lại, trở cờ. Trong hoàn cảnh đó, nếu thiếu bản lĩnh, trí tuệ, thì chỉ một quyết định sai lầm cũng có thể đưa đến những nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng và vận mệnh của dân tộc. Một lần nữa “chí khí chiến đấu” của người cộng sản lại được thể hiện ở thái độ “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, dứt khoát đổi mới vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ở niềm tin khoa học, ở trí tuệ, bản lĩnh, nhân văn và trách nhiệm Đảng đối với giai cấp và dân tộc.

Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú (Đức Thọ - Hà Tĩnh). Ảnh Thanh Hoài

“Chí khí chiến đấu” của những người cộng sản còn được thể hiện ở thái độ dám thừa nhận và kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm. Tháng 12/1930, đồng chí Trần Phú đã cùng với Ban Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản báo Cờ vô sản và báo Cộng sản nhằm “mục đích làm rõ chính sách và phê bình mọi sai trái, lầm lỗi và yếu kém” trong công tác của Đảng. Trong gần 90 năm lãnh đạo cách mạng, đã có lúc do ấu trĩ, “tả khuynh”, nóng vội, làm cho Đảng phạm phải những sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, Ðảng không che giấu, không sợ phê bình mà trái lại luôn dũng cảm tự phê bình và quyết tâm sửa chữa. Xem tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển, tiến bộ chính là sự thể hiện “chí khí chiến đấu” của Đảng không chỉ trước khó khăn, trước kẻ thù mà còn là chí khí, bản lĩnh trước cả những sai lầm, khuyết điểm của chính mình.

Xã Tùng Ảnh - quê hương Tổng Bí thư Trần Phú đang tự tin cán đích khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh Thanh Hoài

“Chí khí chiến đấu” của người cộng sản là một nội dung quan trọng của đạo đức cách mạng, nó được hình thành từ lý tưởng, niềm tin khoa học, được thử thách qua thực tiễn đấu tranh cách mạng và phải tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ suốt đời mới có được. Thực tế hiện nay cho thấy, có một số tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên sa sút “chí khí chiến đấu”, biểu hiện ở việc vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; xa rời mục tiêu, lý tưởng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí có bộ phận dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội... Sự sa sút “chí khí chiến đấu” đã và đang tạo môi trường cho chủ nghĩa cá nhân lấn át “dĩ công vi thượng”, làm cho cái xấu có cơ hội phát triển và nguy hại hơn là làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm lung lay cơ sở xã hội - chính trị của Đảng.

Trong bối cảnh đó, chí khí chiến đấu của Tổng Bí thư Trần Phú luôn là tấm gương sáng ngời để toàn Đảng, toàn dân cũng như mỗi cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện ý chí, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữ vững niềm tin và quyết tâm phấn đấu hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội như sinh thời đồng chí Trần Phú khát vọng và cống hiến.

TS. Nguyễn Quang Ngọc

Trưởng khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/chi-khi-tran-phu-trong-su-nghiep-cach-mang-cua-dan-toc/171832.htm