Chỉ nên chi trong phạm vi thu được

Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (ảnh), Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính xung quanh những vấn đề về các báo cáo NSNN cũng như đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính.

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, tình hình thực hiện NSNN năm 2018 và Kế hoạch Tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020 khá tích cực. Song, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng như ý kiến một số ĐBQH vẫn bày tỏ nhiều lo ngại về sự bền vững của NSNN, đặc biệt là số thu. Từ góc độ của một chuyên gia, theo ông, Chính phủ cần phải lưu ý điều gì?

Theo tôi, trong giai đoạn này cần thiết nhất vẫn phải tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại nguồn thu NSNN, trong đó phải cải cách thu từ nguồn thuế, làm sao cho tỷ lệ đóng thuế tương ứng với mặt bằng chung của cộng đồng quốc tế cũng như tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Bên cạnh đó, cần xem xét tăng dần thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt cũng như tăng dần thuế Bảo vệ môi trường để phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng như các điều kiện khác.

Thứ hai, phải xem xét để giảm tỷ suất thu từ thuế Thu nhập doanh nghiệp. Thực chất, hiện nay, thuế Thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam đã thấp hơn so với các nước trong khu vực. Nhưng theo tôi vẫn cần có một mức thuế suất thấp hơn, chỉ khoảng 15-17% cho các DN vừa và nhỏ. Điều này rất quan trọng và cần thiết bởi khi hạ thấp mức thu thuế này sẽ giúp các DN có tích lũy, có đầu tư và có đổi mới công nghệ, qua đó DN tăng trưởng phát triển sản xuất.

Về thuế Thu nhập cá nhân, cũng cần phải xem xét cải cách lại sao cho thuế suất thấp hơn nữa. Điều này sẽ khuyến khích người lao động tiếp tục nâng cao kĩ năng lao động, từ đó nâng cao năng lực, năng suất của người lao động. Nhất là việc xem xét giảm thiểu mức thuế cho lao động trình độ cao để khuyến khích người lao động nâng cao kĩ năng lao động. Nếu làm được như vậy, thời gian tới, kỳ vọng rằng người lao động Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu cao của các DN nước ngoài cũng như DN trong nước trong bối cảnh nước ta đang hội nhập rộng rãi.

Đặc biệt, cũng cần phải xem xét để bố trí sắp xếp những khoản thu mới liên quan đến dịch vụ công trong giáo dục và y tế, tạo nguồn lực thực hiện đầu tư cho cơ sở vật chất hạ tầng của lĩnh vực dịch vụ công và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Vậy còn vấn đề chi NSNN, thưa ông?

Theo ý kiến của tôi, chúng ta nên bóc tách phần nợ gốc khỏi chi tiêu của NSNN hàng năm. Như vậy sẽ giúp thâm hụt ngân sách giảm đáng kể.

Trong chi thường xuyên, cần phải xem xét lại các định mức áp dụng cho chi tiêu thường xuyên. Thứ hai là phải tiếp tục cải cách hành chính, giảm thiểu các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, giảm thiểu biên chế, cắt giảm chi tiêu cho lực lượng "cồng kềnh" này. Như vậy mới giảm được gánh nặng cho NSNN.

Tiếp theo là chi tiêu công và đầu tư công. Thực sự, đầu tư công trong giai đoạn vừa qua còn phân tán, dàn trải và hiệu quả chưa cao dẫn đến chi NSNN thêm lãng phí.

Vậy, ông có khuyến nghị gì với các cơ quan quản lý để có thể điều hành NSNN hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Phải đổi mới tư duy từ các nhà hoạch định chính sách về NSNN, từ Quốc hội đến Chính phủ và sâu hơn nữa là Bộ Tài chính. Từ trước đến nay, trong dự toán luôn để mức thâm hụt NSNN. Con số này hiện nay là 4%. Điều đó đồng nghĩa chúng ta luôn xác định chi tiêu sẽ lớn hơn thu. Dĩ nhiên có nguyên nhân là bội chi để đầu tư phát triển và xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất để phát triển kinh tế mạnh hơn trong tương lai. Song, xét đến cùng, việc này đang khiến nợ công tăng lên.

Do vậy, phải chăng ta nên thay đổi tư duy về NSNN, chỉ chi trong phạm vi nguồn thu được thôi. Hoặc tối thiểu, chi thường xuyên cùng với trả nợ phải nhỏ hơn nguồn thu của NSNN. Khi đưa vào kế hoạch, chúng ta buộc phải cân đối thu chi và khi đó các cơ quan liên quan sẽ bắt buộc phải thực hiện theo kế hoạch. Như vậy, chúng ta mới có tích lũy cho sản xuất và cho đầu tư phát triển.

Một điểm nữa, như tôi đã nói ở trên, phải xem lại đầu tư công, siết chặt khâu kế hoạch và thẩm định dự án của đơn vị. Làm sao chỉ tập trung vào những công trình dự án thực sự cần thiết và dồn toàn bộ nguồn vốn cho những dự án đó để đem lại hiệu quả cao nhất có thể.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Vân (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chi-nen-chi-trong-pham-vi-thu-duoc.aspx