Chi nhánh ven biển- Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học

Cách đây 30 năm, thực hiện Nghị định giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô, ngày 2-5-1988, Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 115/QĐ-QP thành lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Thử nghiệm hỗn hợp Việt Nam- Liên Xô (gọi tắt là Trung tâm Nhiệt đới Việt-Xô).

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga kế thừa thực hiện các nhiệm vụ của hiệp định, đổi tên thành Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ Nhiệt đới hỗn hợp Việt-Nga (gọi tắt là Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga). Theo đó Chi nhánh ven biển chính thức được thành lập và đứng chân trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và là một đơn vị đầu mối trực thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga ở khu vực ven biển Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

 Kiểm tra mẫu thử nghiệm.

Kiểm tra mẫu thử nghiệm.

Nhiệm vụ của Chi nhánh ven biển là thực hiện nghiên cứu khoa học trên hai hướng chính, độ bền nhiệt đới và sinh thái nhiệt đới. Đồng thời tham gia hoạt động khoa học, công nghệ giữa các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam, Liên bang Nga và thực hiện ứng dụng chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học, kỹ thuật.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ Chi nhánh ven biển đã triển khai theo các hướng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trên cơ sở bám sát nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các đề tài, nhiệm vụ khoa học do Ủy ban phối hợp phê duyệt. Ở hướng độ bền nhiệt đới, chi nhánh tập trung vào nghiên cứu, thử nghiệm quá trình ăn mòn khí quyển, lão hóa và phá hủy sinh học các vật liệu kết cấu, các lớp phủ kim loại; tính chất bảo vệ của các chất ức chế ăn mòn mới; các phương pháp bảo vệ vật liệu khỏi ăn mòn, lão hóa, phá hủy sinh học ở khu vực khí hậu nhiệt đới biển Việt Nam…. Còn hướng sinh thái nhiệt đới thì trung tâm tiến hành nghiên cứu đa dạng sinh học, hiện trạng các hệ sinh thái biển, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái tại một số vùng điển hình của Việt Nam. Thu thập các số liệu khoa học cơ bản về đa dạng sinh học biển, cấu trúc, chức năng của các hệ sinh thái nước nhằm ứng dụng vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề cấp thiết về bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn tài nguyên sinh vật nước của Việt Nam, nhất là trong điều kiện bị tác động lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bên cạnh đó, chi nhánh đã tiến hành thử nghiệm tự nhiên về độ bền nhiệt đới đối với các loại vật liệu và phương pháp, phương tiện bảo vệ vật liệu với gần 200 chương trình nghiên cứu, trên 10.000 mẫu thử các loại. Đánh giá hiệu quả bảo vệ của các hệ sơn phủ chống bám bẩn sinh học; triển khai và thích ứng các phương pháp, phương tiện, kỹ thuật tiên tiến của Liên bang Nga và thế giới trong bảo quản và khai thác vũ khí, trang bị quân sự. Phối hợp với các đơn vị kỹ thuật của Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân và các đơn vị trong khu vực triển khai nhiều thiết bị, công nghệ, vật liệu, phương tiện bảo quản, niêm cất và các phương pháp tiên tiến trong khai thác vũ khí, trang thiết bị, nhiệt đới hóa khí tài quân sự. Trong đó có những sản phẩm đã được đưa vào ứng dụng thành công như sản phẩm chống ăn mòn cho đường ống làm mát, các chất xử lý nước làm mát cho tàu Hải quân, thiết bị làm sạch hà bám dưới nước sử dụng hiệu ứng Cavitation, chống ăn mòn cầu cảng bằng phương pháp bảo vệ Catốt...

Thẩm định sản phẩm đề tài.

Ngoài các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, chi nhánh còn triển khai các nghiên cứu mang tính định hướng ứng dụng, như nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản cá cảnh biển, độc học môi trường khu vực cửa sông và vịnh Nha Trang, hệ sinh thái rừng ngập mặn và ảnh hưởng của con người lên các hệ sinh thái... Đặc biệt là đề tài nghiên cứu hiện trạng và tái tạo rạn san hô tại Vịnh Nha Trang, đề tài bảo vệ quỹ gen của các loài san hô quí hiếm...góp phần tái tạo và phát triển các rạn san hô bị hủy diệt do tác động của con người, tạo môi trường cho sinh vật biển sinh sống và phát triển.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và nghiên cứu khoa học, Chi nhánh ven biển còn thường xuyên quan tâm chú trọng đến công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp. Từ chỗ lực lượng cán bộ những năm đầu mới thành lập còn rất mỏng, đến nay đội ngũ cán bộ khoa học và các chuyên ngành của chi nhánh đã tăng cả về số lượng và chất lượng. Toàn chi nhánh hiện nay có gần 20% tiến sĩ, 50% thạc sĩ. Những năm gần đây, cơ sở vật chất, nhà làm việc, phòng thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu khoa học cơ bản được xây dựng, trang bị mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nền nếp các mặt công tác: Hành chính-Tổng hợp, Hậu cần-Kỹ thuật, Tài chính và Công tác đảng-công tác chính trị luôn được duy trì, giữ vững. Trong các phong trào thi đua, đơn vị đã thường xuyên quán triệt phương châm “Hợp tác, sáng tạo, hiệu quả, thực chất” gắn với việc thực hiện các Chỉ thị số 03, 05 của Bộ Chính trị và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” của Quân ủy Trung ương.

Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Chi nhánh ven biển-Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga đã thu được nhiều kết quả thắng lợi, đơn vị đã trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc tế, đại diện cho Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga tại khu vực ven biển, ven bờ miền Trung, Tây Nguyên, góp phần tích cực vào việc củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Trong quá trình xây dựng và phát triển, chi nhánh đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Bộ Quốc phòng, tỉnh Khánh Hòa và thủ trưởng Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga tặng bằng khen, giấy khen và nhiều danh hiệu thi đua khác cho các tập thể, cá nhân của chi nhánh có thành tích xuất sắc trong 30 năm qua.

Bài, ảnh: ĐINH ĐỨC BẢO

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chi-nhanh-ven-bien-trung-tam-nhiet-doi-viet-nga-voi-nhiem-vu-nghien-cuu-khoa-hoc-537806